'Siêu tài năng nhí' hay siêu kinh dị?

14/08/2020 - 20:30

PNO - Những đứa trẻ dùng răng kéo chiếc xe nặng gần 900kg hoặc nằm trên bàn đinh... khiến người xem không khỏi lo ngại. Trong nỗ lực lôi kéo khán giả khi gameshow đã bão hòa, liệu sẽ còn sự liều lĩnh nào với trẻ thơ?

Siêu tài năng nhí là chương trình phát lúc 20g30 mỗi thứ Năm hàng tuần trên HTV7. Ở mỗi tập, sẽ có 3 thí sinh nhí (từ 4 - 12 tuổi) thể hiện năng lực đặc biệt của mình, từ đó ban giám khảo (BGK) chọn ra top 10 vào chung kết. 

Trong tập phát sóng mới nhất vào tối 13/8, bé Nguyễn Nam Khánh (10 tuổi, đến từ Thái Nguyên) thực hiện 2 thử thách: nhảy từ trên cao xuống đống thuỷ tinh vỡ và dùng răng kéo xe có người ngồi bên trên, với tổng trọng lượng ước tính gần 900kg. Trong khi đó, bé Khánh chỉ nặng... 27kg.

Nguyễn Nam Khánh dùng răng kéo xe nặng gần 900 kg với 4 người lớn ngồi bên trên
Nguyễn Nam Khánh dùng răng kéo chiếc xe nặng gần 900kg với 4 người lớn ngồi bên trên

Đây không phải lần đầu tiên một tiết mục nguy hiểm như thế được mang lên chương trình này. Trước đó, trong tập đầu tiên, bé Trần Thành Nam (quê Thái Nguyên) thực hiện thử thách lấy đinh đóng qua cổ treo xô nước vào để nhấc lên. Phần biểu diễn thứ 2 "kinh dị" hơn khi bé nằm trên bàn đinh, bên trên là một bạn diễn và một chiếc bàn đinh khác, kế tiếp là 1 viên gạch đặt lên cho 1 người khác dùng búa đập vỡ viên gạch.

Những thử thách thuộc thể loại xiếc kungfu trên đã từng xuất hiện trên sóng truyền hình, nhưng người thực hiện đều đã ở tuổi trưởng thành và có thời gian luyện võ từ hơn chục năm đến vài chục năm. Dù vậy, mỗi tiết mục của họ vẫn khiến người xem thót tim vì sợ. Lần này, phần biểu diễn với độ nguy hiểm tương tự lại do những đứa trẻ chỉ trên dưới 10 tuổi thực hiện, càng khiến khán giả khiếp hãi. 

Ngay cả những nghệ sĩ xiếc kungfu dày dạn kinh nghiệm cũng phải thừa nhận, chỉ cần khi biểu diễn thiếu tập trung trong tích tắc hoặc sức khỏe có chút vấn đề, những tình huống bất trắc, đe doạ tính mạng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vậy mà, ở chương trình này, đối tượng "treo" mình trong ranh giới nguy hiểm cực độ đó lại là những đứa trẻ. 

Ở góc độ thí sinh lẫn người xem, nhiều khán giả cho rằng những nội dung như thế không nên xuất hiện trên sóng truyền hình.

Những tiết mục xiếc kungfu càng thể hiện khả năng đặc biệt của những đứa trẻ, càng mang đến cảm giác ghê rợn cho người xem. Trấn Thành, một trong 3 giám khảo cho biết anh thót tim khi xem phần trình diễn của Nam Khánh. Hari Won cũng là một giám khảo đồng hành xuyên suốt chương trình và cô đã phải che mắt trong một số khoảnh khắc. Thậm chí, đến phần đập gạch trong thử thách của Trần Thành Nam, Hari Won đã phải ngăn lại. Người trưởng thành còn khó kiểm soát cảm xúc trước những màn trình diễn này thì liệu những khán giả nhỏ tuổi, đối tượng người xem chính của chương trình sẽ ra sao?

Tiết mục nằm lên bàn đinh ở tập 1 của chương trình Siêu tài năng nhí
Tiết mục nằm trên bàn đinh ở tập 1 của chương trình Siêu tài năng nhí

Nỗi sợ ấy còn tạo nên hiệu ứng dây chuyền trong phụ huynh, người thân của những khán giả nhí. Mặc dù chương trình có dán nhãn cảnh báo “Để đảm bảo an toàn, khán giả tuyệt đối không thử dưới mọi hình thức”, nhưng không phải lúc nào khán giả nhí cũng có người thân bên cạnh để cùng xem chương trình và giải thích, chưa tính đến trường hợp những trẻ chưa có khả năng đọc chữ. Ở lứa tuổi chưa đủ nhận thức để hiểu rõ mức độ nguy hiểm của tiết mục, phần lớn hành động được thực hiện theo bản năng và bắt chước từ thế giới xung quanh, đây là một điều cực kỳ nguy hiểm với trẻ.

Sau phần thử thách, Nam Khánh nhận được phần quà là một chiếc xe đạp theo đúng mơ ước của em khi chia sẻ ở đầu chương trình. Điều này tác động không nhỏ đến các khán giả nhí. Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ học theo Nam Khánh, xem việc thực hiện những trò nguy hiểm là phương thức để đạt được điều chúng mong muốn? Một tài khoản có tên Ngoc An Nguyen bày tỏ: “Xin chương trình có chút suy tư, đừng đầu độc các bé”.

Ông Kao Long - Chủ tịch Chi hội Xiếc, ảo thuật, Hội Sân khấu TPHCM cho biết: “Những tiết mục các em thực hiện trong chương trình đều phải trải qua quá trình tập luyện, có những điểm mấu chốt nhất định. Ví dụ khi nói dùng răng kéo xe, không có nghĩa lực chỉ dồn vào hàm răng mà là sự tổng hoà của cả cơ thể, đặc biệt là phần cột sống. Khi xe vượt qua mức đà cần thiết cũng sẽ tự lăn bánh mà người thực hiện không cần dùng sức nhiều. Ở một số tình tiết, các em cũng được hỗ trợ đôi chút nên trong khả năng có thể thực hiện được.

Tuy nhiên theo tôi, những nội dung này không nên được phổ biến rộng rãi trên truyền hình. Ở độ tuổi của các em, sẽ có những nội dung khác để thể hiện phù hợp hơn”.

Nam Khánh nhảy lên đống thuỷ tinh vỡ
Thí sinh Nam Khánh chân trần nhảy lên đống thuỷ tinh vỡ

Trẻ em trở thành mối lợi của NSX gameshow là đề tài gây tranh cãi trong suốt mấy năm qua. Trước những hệ luỵ của gameshow nhí, vào năm 2019, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã ra thông báo cấm sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia. Nhưng tại Việt Nam, gameshow nhí vẫn tồn tại. Thậm chí, tồn tại với tiêu chí càng gây "thót tim" càng tốt. 

Đấu trường âm nhạc nhí mùa 2 nằm trong top chương trình có rating cao nhất của THVL với tập 1 đạt tới con số 20.0. Đi cùng con số này dĩ nhiên là những suất quảng cáo có giá tỷ lệ thuận. Thời kỳ đỉnh điểm, Giọng hát Việt nhí từng mang về cho nhà đài 300 triệu đồng/30s quảng cáo. Đến năm 2019, cũng với thời lượng ấy nhưng giá chỉ còn 180 triệu đồng. Tuy nhiên, theo một công ty chuyên về quảng cáo, mức trên cũng được xem là khá cao so với mặt bằng của chương trình truyền hình nói chung. 

Nghĩa rằng, gameshow nhí rơi vào thời kỳ bão hoà nhưng vẫn là "mỏ vàng" của các NSX, nhà đài nếu biết tìm kiếm những điều đặc biệt (hoặc khác biệt) của trẻ thơ. Không bỏ qua mối lợi này, trẻ em vẫn là đối tượng tiếp tục được khai thác. Và tất nhiên không thể chỉ dừng ở "món cũ" như ca hát, nhảy múa... vốn đã khiến người xem "bội thực" mà phải khai thác yếu tố mới lạ, hấp dẫn hơn, bất chấp đó là những trò nguy hiểm đến tính mạng của trẻ như những gì đang diễn ra tại Siêu tài năng nhí. 

Một lần nữa, nhà đài cũng không thể vô can khi "hồn nhiên" cho lên sóng những phần biểu diễn nguy hiểm với cả người chơi lẫn khán giả đều là trẻ thơ.

Gần đây nhất, tại phiên thảo luận Báo cáo về Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 5 vừa qua, một trong những chủ đề tạo được sức nóng với các đại biểu là gameshow dành cho trẻ em. Sau khi viện dẫn nhiều tình huống thực tế, ông Phạm Trọng Nhân (đại biểu Bình Dương) đặt vấn đề: “Đâu là tình thương, đâu là sự bất nhẫn của người lớn với tâm hồn những đứa trẻ lên năm, lên sáu?”. 

Người lớn ở đây không chỉ có NSX, nhà đài mà còn là phụ huynh, nhà quản lý. Khi sự thờ ơ, xem nhẹ vẫn còn thì chẳng ai biết trong tương lai, con trẻ sẽ bị nhào nặn ra sao trên truyền hình.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI