Theo dự thảo, các trường được xét tuyển sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, trước khi chính thức xét tuyển bằng kỳ thi chung. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành.
Đặc biệt, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Nhiều thay đổi theo chương trình mới
Với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), Bộ GD-ĐT nêu rõ, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
|
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM - ẢNH: TRANG THƯ |
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp Mười hai của thí sinh.
“Dự thảo không thay đổi nhiều về quy tắc xét tuyển mà chỉ thay đổi về kỹ thuật và phương thức xét tuyển” - tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TPHCM - nhận định. Theo đó, các trường đại học sẽ thay đổi thời gian xét tuyển sớm và tổ hợp nên học sinh cần theo dõi cẩn thận. Ví dụ, trước đây các trường có 4 tổ hợp nhưng giờ đây giảm xuống còn 3 tổ hợp hay tăng lên 5 tổ hợp thì học sinh cần xem xét để cân đối, đặt nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình.
Ông cũng cho biết, Trường đại học Công nghệ TPHCM dự kiến thay đổi một số nội dung theo như dự thảo. Nếu trước đây, trường xét học bạ của 3 học kỳ (2 học kỳ lớp Mười một và học kỳ I lớp Mười hai) thì năm nay, trường sẽ xét điểm trung bình của lớp Mười hai theo tổ hợp 3 môn. Thời gian công bố xét tuyển sớm cũng dự kiến lùi từ tháng Ba hoặc tháng Tư sang tháng Sáu, khi học sinh kết thúc chương trình học. Việc này vẫn bảo đảm thí sinh có kết quả trúng tuyển sớm vào các trường trước khi đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, vừa giúp học sinh lớp Mười hai không lơ là việc học vì đã trúng tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cũng cho biết, từ tuần này, trường sẽ triển khai các cuộc họp để chuẩn bị cho những nội dung thay đổi. Cụ thể, trường dự kiến bỏ phương thức xét tuyển riêng điểm học bạ mà kết hợp điểm học bạ với các phương thức khác.
Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường có thể tổ chức nhiều tổ hợp môn, thay vì 4 tổ hợp môn như những năm trước. Các tổ hợp phải bảo đảm có 1 trong 2 môn cốt lõi là ngữ văn và toán, thậm chí 2 môn cốt lõi và 1 môn lựa chọn. Ví dụ, nhóm ngành cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa thì 2 môn cốt lõi là toán và vật lý; một số khối xã hội hoặc kinh tế sẽ là ngữ văn hoặc toán. Đồng thời, trường cũng tính toán công thức để quy đổi điểm của các phương thức xét tuyển khác về thang điểm 30 giống như điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cạnh tranh gay gắt hơn
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhận định, một điểm khó của dự thảo là việc quy đổi điểm của các phương thức về một thang điểm chung. “Điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực thì có cơ sở để quy đổi. Nhưng nếu những học sinh tài năng, học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia chỉ thi một môn thì quy đổi làm sao? Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu điểm xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm của kỳ thi chung, nhưng điểm thi còn phụ thuộc rất nhiều vào đề thi nên rất khó để kiểm soát. Chúng tôi mong chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể để các trường biết cách thực hiện” - ông nói.
Đại diện Trường cao đẳng Công Thương miền Trung cho rằng, những thay đổi của Bộ GD-ĐT tác động mạnh mẽ đến các thí sinh. Việc này loại bỏ khả năng chỉ dựa vào điểm học kỳ cao và đòi hỏi sự nỗ lực học tập đều đặn suốt cả năm học. Hơn nữa, điểm trúng tuyển ở mọi phương thức sẽ được quy đổi về một thang điểm chung, loại bỏ sự chênh lệch điểm giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Việc kết hợp giữa hạn chế chỉ tiêu xét tuyển sớm và siết chặt tiêu chí xét học bạ dẫn đến áp lực cạnh tranh. Các thí sinh sẽ cạnh tranh gay gắt hơn để giành được một suất vào các trường đại học tốp đầu. Điểm chuẩn nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn nữa. Với những thay đổi đó, xét tuyển học bạ không còn là con đường dễ dàng để đậu vào các trường đại học như trước đây.
Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - về hình thức, quy định sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp Mười hai của thí sinh mang tính tích cực hơn, đánh giá đầy đủ hơn. Phương thức xét tuyển bằng học bạ là phương thức tiên tiến, đã được nhiều quốc gia áp dụng bởi hình thức này có không ít ưu điểm như giảm áp lực thi cử cho cả nhà trường, thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả hình thức này, phải bảo đảm việc đánh giá quá trình học tập chặt chẽ, khách quan, phải hình thành được văn hóa chất lượng, không còn nhức nhối với chuyện chạy điểm, làm đẹp học bạ.
Theo ông, cũng cần chú ý đến quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học. Các trường được quyền chủ động trong việc xét tuyển nhưng quyền chủ động đó phải dựa trên những nguyên tắc lớn hơn, đó là phải xuất phát từ lợi ích của người học, xuất phát từ bảo đảm sự công bằng cho người học.
Thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm cao hơn Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mới đây, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho biết, 60% thí sinh đậu đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp (theo tổ hợp 3 môn) khoảng 20 điểm. Trong khi 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm (tổ hợp 3 môn) trên 23 điểm. Chênh lệch giữa 2 nhóm thí sinh này là 3 điểm. Còn xét kết quả học bạ, 60% số thí sinh đậu đại học bằng điểm thi có điểm học bạ là 25 điểm, cao hơn nhóm đậu đại học bằng học bạ 1 điểm. Theo bà, dù là xét tuyển bằng phương thức nào, các trường cũng cần có quy định điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhằm bảo đảm công bằng cho các thí sinh. |
Dự kiến thay đổi chuẩn đầu vào ngành sư phạm, y Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ GD-ĐT cũng điều chỉnh quy định về ngưỡng điểm đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Quy chế trước đó chỉ quy định học sinh có học lực lớp Mười hai xếp loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Riêng các ngành giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật; ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng yêu cầu kết quả học tập trong 3 năm cấp THPT xếp mức khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên (trước đây chỉ yêu cầu riêng học lực lớp Mười hai xếp loại từ khá trở lên). Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên dự tuyển vào đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, điều kiện dự tuyển cũng thay đổi từ học lực lớp Mười hai sang kết quả học tập 3 năm cấp THPT đạt loại giỏi trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên. Ngưỡng điểm đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và lĩnh vực sức khỏe được Bộ GD-ĐT thực hiện nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của 2 nhóm này. |
Trang Thư - Uông Ngọc