Phía cửa hàng không chắc chắn đó là sản phẩm của mình; khách hàng lại cho rằng, cửa hàng không nắm được sản phẩm do mình bán ra, chẳng khác gì bán sản phẩm không nhãn mác, bao bì. Kiểu bán thịt tự chọn tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm dù tiện lợi nhưng cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề.
Thực phẩm bốc tay trong siêu thị
Ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm 3F, một trong ba nhà cung cấp các sản phẩm gia cầm cho Bách Hóa Xanh - cho rằng, việc bán dưới hình thức cho khách hàng tự chọn là nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Thái Lan và một số nước cũng có hình thức tương tự. Dù có những tiện lợi nhưng khi xảy ra sự cố, sẽ rất khó truy nguồn gốc. Nhà cung cấp đưa hàng đến kho của cửa hàng, hàng được đóng gói theo nhiều mức trọng lượng 1kg, 2kg, 3kg, thậm chí hơn 10kg.
|
Tại quầy thịt của Big C Gò Vấp, khách hàng vẫn “được” tự chọn mua đùi và cánh gà. |
Mỗi bao bì đều có thông tin cụ thể về tên sản phẩm, số lô, khuyến nghị về bảo quản, hạn sử dụng. Bên bán lẻ có thể bỏ bao bì, bán dưới dạng “xá” là đã chấp nhận những rủi ro nhất định.
Khi thực phẩm được bày bán ở dạng “xá”, không bao bì, nhãn mác, đựng trong khay để khách hàng tự chọn, người mua khó biết được đơn vị cung cấp, ngày sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm.
Tại quầy thịt của siêu thị Big C Gò Vấp, ngày 4/6, đùi và cánh gà được đổ trong chiếc tủ đông lớn, nhiệt độ bảo quản trong tủ không quá lạnh, đùi gà, cánh gà đều ướt nước, nhiều sản phẩm đã nhợt nhạt.
Trên bề mặt tủ đông, chỉ có tấm biển nhỏ ghi thông tin “đùi tỏi gà Mỹ đông lạnh 32.500 đồng/kg” và không có thêm bất cứ thông tin gì về nhà cung cấp hay hạn sử dụng. Ở ô bên cạnh, sản phẩm cánh gà và đùi gà góc tư cũng trong tình trạng tương tự. Khách hàng có nhu cầu mua sẽ lấy bịch ni-lông và dùng chiếc kẹp được siêu thị trang bị sẵn trong tủ đông gắp sản phẩm vào túi, đem cân và tính tiền.
Chị Thu Nguyên - khách hàng tại Q.Gò Vấp, TP.HCM - cho biết, cánh hay đùi gà của các doanh nghiệp như CP, Thanh Bình, San Hà, Phạm Tôn ở Big C và một số cửa hàng cũng có đóng trong bao bì với đầy đủ thông tin, nhưng không tiện mua bằng hàng tự chọn vì bịch sẵn thường có từ 3 - 7 đùi hoặc cánh, trong khi nhu cầu mua đôi lúc chỉ một vài cái. Tuy nhiên, chị cho biết, đôi lúc cũng băn khoăn về sản phẩm tự chọn, vì không biết của doanh nghiệp nào, còn hay hết hạn sử dụng.
Tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Q.Gò Vấp, ở quầy hàng lạnh, thịt heo, bò, gà được phân loại sẵn thành thăn, phi-lê, đùi, cánh, ức, xương, bày ra mâm và chia ra hai loại: thịt mới bán theo giá niêm yết và thịt cũ của ngày hôm trước bán giảm giá. Chị Liên - 37 tuổi, ngụ tại quận này - nói, không yên tâm lắm khi mua thịt cắt sẵn mà không đóng gói, không có thông tin nhãn mác.
“Thịt được bày ra mâm nên không khác gì ở chợ. Không biết đơn vị nào cung cấp, sản phẩm đến từ đâu, còn hạn sử dụng không? Có lúc tôi thấy thịt, cá làm sẵn không ngon; bề ngoài thịt khô, màu tái, sợ mua phải thịt hết đát” - chị Liên lo ngại.
Trong khi đó, đại diện Bách Hóa Xanh giải thích rằng, cửa hàng đang đi theo hướng tạo sự gần gũi, thân thiện, dễ chọn thực phẩm như ở chợ để người tiêu dùng cảm thấy tiện lợi, thoải mái khi mua sắm.
Tương tự, tại cửa hàng tiện lợi Satra Gò Vấp, bên cạnh bán rau củ đóng vỉ có nhãn mác, còn có rau củ bán “xá” để khách hàng tự chọn, mua bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
Chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc, nhân viên bán hàng giải thích: “Cả hai loại đều cùng một nguồn cung cấp, đạt chuẩn VietGap nhưng vì nhiều khách không muốn mua nguyên bó, nguyên vỉ nên cửa hàng phân riêng ra để khách tự chọn theo nhu cầu”.
Xảy ra sự cố, sao truy nguồn gốc?
Đại diện Big C cho biết, tất cả sản phẩm thịt tươi (gà, heo, bò) được bày bán tại Big C đều có xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ trước khi lưu thông ra thị trường.
Big C có thể truy xuất được nguồn gốc nếu xảy ra vấn đề về chất lượng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, do cách bày bán nên việc thể hiện thông tin về nguồn gốc sẽ có đôi chút khác nhau.
Cụ thể, đối với hàng đã bao gói sẵn, trên mỗi sản phẩm đều có đầy đủ thông tin. Nếu phát hiện sự không phù hợp trên sản phẩm đó, nhà cung cấp của Big C sẽ truy xuất được nguồn cung cấp, quá trình kiểm soát trước khi giao đến Big C.
Ngoài ra, một số nhà cung cấp và sản phẩm thịt tươi có tem QR code, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét. Đối với hàng bán “xá”, Big C có biển thông báo cho khách hàng ở mỗi quầy, gồm tên sản phẩm, giá tiền, tên nhà cung cấp. Big C cũng lưu lại thông tin bao bì mỗi lô, nếu có.
Đối với thịt heo, bò tươi, Big C đều nhập mới hằng ngày. Khi có sự cố về chất lượng sau khi đến tay khách hàng, cửa hàng sẽ truy xuất ngày nhập, nhà cung cấp sản phẩm, nhà cung cấp sẽ truy ngược lại quá trình kiểm soát trước đó.
Có thể, Big C chưa gặp phải vụ việc như Bách Hóa Xanh nên chưa lường được tình huống: sản phẩm khi ra khỏi siêu thị, dù hóa đơn có tên sản phẩm mua từ siêu thị nhưng trên bề mặt chiếc đùi hay cánh gà lại không có bất cứ dấu hiệu gì để nhận diện về nguồn gốc. Đại diện Bách Hóa Xanh cũng thừa nhận, sẽ phải xem xét lại hình thức bán hàng “tự chọn” này sau khi phát sinh sự cố với khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng, sẽ rủi ro cho cửa hàng, siêu thị khi bán hàng “xá” như vậy. Chẳng hạn, từ kho đến cửa hàng, việc vận chuyển chung với các loại thực phẩm khác có thể lây nhiễm chéo, giun cũng có thể từ rau, củ, quả rơi rớt vào thịt.
Đó là chưa kể, một số sản phẩm thịt đông lạnh vốn được bảo quản ở nhiệt độ -180C, khi bày bán ở nhiệt độ cao hơn, chất lượng sẽ không được đảm bảo, thậm chí xuất hiện dòi, bọ.
Một nhà cung cấp gia cầm khác chia sẻ, ông cũng từng được một vài nhà bán lẻ ngỏ ý muốn nhập hàng xá, nhưng ông từ chối vì ngại rủi ro cho cả bên bán lẻ lẫn nhà cung cấp như ông.
Đùi, cánh gà nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhưng không phải nhà nhập khẩu nào cũng bảo đảm chất lượng tốt; hàng kém chất lượng có thể bị trộn vào những lô hàng xá, khi đó, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm.
"Thà mình bán sản phẩm của mình, thông tin bao bì của mình, có vấn đề là biết sai ở đâu" - ông này nói.
Đăng Thư - Nguyễn Cẩm