Khi âm nhạc trở thành “vũ khí” để sao Việt đả kích nhau
Trên thế giới, việc nghệ sĩ “trả đũa” nhau bằng âm nhạc đã xuất hiện từ khá lâu và không còn xa lạ gì với công chúng. Có thể điểm qua vài ví dụ như chuyện nữ ca sĩ Taylor Swift sau khi chia tay bạn trai John Mayer, cô đã sáng tác ca khúc Dear John nhằm ẩn ý “tố” thói trăng hoa của “tình cũ”. Không những thế, Taylor còn viết “tặng” Katy Perry bài hát Bad Blood, với nội dung được cho là để “bóng gió” chửi khéo việc cô bạn thân chen ngang vào cuộc tình của Taylor. Không lâu sau đó, John Mayer và Kate Perry cũng tung đòn đáp trả lại sự “tấn công” của Taylor Swift. Nếu như John Mayer viết ca khúc nhằm ám chỉ bạn gái cũ là búp bê giấy thì Kate Perry lại ra album để “trả đũa” đồng nghiệp.
Clip Taylor Swift thể hiện ca khúc Dear John:
Không riêng gì Taylor Swift, nam ca sĩ Justin Timberlake từng tung ra thị trường ca khúc Cry me a river như một lời buộc tội bạn gái Britney Spears vì đã phản bội anh sau khi cả hai chia tay nhau, và thu hút nhiều sự chú ý của người hâm mộ thời điểm đó. Cũng có lời đáp trả “tình cũ”, tuy nhiên Britney Spears lại sử dụng âm nhạc để thay cô xin lỗi bạn trai qua ca khúc Everytime.
|
Justin Timberlake và Britney Spears thuở còn mặn nồng |
Nếu như khán giả quốc tế đã quen với chuyện nghệ sĩ “đá xoáy” nhau bằng âm nhạc thì vài năm trở lại đây, trào lưu này mới nở rộ và đang dần trở thành xu hướng trong làng giải trí Việt. Tuy nhiên trước đó, việc dùng âm nhạc đả kích lẫn nhau của nghệ sĩ Việt chỉ thường xuất hiện trong các sáng tác của giới underground thì hiện tại, xu hướng này đang lan nhanh qua địa hạt overground.
Còn nhớ năm 2015, rapper nổi tiếng trong giới underground là Bueno từng táo bạo thực hiện một bản rap nhắm thẳng vào nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP với những lời lẽ châm biếm tương đối nặng nề, đã gây sốc cho nhiều nghệ sĩ Việt đồng thời khiến cộng đồng fan Sơn Tùng kịch liệt phản đối. Chưa dừng lại ở đó, sáng tác của rapper Bueno không chỉ vấp phải sự “ném đá” từ fan Sơn Tùng mà còn bị dư luận nhận xét là âm nhạc rẻ tiền hay thậm chí, “ông bầu” Quang Huy – quản lý Sơn Tùng tại thời điểm đó đã không ngần ngại “dành tặng” hai từ “vô học” cho Bueno.
Clip rapper Bueno "đá xoáy" Sơn Tùng M-TP:
Gần đây nhất, việc nhạc sĩ Only C sáng tác ca khúc riêng dành cho Miu Lê thể hiện trong tập 3 chương trình Sao đại chiến với nội dung được nhiều khán giả cho rằng nhằm đả kích nhạc sĩ Dương Cầm – người từng thẳng thắn chê bai Miu Lê không tiếc lời, một lần nữa khơi dậy trào lưu đáp trả mâu thuẫn cá nhân bằng âm nhạc trong showbiz Việt. Từ ca từ cho đến hình ảnh minh họa là chiếc đàn dương cầm bị gạch chéo khi kết thúc bài hát của Miu Lê đã phần nào cho thấy sự “mài dũa” kỹ lưỡng vào “vũ khí chiến đấu” chứ không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Hay việc cụm từ “anh xin lỗi em đi” xuất hiện 18 lần trong MV mới nhất của Chi Pu khiến công chúng nhớ ngay đến chuyện ca sĩ Minh Quân từng chỉnh sửa dòng trạng trái “đá xoáy” Chi Pu 18 lần trước khi đăng tải. Đa số khán giả cho rằng đây là sự sắp đặt có chủ đích của Chi Pu nhằm “trả đũa” đàn anh.
|
Hình ảnh trong MV Em sai rồi anh xin lỗi em đi của Chi Pu |
Ở một khía cạnh khác, dù không sáng tác ca khúc châm biếm nhưng việc đưa scandal cá nhân vào nội dung MV của vài ca sĩ thời gian qua cũng được xem là một trong những cách đáp trả đồng nghiệp bằng sản phẩm nghệ thuật.
Ngay khi vừa ra mắt cách đây ít ngày, MV Điều em cần chỉ là anh của Minh Hằng đã khiến công chúng nhớ lại những ồn ào mà nữ ca sĩ từng trải qua trong chặng đường ca hát. Từ chuyện bị chê hát dở, nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ hay cặp kè và đại gia chống lưng... cho đến tin đồn bị Hồ Ngọc Hà chèn ép phải rời ghế nóng trong chương trình The Face cách đây chưa lâu, đều được Minh Hằng đưa vào nội dung MV mới. Nữ ca sĩ mượn hình ảnh nhân vật Ninh Dương Lan Ngọc diễn xuất trong MV và nhắc lại câu nói: "Có người đó thì không có tôi" như một cách ẩn dụ cho việc cô đang ngầm đáp trả Hà Hồ.
|
Minh Hằng gây xôn xao dư luận khi đưa scandal cá nhân vào MV mới nhất |
Trước đó vào năm 2015, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi MV Không phải dạng vừa đâu của anh vừa ra mắt đã gây bão dư luận. Cụ thể, việc giọng ca gốc Thái Bình xây dựng hai nhân vật tham gia trong MV có tạo hình vẻ ngoài giống nhạc sĩ Dương Khắc Linh và nhạc sĩ Phó Đức Phương đã làm dấy lên suy nghĩ cho rằng, anh đang phản pháo đàn anh khi hai nhạc sĩ này từng có phát ngôn chê bai Sơn Tùng xoay quanh ồn ào đạo nhạc. Hay việc Khánh My thẳng thừng “đá đểu” người mẫu Ngọc Trinh về chuyện tranh giành đại gia khi mời “bản sao” Ngọc Trinh vào vai người thứ 3 và tham gia diễn xuất trong MV của Khánh My ra mắt khán giả vào tháng 10/2016.
Những ví dụ trên đã phần nào cho thấy việc nghệ sĩ cố tình mượn sản phẩm âm nhạc để “thay lời muốn nói”, đả kích lẫn nhau đang dần nở rộ và có xu hướng trở thành trào lưu trong tương lai. Mặt khác, việc đưa những ồn ào cá nhân vào âm nhạc không chỉ giúp nghệ sĩ thỏa mãn được cái tôi cũng như cá tính của mình, mà còn góp phần gây sự chú ý với công chúng cho những sản phẩm ấy. Nhưng, câu hỏi đặt ra là: “Liệu khán giả có đón nhận và cần các sản phẩm âm nhạc như vậy hay không?”.
“Đáp trả” nhau bằng âm nhạc là một đỉnh cao của nghệ thuật?
Đó là lời nhận định của MC Tùng Leo sau tiết mục biểu diễn của Miu Lê trong chương trình Sao đại chiến. Tuy nhiên, quan điểm này nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ nhạc sĩ và những người làm chuyên môn âm nhạc.
Clip Miu Lê thể hiện ca khúc Em chưa 18:
Về phía mình, khi xem tiết mục biểu diễn được cho là nhằm mục đích châm biếm anh, Dương Cầm không tỏ ra khó chịu.
Nam nhạc sĩ nói: “Việc nghệ sĩ dùng âm nhạc để đáp trả những mâu thuẫn cá nhân, nếu họ làm được điều đó nghĩa là họ đã có sự suy nghĩ và đầu tư cho tiết mục của mình. Bản thân họ phải có sự tính toán về ngôn ngữ, cách thể hiện để có phần trình diễn ngoài việc đưa nội dung đáp trả, họ cũng phải tính làm sao để có hiệu quả sân khấu cũng như được khán giả đồng tình, mang đến cho người xem sự mới lạ và hơn hết là “lấp liếm” được điểm yếu rất lớn của Miu Lê, đó chính là giọng hát”.
Có thể thấy, bản thân Dương Cầm đã có cái nhìn tích cực trước việc nghệ sĩ đáp trả nhau bằng âm nhạc.
|
Tạo hình nhân vật trong MV Không phải dạng vừa đâu của Sơn Tùng được cho là nhại hình ảnh Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh |
Trước đó, khi được hỏi ý kiến về việc Sơn Tùng xây dựng hình ảnh nhân vật trong MV có ngoại hình khá giống mình, Dương Khắc Linh đã vui vẻ nói: "Tôi không biết có đúng là Sơn Tùng cho người "đóng thế" tôi hay không, nhưng nếu đó có là sự thật thì tôi cũng không giận!".
Theo nam nhạc sĩ vốn trưởng thành từ nước ngoài cho biết, việc nghệ sĩ dùng âm nhạc để châm biếm nhau là hết sức bình thường và phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, điều này ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và chưa phù hợp lắm với văn hóa vốn luôn e dè vì sợ đụng chạm đồng nghiệp của người Việt.
“Việc sử dụng âm nhạc để đáp trả lẫn nhau còn phụ thuộc vào cách nghệ sĩ thể hiện, nó mang tính chất châm biếm hài hước hay bôi xấu nặng nề. Ở nước ngoài, khán giả họ xem đó là chuyện bình thường, văn minh và là phong cách hài mà ai cũng chấp nhận. Nhưng ở Việt Nam hành động này lại khiến công chúng khó chấp nhận bởi rào cản văn hóa. Đối với tôi là người sống ở nước ngoài nên tôi thấy việc châm biếm nhau bằng âm nhạc là bình thường và khá là vui, nhưng riêng với khán giả Việt Nam, để làm quen với phong cách giải trí này thì vẫn cần thời gian”, Dương Khắc Linh chia sẻ.
|
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh |
Nói về nguyên nhân nở rộ trào lưu trên ở cả trong và ngoài nước, Dương Khắc Linh nhận định: “Trên nguyên tắc, nghệ thuật là nơi thỏa mãn cảm xúc của mình, nên khi mình đang “nổi điên” với ai và đưa nó vào nghệ thuật thì trên lý thuyết là đúng, không có gì sai hết nhưng có nhiều cách để làm. Nếu mình làm nó vui, nhẹ nhàng và văn minh thì sẽ khác hơn là kiểu chửi bới, lại không hay. Tôi nghĩ cái gì cũng có giá của nó thôi, nếu mình làm khôn thì trả ít, nếu không khéo thì sẽ bị phản tác dụng”.
Bày tỏ quan điểm trước ý kiến nói rằng nghệ sĩ đáp trả nhau bằng âm nhạc là một đỉnh cao nghệ thuật, nhạc sĩ Dương Khắc Linh bật cười đáp: “Tôi nghĩ ý kiến đó hơi quá, bởi nó chỉ là một góc cạnh của nghệ thuật thôi. Trên thế giới, đặc biệt ở lĩnh vực Hip hop, chuyện “đá xoáy” nhau bằng âm nhạc là bình thường và đó chỉ là một phần của đời sống nghệ thuật”.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong |
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nhà sản xuất âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhìn nhận việc nghệ sĩ mượn sản phẩm âm nhạc “trả đũa” nhau là không mới nhưng hành động đó không thể gọi là “đỉnh cao” bởi nó thuộc về phạm trù ứng xử chứ không được xem là nghệ thuật.
