Showbiz Việt 2021: Hãy nhìn vào những "chiếc ôm" chữa lành...

31/12/2021 - 18:31

PNO - Một năm qua đi, như mọi năm, showbiz Việt cũng lắm ồn ào, xáo động nhưng ngay tại thời khắc đặc biệt này, hãy nhìn vào những điều tích cực, ấm áp để nói lời chào với một năm đặc biệt.

1
 

2021 là năm chứng kiến nhiều biến động của làng giải trí Việt. Trong năm qua, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, vô số những biến động đã xảy ra nhưng trong thời điểm đớn đau nhất của dân tộc, văn hoá - nghệ thuật đã vì cộng đồng, vì sự xúc cảm bên trong tâm hồn mỗi nghệ sĩ mà lên tiếng. Ở đó, những tiếng hát, lời ca, những thước phim, bức tranh, ảnh... như cánh tay ôm của nghệ sĩ, vỗ về, ủi an cho khán giả và cho chính người nghệ sĩ.

Ngày 8/9, phim tài liệu Ranh giới do Tạ Quỳnh Tư làm đạo diễn, phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt trên kênh VTV1. Bộ phim tạo được tiếng vang, tác động mạnh đến cảm xúc của người xem nhưng đồng thời cũng khơi gợi nhiều vấn đề, tạo ra một cuộc bàn luận sôi nổi rằng liệu thực hiện một bộ phim tài liệu, người làm nghệ thuật nên tôn trọng yếu tố sự thật tại hiện trường hay quan trọng tính nhân văn, "cân đo" những phản ứng trái chiều (nếu có) về sau?

Nhiều bộ phim tài liệu khác làm về COVID-19 như Ngày con chào đời, Bình yên con nhé, HTV từ tâm dịch, Cùng nhau vượt qua đại dịch cũng ra mắt trong năm 2021, giúp lan toả nhiều thông điệp. Trong đó, nhiều phim nhen nhóm trong người xem những niềm hi vọng khác nhau về một ngày mai tươi sáng. 

Một điểm sáng trong lĩnh vực âm nhạc năm vừa qua là sự đồng lòng, chung sức của các tác giả chuyên lẫn không chuyên, trong và ngoài nước cổ vũ tinh thần người dân, tuyến đầu trong thời điểm chống dịch, có thể kể đến: Con đường và những bước chân, Sài Gòn sớm khỏe, Việt Nam ơi ta sẽ thắng, Việt Nam stay strong, Sống như tia nắng mặt trời... Trong đó, một số tác phẩm được yêu thích nồng nhiệt: Thành phố gì kỳ, Sài Gòn tôi sẽ... Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức, nói về công tác phòng chống dịch, nâng cao ý thức của người dân cũng nhận về 948 tác phẩm âm nhạc, chiếm hơn 50%. 

Trong cao điểm dịch tại TPHCM và một số tỉnh/thành trên cả nước, hàng loạt chương trình âm nhạc được tổ chức với hình thức trực tuyến: Thành phố 18h, Cảm ơn những điều phi thường, Sing for live, Sing for love, Vững tâm vượt qua đại dịch, Nối vòng tay lớn, Tiếng hát át COVID, Cháy lên... Hầu hết các chương trình đều được sản xuất theo hình thức “dã chiến”, chạy đua với thời gian nhằm lan toả những giai điệu giàu cảm xúc, ca từ hay để động viên người dân trên cả nước đồng lòng vượt qua dịch bệnh. 

Năm qua, cũng là thời điểm các hoạ sĩ trăn trở, xúc động hơn trước những nỗi đau mà dịch COVID-19 đã gây ra để
 

Năm qua, cũng là năm mà các hoạ sĩ trăn trở, xúc động hơn trước những nỗi đau mà dịch COVID-19 đã gây ra để từ cảm xúc vẽ nên những bức tranh đẹp, ấm áp tình cảm, yêu thương. Và từ những tác phẩm, các hoạ sĩ đấu giá để quyên góp thêm giường bệnh, nhu yếu phẩm, thuốc... hỗ trợ đồng bào. Từ hoạ sĩ Lê Sa Long, hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh, Thăng Fly... đều mong muốn tranh vẽ như một lời cảm ơn, an ủi, động viên, lời yêu thương gửi gắm đến người dân và lực lượng tuyến đầu hằng mong mọi người vượt qua đại dịch khắc nghiệt.

Cuối năm 2021, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tổ chức triển lãm ảnh kép mang tên Sài Gòn ngoan cườngChúng tôi là Việt Nam. Đây là sự kiện hiếm trong giới nhiếp ảnh vì không nhiều người chọn cùng lúc ra mắt 2 triển lãm và 2 sách ảnh. Không chỉ Nguyễn Á, trong năm qua, nhiều tay máy đã "đi vào tâm dịch" để kịp chụp lại những khoảnh khắc xúc động và không may, cũng có người nói lời từ giã cõi tạm.

Dòng chảy COVID-19 cũng neo lại nơi trang viết của những nhà văn, nhà thơ nhiều tâm sự. Như mọi loại hình nghệ thuật khác, họ không chỉ kể về nỗi đau hay chuyện cá nhân đơn thuần trong ngõ nhỏ, mà thông qua trang viết là ăm ắp những lời tỏ bày cùng sự biến thiên thời cuộc từ đời sống riêng đến vận mệnh chung của đất nước, nhân loại.

Một số tác phẩm in dấu trong dòng chảy “sách COVID” có thể kế đến như: I’m Home-Con đã về nhà (Tăng Quang), Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua (Sương Nguyệt Minh), Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể (bác sĩ Ngô Đức Hùng), Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa), 120 ngày Mây thì thầm với gió (Nuage Rose -Hồng Vân), COVID-19 và cuộc chiến sinh tử (nhiều tác giả)…

1
 

Năm qua cũng là một năm nhiều mất mát với khán giả Việt bởi có nhiều nghệ sĩ đã mãi mãi nằm xuống khi tác phẩm của họ vẫn còn dở dang, lời ca, vai diễn vẫn đang được công chúng vô cùng mến mộ. 

1
 

Chúng ta đã chia tay nhạc sĩ Phú Quang, NSND Hoàng Dũng, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, đạo diễn Lê Cung Bắc, nghệ sĩ Giang Tèo, danh ca Lệ Thu, ca sĩ Phi Nhung, đạo diễn Trần Cảnh Đôn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, ca sĩ Việt Quang cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi của giới văn hoá - giải trí Việt. 

Họ qua đời nhưng những năm tháng đã cống hiến cho nghệ thuật vẫn còn hiện hữu qua các tác phẩm ấn tượng. Giây phút xúc động này - thời khắc tiễn biệt năm cũ, xin dành một lời cảm ơn đến họ - những nghệ sĩ đã sống trọn vẹn một cuộc đời nhiều xúc cảm, ăm ắp những trăn trở với đời và nghề.

Diễm Mi

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=