Sau khi hỗ trợ thành công các dự án nghệ thuật từ điện ảnh, sản phẩm ca nhạc, mới đây, Huế tiếp tục vai trò tiên phong trong việc mở cửa, đón chào một show thời trang có quy mô tổ chức tại địa phương. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn cho tới khi Better day - Vàng son, show thời trang quy tụ “rừng” người đẹp với trang phục lộng lẫy ấy bị phản ứng là không phù hợp để diễn trong khu vực trường lang, thuộc Đại nội Huế.
Các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng màu sắc, kiểu dáng của các thiết kế trong show Vàng son cũng như cách trình diễn của nhiều người đẹp tạo ra "cuộc xung đột" với chính địa điểm họ trình diễn. Khoan bàn về độ đẹp, xấu của trang phục, điều tiên quyết để một show thời trang được phép diễn ra ngay tại di tích văn hoá – lịch sử phải là sự phù hợp giữa trang phục và không gian văn hoá. Và điều này, với Vàng son của 2 nhà thiết kế (NTK) Đinh Trường Tùng và Vũ Ngọc Tú là hoàn toàn không có.
Một số thiết kế được trình diễn strong show Vàng son
Trả lời báo Phụ Nữ TPHCM, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên – Huế cho biết, 2 NTK có ý tốt khi muốn phát huy vẻ đẹp vàng son, lộng lẫy của cung đình triều Nguyễn như một cách để thu hút khách du lịch đến với Huế. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, mục đích này không đạt được, thậm chí hoàn toàn sai lệch với cái gọi là "trang phục cung đình Huế, sắc phục của Nam Phương Hoàng hậu" - cảm hứng sáng tạo của 2 NTK này.
“Trang phục ở cung đình Huế, dù của hoàng hậu hay cung phi cũng đều đại diện cho một thời đoạn vàng son trong lịch sử nhưng vàng son ấy khác xa với sự loè loẹt. Những ai đã từng tìm hiểu về trang phục hậu cung của triều Nguyễn sẽ thấy vàng son đó là sự đằm thắm từ màu sắc, kiểu dáng đến kỹ thuật may vá đều được chăm chút, thể hiện sự đài các, quý phái. Màu vàng được chọn là sắc vàng của đồng, màu hoàng thổ toả sáng một cách nền nã. Còn bộ sưu tập hiện tại tương phản hoàn toàn, quá rực rỡ, không đúng tinh thần”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói.
Siêu mẫu Võ Hoàng Yến trình diễn tại sự kiện
Cùng với nhận xét về sự không phù hợp của show diễn, của bộ sưu tập trong khuôn viên trường lang - Đại nội Huế là sự khó hiểu dành cho cơ quan chức năng Huế, khi thoái mái cấp phép tổ chức mà thiếu xem xét về ý tưởng thực hiện.
Rõ ràng, sự đồ sộ, sang trọng của show Vàng son và không gian cổ kính, trang nghiêm của Đại nội Huế không hề nâng đỡ, cộng sinh để tôn vinh nhau Đó là sự đáng tiếc cho chính Vàng son cũng như để lộ sự vội vàng, hấp tấp trong khâu cấp phép của cơ quan chức năng tại Huế.
Hình ảnh được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho là không phù hợp
“Chúng ta cần quảng bá vẻ đẹp của hoàng cung Huế cũng như giá trị về trang phục, các giá trị phi vật thể khác nhưng việc quảng bá cần được quản lý thận trọng hơn. Tôi cho rằng, vẫn có thể sử dụng trường lang của Đại nội Huế để tổ chức show diễn thời trang nhưng phải rất cẩn trọng về nội dung và cân nhắc về chất lượng nghệ thuật. Chúng ta không thể tuỳ tiện cho sử dụng, thậm chí cho mượn kiệu, trang phục cung đình mà không biết họ làm ở đâu, làm gì và cách thể hiện ra sao. Nếu không cẩn trọng để xảy ra điều tương tự, rất có thể từ ý tưởng quảng bá cho du khách lại trở thành chuyện tiếp tay cho việc dung tục hoá, gây phản cảm”, ông Nguyễn Xuân Hoa khẳng định.
Về vấn đề này, trong một dịp trả lời Báo Phụ nữ TPHCM về việc kích cầu du lịch từ các sản phẩm văn hoá, giải trí, ông Trần Hữu Thùy Giang - Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết trong năm 2020, có ít nhất 3 dự án phim với mức kinh phí lớn sẽ được bấm máy tại địa phương, chưa kể các dự án nghệ thuật khác. Kết quả này có được nhờ vào việc Huế tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, ông Giang khẳng định: “Nội dung nào không phản ánh đúng bản chất văn hóa, con người, địa phương sẽ nhắc nhở nhà sản xuất để điều chỉnh cho phù hợp. Việc quảng bá phải đúng chứ không thể làm sai, tùy tiện”.
Thực tế từ show Vàng son cho thấy, quả thật cơ quan chức năng Huế không thể không cân nhắc với việc cấp phép cho những dự án nghệ thuật thực hiện tại các di tích văn hoá, lịch sử địa phương. Kích cầu du lịch là mục tiêu quan trọng, nhất là ở giai đoạn trong và hậu dịch COVID-19, tuy nhiên, vẫn cần xem xét để không xung đột với các mục tiêu khác cũng quan trọng không kém, đó là đừng làm "tổn thương" di tích.