Siêu bão Haiyan bắt đầu ảnh hưởng Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng

11/11/2013 - 03:35

PNO - Từ 21 giờ tối 10/11, tại Nam Định gió đã bắt đầu giật cấp 6, cấp 7, biển động dữ dội. Còn tại Quảng Ninh, siêu bão Haiyan gây mưa to từng đợt, gió mạnh từ cấp 7 - cấp 11 giật trên cấp 12.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 22 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 150 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Sieu bao Haiyan bat dau anh huong Nam Dinh, Quang Ninh, Hai Phong
Gió đã bắt đầu thổi mạnh - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Gió bão đang vần vũ ở Quất Lâm, cả thị trấn mất điện

Lúc 21 giờ 10 phút, chúng tôi tiếp tục quay trở lại khu vực đê biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy, Nam Định) để tường thuật bão nơi đây. Gần như toàn bộ các hộ dân kinh doanh buôn bán ở các ki-ốt ven đê biển đã di dời vào khu vực lùi sâu bên trong.

Tuy nhiên, ở một số nhà hàng kề sát đê biển Quất Lâm lúc 21 giờ 15 phút vẫn có khách ngồi ăn uống thản nhiên, trong khi chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ nữa khu vực này sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão Haiyan.

Từ 19 giờ 30 phút, cả thị trấn Quất Lâm đã mất điện. Nhiều người đi đường bị gió tạt rát mặt phải nấp vào nhà ven đường.

Lúc 22 giờ, liên lạc qua điện thoại với Thanh Niên Online, ông Dương Văn Hưng - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Định cho biết hiện tại ở trung tâm thành phố Nam Định gió đã bắt đầu mạnh lên cấp 5, giật cấp 7 còn những vùng ven biển như Quất Lâm, Giao Thủy… gió mạnh lên cấp 7, giật cấp 9 có mưa vừa, mưa to.

Theo nhận định của ông Hưng, bão đang gây ảnh hưởng đến Nam Định. “Mặc dù tâm bão không đổ bộ trực tiếp nhưng Nam Định là vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, hiện vẫn chưa nhận được thông tin nào về thiệt hại của bão gây ra”, ông Hưng nói.

Sieu bao Haiyan bat dau anh huong Nam Dinh, Quang Ninh, Hai Phong
Đã có mưa vừa đến mưa to ở Nam Định - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Quảng Ninh: Gió giật trên cấp 12, toàn bộ Vân Đồn, Cô Tô bị mất điện

Bắt đầu từ 21 giờ 30 phút, siêu bão Haiyan đã bắt đầu tấn công vào các địa phương vùng biển Quảng Ninh gây mưa to từng đợt, gió mạnh từ cấp 7 - cấp 11 giật trên cấp 12, sóng cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội.

Lúc 23 giờ, trao đổi với Thanh Niên Online qua điện thoại, ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cô Tô, Quảng Ninh cho biết bắt đầu từ 22 giờ 30 phút, gió trên huyện đảo Cô Tô bắt đầu mạnh lên nhanh chóng, đạt cấp 10, sau đó tăng lên cấp 11, 12, giật trên cấp 12, biển động dữ dội.

Để chúng tôi có thể cảm nhận rõ hơn về sức mạnh của gió bão đang quần thảo trên đảo tại thời điểm này, ông Phượng đã im lặng một lúc. Tại đầu dây bên kia, chúng tôi nghe được là tiếng gió gào rít liên hồi.

Ông Phượng cho biết từ khoảng 20 giờ 30 phút - 21 giờ tối 10/11, toàn bộ huyện đảo Cô Tô đã bị mất điện.

"Ban chỉ huy của chúng tôi trực chỉ huy 24/24 trong nến và ánh đèn pin chống bão. Chúng tôi vừa mới tranh thủ đi tuần tra một vòng quanh đảo Cô Tô lớn về. Cho đến thời điểm này, chưa có thông tin thiệt hại về người, tàu bè hay các tài sản khác. Duy chỉ trên đường lớn có nhiều cành cây bị gió bão quật đổ rạp...", ông Phượng nói.

Cũng trong thời điểm này, chúng tôi tiếp tục nối máy với huyện Vân Đồn. Đang trực chỉ huy phòng chống bão, ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND H.Vân Đồn cho biết toàn bộ huyện Vân Đồn bị mất điện từ thời điểm 20 giờ 30 phút - 21 giờ tối 10/11.

"Vì Vân Đồn mất điện nên Cô Tô cũng mất điện theo. Nguyên nhân có thể là do sự cố về điện lưới, chứ không phải là do Vân Đồn chủ động cắt điện để chống bão...", ông Thanh giải thích.

Tại thời điểm này, theo ông Thanh, Vân Đồn đang có mưa to, tuy nhiên lượng mưa không đều và liên tục, ước tính chưa đạt ngưỡng 100 mm. Nhưng khá lo ngại là gió bão đang đạt ngưỡng cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, biển động dữ dội.

"Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện tuần tra, rà soát và báo cáo sơ bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất may là chưa có thông tin nào về thiệt hại. Riêng về tuyến đê xung yếu của xã đảo Quan Lạn, đến giờ cũng chưa có thông tin gì về sự cố. Chúng tôi nhận định vì mưa không nhiều, bão đến trong thời điểm mực nước biển thấp nên chúng tôi hi vọng là các tuyến đê sẽ được an toàn...", ông Thanh nói.

Sieu bao Haiyan bat dau anh huong Nam Dinh, Quang Ninh, Hai Phong
Ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh (thứ ba từ trái sang) đi kiểm tra
công tác phòng chống bão tại Móng Cái tối 10/11 - Ảnh: Bích Ngọc

Hạ Long: Chủ động cắt điện toàn thành phố do mưa lớn

23 giờ 30 phút ngày 10/11, trong khi các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn đang phải chịu đựng sức gió cấp 11, cấp 12 giật trên cấp 12 thổi vào thì người dân TP.Hạ Long (Quảng Ninh) có phần “dễ thở” hơn khi sức gió mạnh nhất tại thời điểm này chỉ khoảng cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Theo ông Hoàng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, so với các địa phương ở đất liền, cấp gió này cũng được đánh giá là rất mạnh. Bên cạnh đó, TP.Hạ Long đang phải hứng chịu những đợt mưa rất lớn.

“Mưa lớn, xối xả và kéo dài liên tục từ khoảng 19 giờ 30 tối nay đến tận bây giờ. Để tránh nguy cơ xảy ra tai nạn cho người dân, từ 20 giờ 30 tối nay, TP.Hạ Long đã chủ động cắt điện”, ông Hải cho biết.

Hiện tuy trời đang mưa rất to, nhưng trên địa bàn TP.Hạ Long chưa xuất hiện điểm ngập lụt cục bộ.

“Mưa đến đâu được tiêu thoát luôn đến đó. Theo thông tin báo cáo mới nhất thì tính đến 23 giờ 30 ngày 10/11, chúng tôi chưa ghi nhận thấy có sự cố hay thiệt hại nào đáng kể. Toàn bộ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố cũng như các phường đều đang túc trực 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, đối phó với các tình huống khẩn cấp”, ông Hải nói.

Trong khi Hạ Long chủ động cắt điện thì tại TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) liền kề với TP.Hạ Long, điện sinh hoạt vẫn đang được duy trì.

Ông Nguyễn Tấn Minh, Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả cho biết mưa và gió ở TP.Cẩm Phả không quá lớn và tính đến thời điểm 23 giờ 30 phút ngày 10/11, Cẩm Phả vẫn chưa có thông tin thiệt hại về người hay tài sản. 

Hải Phòng: Trời mưa to, gió thổi mạnh

23 giờ ngày 10/11, tại Q.Đồ Sơn, Hải Phòng, mưa ngày càng nặng hạt, gió mạnh hơn. Có mặt tại UBND phường Bàng La, Q.Đồ Sơn, chúng tôi ghi nhận không khí phòng chống siêu bão Hải Yến hết sức khẩn trương.

Ngoài trụ sở UBND phường, lực lượng phòng chống bão của địa phương này được phân chia túc trực tại 14 điểm trực bão. Hệ thống loa truyền thanh của phường liên tục phát thông tin về bão Haiyan.

Bàng La là địa phương ven biển có hệ thống đê xung yếu của quận Đồ Sơn. Theo kế hoạch, hơn 320 người dân của 14 tổ dân phố phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Hải Phòng sẽ phải di dời tránh siêu bão Haiyan. Đến 22 giờ 20 phút ngày 10/11, khoảng gần 70 người dân phường Bàng La đã được tập kết tại 2 điểm chính là Trường THCS Bàng La và gia đình ông Đặng Bá Hằng.

Tình hình thời tiết ở đây đã có sự thay đổi rõ rệt, trời mưa to hơn, gió mạnh hơn.

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, tại trụ sở UBND phường Bàng La, các lực lượng đã sẵn sàng phương án đối phó với siêu bão Haiyan. Đài truyền thanh của phường liên tục phát bản tin về bão. Văn phòng của UBND liên tục cập nhật diễn biến, đường đi của bão từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư vừa thông tin trên Thanh Niên Online để báo cáo ban chỉ huy.

Trung tá Nguyễn Đức Ái, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 50, Bộ Chỉ huy quân sự TP.Hải Phòng cho biết đã điều động 30 cán bộ, chiến sĩ về phường Bàng La túc trực cùng người dân phòng chống siêu bão Haiyan.

Bà Nguyễn Thị Huệ, 53 tuổi, ở tổ dân phố Bàng Thượng, phường Bàng La cùng 2 con di dời vào điểm tập kết là Trường THCS Bàng La từ lúc 20 giờ hôm nay.

Cũng như mẹ con bà Huệ, bà Bùi Thị Thở, 76 tuổi, tổ dân phố Bàng Đông, phường Bàng La tránh bão tại điểm Trường THCS Bàng La chỉ vỏn vẹn túi quần áo.

Bà cho biết: “Sống gần trọn đời người tại đây, tôi đã từng trải qua nhiều trận bão lớn bé khác nhau nhưng lần này, nghe đài báo bão lớn tôi thấy lo lắng quá. Người dân ở đây ăn gạo chợ nước sông nên chẳng có tài sản gì đáng giá ở nhà cả. Tôi mong rằng, cơn bão này mau qua để người dân chúng tôi sớm được về nhà”.

Với ông Nguyễn Phú Gôn, khi vào nơi tránh bão tại Trường THCS Bàng La, ông vẫn còn lo lắng về căn nhà cổ gần 100 tuổi có thể sẽ bị sập khi bão về. “Nếu nhà sập không biết tôi sẽ ở đâu nữa”, ông than thở.

Dù trong lòng nóng như lửa đốt nhưng cụ ông 74 tuổi này vẫn muốn được cùng lực lượng phòng chống lụt bão của phường đến các điểm xung yếu để ứng cứu, đối phó với bão Haiyan.

Vũ Ngọc Khánh

Theo NGUYỄN TUẤN-BÍCH NGỌC (Thanh Niên Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI