'Siết' phân lô bán nền, 'siết' luôn quyền lợi chính đáng của người dân?

19/05/2017 - 18:05

PNO - Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại cuộc họp góp ý kiến sửa đổi Quyết định 33 (QĐ) quy định diện tích tối thiểu được tách thửa diễn ra ngày 18/5 tại UBND TP.HCM.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.HCM đưa ra dự thảo sửa đổi nhiều quy định so với quyết định cũ. Trong đó, đáng lưu ý, sở đề nghị “siết” quy định tách thửa theo hướng buộc thửa đất có diện tích trên 2.000 m2 phải lập dự án.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT cho rằng, thực tế qua khảo sát tình hình tách thửa tại các quận, huyện cho thấy, tình trạng tách thửa đất có diện tích lớn rất phổ biến. Sau đó các đối tượng xây nhà hoặc phân ra thành nhiều thửa đất nhỏ trái phép kinh doanh, phá vỡ quy hoạch chung. 

Bên cạnh đó, trường hợp loại đất ở được tách thửa, Sở TNMT đề nghị quận, huyện căn cứ vào quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt xác định: thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu; dân cư hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới hoặc dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới. Điều này đồng nghĩa với việc đất ở nhưng thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, đất ở hỗn hợp, đất ở cao tầng không được giải quyết cho tách thửa. 

Ngoài ra, đối với trường hợp tách thửa có nhà trên đất, Sở TNMT đề nghị chỉ giải quyết đối với trường hợp nhà xây dựng trước khi có QĐ 33.

'Siet' phan lo ban nen, 'siet' luon quyen loi chinh dang cua nguoi dan?
Nhiều "đầu nậu" đã lợi dụng kẻ hở QĐ 33 phân lô bán nền trái phép

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM phản biện: “Không thể cấm tách thửa đối với đất quy hoạch xây dựng khu dân cư mới và đất quy hoạch khu dân cư hiện hữu vì phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong lúc nhiều dự án quy hoạch còn “treo” kéo dài”. 

Theo ông Toàn, nếu đất không phải quy hoạch dự án công ích, khi chủ đầu tư thực hiện dự án có nghĩa vụ phải đền bù cho dân. Còn đối với đất quy hoạch dự án công viên cây xanh, công trình công cộng, chúng ta sẽ vận động người dân chia sẻ. 

Ngoài ra, theo ông Toàn, quy định khống chế 2.000 m2 buộc phải lập dự án, “đầu nậu” có thể “né” được hết, quan trọng phải kiểm soát được việc hạ tầng làm đúng chuẩn. Khi đó dù có tách thửa theo dạng nào vẫn đảm bảo được hạ tầng đô thị. 

Tương tự, đại diện UBND huyện Hóc Môn khẳng định: “Quy định diện tích trên 2.000 m2 chủ đầu tư phải lập dự án sẽ khó khả thi bởi các chủ đầu tư sẽ “lách” được dễ dàng. Vì vậy, nên quy định những tiêu chí tối thiểu về hạ tầng giao thông, buộc tất cả các trường hợp tách thửa phải tuân theo thì bài toán quy hoạch sẽ được đảm bảo. 

Còn đối với quy định, trường hợp tách thửa đối với nhà trên đất chỉ giải quyết đối với nhà hình thành trước QĐ 33 sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người dân. Những người có nhiều đất muốn tách thửa cho con cái sẽ không giải quyết được.

Đại diện UBND huyện Nhà Bè cũng cho rằng, tất cả nhà ở hiện hữu cần được giải quyết tách thửa vì nhà nào cũng là nhà do cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên gia bất động sản, thực tế QĐ 33 ban hành nhằm giúp người dân có nhu cầu nhà ở thực tiếp cận được nhà ở với giá vừa túi tiền. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh một số “đầu nậu” lợi dụng phân lô bán nền trái phép làm manh múng quy hoạch, có nhiều chủ đầu tư đã thực hiện rất tốt, góp phần giải quyết lượng lớn nhu cầu nhà ở của người dân. Vì vậy, quan trọng cần có những quy định quản lý chặt chẽ về quy hoạch, đầu tư hạ tầng. Khi đó dù tách thửa theo hình thức nào vẫn đảm bảo bộ mặt đô thị. 

Phan Trí - Huế An    

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI