Thời hoàng kim của sân khấu tỉnh
|
Ca sĩ Châu Gia Kiệt, gương mặt được ưa chuộng ở các sân khấu tỉnh trong nhiều năm qua. |
Một thời gian dài, các show ca nhạc ở tỉnh được tổ chức dưới hình thức hội chợ, sân khấu tạp kỹ phát triển mạnh. Chúng hay được gọi vui là sân khấu “chuồng gà”, để chỉ việc xây dựng tạm bợ, thường có hàng rào lưới hoặc vải bạt nhựa bao quanh, đoàn thường chỉ diễn 1 hoặc 2 buổi, không cố định.
Một lớp ca sĩ không quá nổi bật trên truyền thông, cũng không thường xuất hiện ở các show ca nhạc đình đám như: Vũ Hà, Trương Đan Huy, Lâm Hùng, Phạm Thanh Thảo, Dương Ngọc Thái, Châu Gia Kiệt, Quách Thành Danh… rất được ưa chuộng ở những show ca nhạc này. Cát-sê thường khá linh hoạt, tùy vào điều kiện, quy mô chương trình, nhưng cũng không ở mức quá thấp vào thời điểm những năm đầu thập niên 2000.
Mỗi đêm họ không chỉ diễn ở một điểm mà còn chạy show lên đến vài điểm, đặc biệt vào mùa lễ hội, Tết. Nam ca sĩ Trương Đan Huy cho biết, từ năm 2002 đến năm 2005, mỗi đêm hát ở tỉnh anh thu về từ 50 đến 60 triệu. Châu Gia Kiệt cũng là một trong những cái tên chiếm lĩnh thị trường tỉnh. Anh tiết lộ có tháng thu 700 triệu đồng nhờ các show như thế.
|
Hình ảnh tiêu biểu về sân khấu "chuồng gà" nhiều năm về trước. |
Vũ Hà cũng khiến khán giả giật mình khi thời điểm các ca khúc như Búp bê chao mi ao, Đừng trách người ơi… đang thịnh hành, anh phải chạy có khi đến 6 hoặc 7 show/ngày. Dù không tiết lộ chính xác mức cát-sê có được nhưng Vũ Hà cho biết, nếu chăm chỉ chạy show ở tỉnh thì đây là một nguồn thu tốt cho ca sĩ.
Ca sĩ Vũ Duy Khánh cho biết thời điểm năm 2008, 2009 khi ca khúc Buồn đang hot, anh chạy show tỉnh khoảng 2-3 show/ngày, thống trị các tỉnh miền Bắc. Mỗi show anh thu về khoảng 10-15 triệu đồng.
Những năm sau này khi vật giá thay đổi, cát-sê của nghệ sĩ đi show tỉnh, hội chợ cũng cao hơn, từ khoảng 15 đến 30 triệu đồng/show. Lâm Chấn Huy có cát-sê hội chợ, sân khấu tạp kỹ từ 25 đến 30 triệu đồng/show, thuộc hàng tên tuổi “hot”.
Những show ca nhạc tỉnh từng là chốn ăn nên làm ra cho nhiều ca sĩ trong một thời gian khá dài. Ngoài việc thu cát-sê, họ còn có cơ hội tiếp xúc với số đông khán giả. Không ít nghệ sĩ lớn đều trưởng thành từ môi trường này như: Vân Sơn, Ngọc Sơn...
|
Hàng nghìn khán giả theo dõi một show diễn ở tỉnh giúp ca sĩ tiến gần với số đông công chúng. |
Thị trường tỉnh thời điểm đó có những đoàn hát nổi tiếng như: Phương Tường Bảy Phụng, Sao Đêm, Minh Dũng... Những đoàn ca nhạc này từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước và trở thành một phần ký ức của nhiều khán giả. Họ ăn nên làm ra từ những sân khấu như thế.
Một bầu show tiết lộ, từ năm 2003 đến 2005 là thời điểm vàng của những sân khấu ca nhạc tỉnh. Giá vé bán ra từ 15.000 đến 30.000 đồng, mỗi đêm bán được khoảng 4.000 vé. Chi tiền cho 4 ca sĩ chính khoảng 40 triệu đồng, trừ thêm chi phí khoảng 30 triệu. Mỗi đêm diễn không lời nhiều cũng kiếm được chút ít. Đặc biệt có những đêm diễn chỉ với cái tên Quách Thành Danh đã bán được đến 4.000 vé.
Chỉ còn là dĩ vãng
|
Gameshow ca nhạc phát triển như vũ bão trong nhiều năm gần đây khiến khán giả mất đi thói quen đến sân khấu để xem nghệ sĩ. |
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những show ca nhạc như thế chỉ còn là dĩ vãng bởi nhiều nguyên nhân tác động, cả khách quan lẫn chủ quan. Sự phát triển của nhiều gameshow trên truyền hình khiến khán giả không còn mặn mà với những sân khấu trực tiếp. Chỉ cần một vài thao tác trên internet, YouTube… khán giả có thể xem những gì họ muốn, thích và không cần trả phí.
Ca sĩ Dương Đình Trí cho biết: “Thị trường tỉnh vẫn còn đất sống cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, giờ đây khán giả thích và quen với việc xem miễn phí nên đơn vị tổ chức cũng phải tự chuyển mình, thay đổi”.
Là một trong những giọng ca có lượng khán giả đông đảo ở các tỉnh, Dương Hồng Loan cho biết khoảng 3 năm trở lại đây, tình hình các sân khấu bán vé ngày càng hẩm hiu: “Hầu như không có show nào đủ lượng khán giả như mong muốn. Những ngày diễn trùng với trận đá bóng hay các sự kiện giải trí lớn khác thì ca sĩ phải chấp nhận chia sẻ với bầu show. Bây giờ, thi thoảng tôi mới đi diễn các show tỉnh, vùng sâu xa một chút, chủ yếu để gặp bà con, cảm ơn tình thương của mọi người chứ không dám mong điều gì nhiều cả”.
Gu thưởng thức âm nhạc của khán giả tỉnh cũng ngày càng thay đổi khi được tiếp xúc với nhiều chương trình lớn được đầu tư công phu trên truyền hình. Trong khi đó những sân khấu tạp kỹ, “chuồng gà” lại mang tính tạm bợ, không được cải tiến, đầu tư bắt kịp thị hiếu, do thường chỉ diễn ở mỗi địa điểm một hoặc hai đêm. Điều kiện an ninh của các đêm diễn cũng không được đảm bảo.
|
Gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả thay đổi khi tiếp cận nhiều chương trình được dàn dựng công phu trên truyền hình. Trong khi đó, sân khấu tạp kỹ luôn tạm bợ, không thay đổi kịp thị trường. |
Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” ở các sân khấu ca nhạc tạp kỹ đi tỉnh cũng khiến khán giả mất lòng tin. Năm 2013, 800 khán giả tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bao vây một bầu show, ném đá lên sân khấu khi một show diễn kết thúc. Show được quảng bá có Bảo Thy, Minh Hằng, Hồ Quang Hiếu… nhưng cuối cùng chỉ có Vĩnh Thuyên Kim xuất hiện. Không ít trường hợp tương tự xảy ra ở những sân khấu tỉnh khác.
Ca sĩ bị bầu show giật cát-sê trong thời buổi sân khấu tỉnh khó khăn cũng khiến họ phần nào không còn mặn mà. Show ca nhạc tạp kỹ thường do các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức, tự xoay vốn. Khán giả tỉnh thường chỉ đến ngày xem mới mua vé chứ không đặt trước. Vì thế, chuyện lời, lỗ rất khó đoán trước. Trong khi đó, một đêm nhạc ít nhất phải có 3, 4 gương mặt hot mới đủ sức kéo khán giả, mức cát-sê lại không hề thấp. Khi lâm vào tình cảnh khó khăn nhất, những chuyện ồn ào lại xảy ra.
Vì thế, các ca sĩ thường nhận lời hát ở các sự kiện khai trương, tri ân khách hàng, đám tiệc… với mức thù lao cao hơn, lại ít rủi ro. Lưu Ánh Loan cho biết vài năm trở lại đây chị không nhận các show ca nhạc tỉnh như nhiều năm về trước, trừ những lời mời từ các đơn vị thân quen, do thường xuyên bị các bầu show chèo kéo, ép giá.
“Sân khấu tạp kỹ không có bệ đỡ. Bán một vé giá 50.000 đồng là đã khó kéo khán giả rồi. Dần dà các bầu show đều “chết” hết. Bây giờ nhiều bầu show tạp kỹ phải bán nhà khi sân khấu này xuống dốc”, một biên tập tiết lộ.
|
Nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Dương Hồng Loan biểu diễn tại các hội chợ thương mại. |
Hiện tại, hội chợ triển lãm đang được xem là sân khấu thịnh hành ở thị trường tỉnh. Một vài đoàn ca nhạc tạp kỹ cũng chuyển sang hoạt động ở hình thức này. Tuy nhiên, ở đây âm nhạc không đóng vai trò chính mà chỉ là dịch vụ cộng thêm để níu chân khán giả.
Lý giải về sân khấu này, một biên tập chia sẻ: “Vé vào cổng hội chợ để tham quan gian hàng, xem triển lãm... khoảng 10.000 đến 15.000 đồng. Người dân có thể tham quan thoải mái và còn được xem ca nhạc. Ban tổ chức lấy số lượng để bù doanh thu. Hội chợ triển lãm thường có nguồn tài trợ, lại thu tiền được của các gian hàng từ nhiều đơn vị tham gia nên kinh phí được bảo đảm. Bên cạnh đó, sân khấu được cải tiến, thiết bị tân trang, chương trình có kịch bản hẳn hoi nên có thể hút khán giả”.
Nhiều ca sĩ không nổi bật trên truyền thông nhưng đang có một lượng khán giả lớn ở tỉnh và ăn nên làm ra từ những show diễn này. Việc gọi chung là ca sĩ hội chợ cũng khiến nhiều người hiểu lầm về quy mô, cách thức tổ chức của những sân khấu này so với sân khấu “chuồng gà”, tạp kỹ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, dù là danh xưng gì thì với các ca sĩ chuyên thị trường tỉnh, tất cả cũng phải trở về với thực tế, lay lắt sống trong thời "thóc cao gạo kém" do bão game show truyền hình càn quét tơi tả.
Thuỵ Khuê