“Tôi không đồng tình với suy nghĩ đó! Chuyện đả kích, đáp trả nhau là chuyện ứng xử, nó không phải là âm nhạc. Mượn cái ứng xử đó để bỏ vào âm nhạc và xem âm nhạc như một công cụ để giải tỏa thôi, điều đó không thể xét là đỉnh cao hay không được. Nếu muốn xét thì phải xét giá trị giữa âm nhạc với âm nhạc, chứ không dùng câu chuyện ngoài âm nhạc để phân định như vậy”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh.
Nói về sự nở rộ của trào lưu âm nhạc này, Nguyễn Hải Phong cho biết: "Trong các sáng tác của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, người ta vẫn thường đưa những vấn đề đang được công chúng quan tâm vào ca khúc của mình và Việt Nam đang bắt chước theo trào lưu này. Tôi nghĩ xu hướng trên phát sinh từ việc xã hội ngày càng “phẳng”, kiểu tự do ngôn luận, muốn nói gì cũng được cùng sự bùng nổ của internet nên mọi thứ đều nhanh. Ca khúc ra đời nhiều khi cũng không cần kiểm duyệt, và nó đang đi theo dòng chảy của công nghệ trên thế giới".
Tuy nhiên, Nguyễn Hải Phong cũng cho biết thêm: "Rất khó để nhận định xu hướng này đúng hay sai nhưng có một điều dễ dàng nhận thấy là tuổi thọ của các ca khúc mới bây giờ bị rút ngắn khá nhiều so với trước kia, trung bình chỉ từ vài tuần đến vài tháng rồi cũng bị lãng quên. Vì vậy mà có lẽ một số ca sĩ đã dùng câu chuyện đời tư của mình để đưa vào âm nhạc nhằm gây sự chú ý và kéo dài tuổi thọ bài hát".
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong khẳng định, sản phẩm âm nhạc hay hay dở còn phụ thuộc vào câu chuyện cá nhân của nghệ sĩ nhưng trước mắt, có thể nói đó là những sản phẩm hợp thời và có tính thời sự. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nếu việc nghệ sĩ dùng âm nhạc đáp trả mâu thuẫn cá nhân lẫn nhau được thể hiện một cách ý nhị và có giá trị nhân văn thì sẽ hay hơn. Còn nếu sự cho vào đó mang tính chủ đích hay một chiêu thức PR bất chấp để có tính thời sự thì nó lại là điều không tốt vì sẽ gây ảnh hưởng đến đồng nghiệp được nhắc đến.
Mặt khác, việc nở rộ trào lưu đả kích nhau bằng âm nhạc cũng khiến nhiều người lo ngại đến sự tác động tiêu cực vào một bộ phận khán giả khi tiếp nhận những sản phẩm này.
Dưới góc độ cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong thẳng thắn nói: “Với quan điểm cá nhân, tôi không ủng hộ việc đấy, bởi âm nhạc là một giá trị tinh thần gắn kết mọi người lại với nhau và qua các sản phẩm nghệ thuật thì khán giả mới yêu mến người nghệ sĩ, đó là bản chất đầu tiên. Nghệ sĩ liên tục cho ra sản phẩm nhằm muốn tăng sự kết nối lẫn tình yêu khán giả dành cho mình. Còn nếu nó đã biến chất thành công cụ để đả kích nhau thì tất nhiên điều đó là không tốt rồi”.
Có thể thấy, sự xuất hiện và lan rộng của xu hướng dùng nghệ thuật để châm biếm nhau trong showbiz Việt thời gian qua đã phần nào vấp phải những ý kiến trái chiều khi lạm dụng âm nhạc một cách tùy tiện, vô hình trung khiến hình ảnh nghệ sĩ dần bị rẻ đi trong mắt công chúng. Thiết nghĩ, sứ mệnh của âm nhạc giúp con người truyền tải cảm xúc và mang đến những giá trị nghệ thuật thăng hoa, đồng thời có sự chắt lọc nét đẹp tinh túy của ngôn ngữ để định hướng thẩm mỹ cho người nghe, đó mới là điều khán giả cần hơn là việc phải tiếp nhận những sản phẩm âm nhạc đả kích, “đá xoáy” hay đáp trả qua lại lẫn nhau của nghệ sĩ.
Quang Hùng