Góc đàn ông

Sĩ diện đàn ông khiến họ im lặng

06/07/2024 - 05:50

PNO - Nhà nghiên cứu Elizabeth Bates (Đại học Cumbria, Anh) cho biết: “Xã hội không thừa nhận đàn ông cũng là nhóm người dễ bị tổn thương. Chúng ta thường cho rằng nam giới là thủ phạm thay vì nạn nhân. Thậm chí, nhiều người có thể cười nhạo khi thấy họ bị tổn thương, là nạn nhân của phụ nữ”. Tuy nhiên, không hiếm nam giới là nạn nhân bị bạo hành trong gia đình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nỗi đau có thật

Vài tháng trước, khi đi công tác cùng anh bạn có vợ và 2 con, tôi được xếp ở cùng phòng anh. Khi chuẩn bị tắm, anh cởi đồ ra, tôi thấy trên người anh có vài vết cắn và cào cấu. Có những vết cũ thành sẹo và vết mới đang kéo mài.

Do đã đủ thân nên anh chia sẻ như trút lòng mình khi tôi đùa: “Đừng nói là bị vợ đánh nha”. “Đúng vậy” - lời anh khiến tôi cảm thấy câu nói đùa của mình khá vô duyên. Rồi anh kể, nhiều năm nay anh đã chịu đựng việc nổi điên lên và đánh đấm, thậm chí cắn, véo, cào cấu bằng tay của vợ mình.

“Chị ấy có vấn đề gì về tâm lý không?” - tôi hỏi. Anh bảo đó là tính cách bạo lực của vợ. Trong lúc dạy con, vợ anh có lúc cũng “nổi điên lên”, la mắng nhiều, có khi phát vào người con quá mạnh. Anh cũng nóng ruột, nhưng vì chính mình có lúc còn bị đánh thì huống hồ con cái. Anh bảo, chị ta thường nói, nhờ chị mà gia đình này nền nếp.

Thời yêu nhau, chị cũng hay véo anh khi không đồng ý gì đó hoặc giận dỗi. Nhiều lúc ngồi sau xe, chị véo vào hông anh đau nhói, đến nỗi thành những vết bầm tím trên da. Qua cơn giận, chị lại tỏ vẻ dịu dàng, xin lỗi, ngọt ngào như chưa có gì.

Chị ta lý giải, do từ nhỏ đã bị đòn roi từ ba mẹ nên có tính khí đó, hứa sẽ cố gắng sửa đổi. Nhưng theo năm tháng, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. “Anh cũng không biết sao mình lại chấp nhận cho qua, rồi cưới xin, ăn ở mười mấy năm được luôn đó. Giờ nghĩ lại rất sợ, nhưng vì con cái, ráng sống, tránh được chừng nào thì tránh” - anh nói như buông xuôi, chịu đựng.

Ai là nạn nhân cũng đều là đứt gãy

Trong xã hội mà truyền thống “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào tiềm thức con người như phương Đông, trong đó có Việt Nam, nói đến bạo lực gia đình, đa số vẫn nghĩ chỉ có nữ giới là nạn nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít nam giới cũng là nạn nhân.

Họ có thể bị bạo lực sức khỏe (như bị đánh đập, cắn véo…) hoặc tinh thần (như chửi bới, xem thường, chì chiết…), kinh tế (khi phụ nữ áp đảo về tài chính và họ bị lệ thuộc, mất tự do), kể cả tình dục (có những phụ nữ nhu cầu cao hoặc thích bạo lực).

Nạn nhân của bạo lực dù giới nào cũng đều bất hạnh. Đây có thể là mầm mống của tội ác hoặc khi tức nước vỡ bờ có thể dẫn đến đổ vỡ mối quan hệ, phản kháng dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng những người trong cuộc.

Thêm nữa, một gia đình mà con cái lớn lên trong bầu không khí bạo lực, trẻ sẽ khó có hạnh phúc, bình yên. Đó là chưa nói, chính thói quen bạo lực gia đình của ba hoặc mẹ sẽ khiến trẻ vô thức bị nhiễm thói tật, trở thành bản sao hoặc mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân.

Không dám lên tiếng hoặc không xử lý ngay từ đầu hành vi bạo lực gia đình khiến nạn nhân phải kéo dài sự chịu đựng. Như anh bạn tôi, nếu ngay từ đầu anh nghiêm khắc trong việc bị người yêu hành hạ, không im lặng bỏ qua hành vi bạo lực của bạn gái, sau này là vợ thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Im lặng, chịu đựng và không tìm giải pháp đã nuôi dưỡng bạo lực lớn lên. Đây cũng là lỗi của nạn nhân, nhất là nam giới, vốn được xem mạnh mẽ, chủ động trong xử lý các tình huống.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Có nhiều người nghĩ, cố chịu đựng sẽ cảm hóa được bạn đời hoặc cam chịu vì con mà quên mất rằng, mọi điều chỉnh phải bắt đầu bằng sự uốn nắn, kiên trì; đặc biệt phải mạnh mẽ, dứt khoát trong các cam kết liên quan. Bạo lực là năng lượng mang tính tàn phá nên cần phải có sự mạnh mẽ từ phía đương sự, sự kết nối giám sát, điều chỉnh từ phía cộng đồng, kể cả pháp luật.

“Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân” - báo cáo từ Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có lẽ đã chỉ ra nguyên nhân chính.

Thực tế, trong tất cả các mối quan hệ, nhất là mối quan hệ trong gia đình, cần có những quy tắc ứng xử bình đẳng. Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, xử lý trong tinh thần bất bạo động sẽ giúp cho các thành viên trở nên bình an, hạnh phúc.

Nam giới bị bạo hành không có gì ngại ngùng để nói ra, hóa giải, vì đó cũng là cách giúp mình thoát ra. Đồng thời đó cũng là giúp đương sự gây bạo hành tỉnh ra hoặc chí ít là không có cơ hội để thực hiện điều không tốt với mình, trong đó liên đới chịu đựng là con cái.

Không chịu đựng. Nói không với bạo lực gia đình là một lối sống văn minh trong bất kỳ xã hội, thời đại nào.

Lưu Đình Long

Sợ bị cho là không mạnh mẽ nếu người khác biết mình bị bạo hành

Theo DW, thống kê tại Đức cho thấy, mỗi năm có 26.000 đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 20% số vụ. Theo nghiên cứu thí điểm năm 2004 của Bộ Các vấn đề gia đình Đức, cứ 6 người nam thì có 1 người từng bị bạn tình bạo hành. 10% trong số đó cho biết từng bị tát, đá hoặc ném đồ đạc vào người. Đáng nói, hình thức bạo hành phổ biến nhất là giày vò tinh thần.

Con số này thậm chí còn cao hơn tại Mỹ. Theo Khảo sát về bạo lực tình dục của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 7 người đàn ông thì có 1 trường hợp từng bị đối tác hành xử bạo lực về thể xác nghiêm trọng trong suốt cuộc đời. Bạo lực thể chất nghiêm trọng bao gồm bị đánh bằng nắm đấm hoặc vật gì đó cứng, bị đá, bị tổn thương do giật tóc, va đập, bóp cổ, bị đánh, bỏng, đe dọa bằng dao hoặc súng.

Theo nhà báo Cathy Young, cây bút quen thuộc của Los Angeles Times, hơn 200 nghiên cứu đã khẳng định trong các mối quan hệ bạo lực, phụ nữ có khả năng là kẻ gây hấn như đàn ông. Khi bà khảo sát, 40% người báo cáo bị đối tác, bạn đời tấn công nghiêm trọng là nam giới và hầu hết kẻ tấn công họ là phụ nữ. Đặc biệt, tình trạng này cũng khá phổ biến ở các đôi đồng tính.

Vì sao tình trạng bạo hành kéo dài? Trong một nghiên cứu kéo dài 11 năm, công bố trên Tạp chí BMJ Open, các nhà nghiên cứu phát hiện nam giới tránh tìm kiếm sự trợ giúp vì họ sợ mọi người sẽ không tin hoặc không tôn trọng vì họ không nam tính, mạnh mẽ.

Vượt qua rào cản, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần

Với 4 hình thức bạo hành - từ sức khỏe, tinh thần, tình dục, kinh tế, không chỉ phụ nữ - vốn yếu thế hơn trong gia đình mới bị. Nam giới cũng trải qua những giày vò tinh thần, bị đe dọa sức khỏe, tước đoạt kinh tế bởi những thủ phạm là phụ nữ, thậm chí bị bạo hành tình dục.

Vì nhiều lý do, có thể vì được đóng khung mạnh mẽ nên nam giới ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo hành. Họ sợ bị mất đi sự tôn trọng cuối cùng từ cộng đồng, gia đình… Tuy nhiên, cần vượt qua rào cản này để đưa ra ánh sáng những vụ bạo lực mà mình là nạn nhân.

Thạc sĩ Lê Trường An
Thạc sĩ Lê Trường An

Chịu đựng hay cố ém nhẹm việc bị bạo hành sẽ khiến cho tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đáng tiếc trong những vụ bạo hành mà nạn nhân cố cam chịu là bản thân bị tổn hại nghiêm trọng mới được “giải cứu” hoặc tức nước vỡ bờ, nạn nhân của bạo hành trở thành thủ phạm của những vụ án hình sự.

Một rào cản khác cần vượt qua để chặn đứng bạo hành gia đình đó là sự sĩ diện. Dù bạn là nam hay nữ, nếu người hôn phối có hành vi bạo lực và không cải hóa được, ta phải ngăn chặn bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài, cụ thể là luật pháp.

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI