"Siết" cá tầm Trung Quốc về TPHCM

31/03/2021 - 11:22

PNO - UBND TPHCM vừa chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập khẩu, kinh doanh cá tầm.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán cá tầm. Đặc biệt lưu ý nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại…

UBND TP yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuận lợi trong việc thực hiện và kiểm tra, kiểm soát.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này vừa phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc sai phép. Qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trường thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.

Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc bị lực lượng chức năng thu giữ
Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc bị lực lượng chức năng thu giữ

Đơn cử, ngày 19/3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc.

Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Chi cục Hải quan lấy mẫu giám định ngay tại cửa khẩu. Ngày 20/3, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo số 93/VTS I kết luận cho thấy, hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép CITES do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).

Đáng chú ý, ngày 17/3, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đăng ký tờ khai hải quan số 103894536910 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Trong thời gian chờ kết quả giám định để làm thủ tục thông tin, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp cho thấy toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ.

Từ thực trạng trên, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng cảnh báo cá tầm của Trung Quốc nuôi bằng cám tăng trọng, cá lớn rất nhanh nên có giá bán rất rẻ so với cá tầm nuôi ở Sa Pa, Bát Xát. Vì vậy, một số tư thương đã nhập lậu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ để kiếm lời cao. Cơ quan này cũng chỉ đạo lực lượng QLTT các tỉnh, thành “siết chặt” việc nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc gây ảnh hưởng đến quyền lợi người nuôi cá và người tiêu dùng trong nước.

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI