Cận tết âm lịch, các đơn vị giao nhận hàng đều gấp rút tuyển thêm nhân viên giao nhận hàng, nhân viên xử lý hàng, nhân viên phân hàng thời vụ... để đáp ứng lượng đơn hàng mùa tết tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này ẩn chứa không ít rủi ro cho cả chủ lẫn khách.
Tất bật giao, nhận hàng...
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ vận chuyển hàng nhanh (shipper) cũng tăng tốc như “vũ bão”. Hàng ký gửi đa dạng: quần áo, giày dép, túi xách, thiết bị điện tử, thực phẩm... được nhân viên đóng kiện và sắp xếp theo từng khu vực đã định sẵn để tránh lẫn lộn, giao nhầm.
Những ngày này, tại văn phòng một đơn vị shipper trên đường Nguyễn Oanh (Q. Gò Vấp, TP.HCM) không khí rất tất bật. Một nhân viên nữ tại đây cho biết: “Hiện em phải xử lý hàng trăm đơn hàng/ngày, giao khắp 24 quận, huyện của thành phố và cả các tỉnh. Ngày thường có thể sáng nhận, chiều giao hàng nhưng cuối năm đơn hàng nhiều nên phải hẹn khách 1-2 ngày”.
|
Khách hàng chỉ chọn đơn vị shipper có uy tín, mạnh công nghệ, chất lượng dịch vụ tốt để giao dịch. |
Đại diện đơn vị này cũng nói: “Để tránh tình trạng tổng đài tắc nghẽn, ngoài hotline, chúng tôi còn khuyến khích khách hàng mở rộng giao dịch trên Facebook, Zalo, tin nhắn, email... để xử lý thông tin kịp thời”.
Hầu hết các công ty, cửa hàng bán hàng trực tuyến đều sử dụng dịch vụ shipper cho nhanh gọn, tiện lợi. Chỉ cần gõ từ khóa “shipper” trên google là thấy ngay gần 40 triệu kết quả với đủ tên gọi: giaohangnhanh, giaohangtietkiem, 123giao, alogiaongay, saigonship, shipchung... nơi nào cũng quảng cáo “giao hàng giá rẻ, nhanh gọn, uy tín...”.
Thực tế, theo “dân trong nghề”, ngành dịch vụ này cũng “thượng vàng, hạ cám”, chất lượng dịch vụ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô tổ chức, trình độ công nghệ, khả năng tài chính, khả năng quản lý nhân sự...
Cạnh tranh thì ngày càng gay gắt, ai không vững là “ngã ngựa” ngay. Giám đốc một đơn vị shipper hiện đã ngưng kinh doanh, phân tích: “Muốn phát triển, các đơn vị phải ứng dụng các phần mềm công nghệ để quản lý đơn hàng, kiểm soát nhân viên và tương tác trực tiếp với khách hàng nhằm hạn chế rủi ro mất hàng, mất tiền và tạo lòng tin với khách hàng. Chúng tôi không đủ tài chính để đầu tư công nghệ nên đành bỏ cuộc”.
“Tranh tối, tranh sáng”
Tuy hiện đang có hàng ngàn đơn vị nhận giao hàng nhanh, quy mô lớn nhỏ đủ loại, nhưng rất ít đơn vị lập công ty và hoạt động bài bản. Nhiều đơn vị chỉ hoạt động mang tính thời vụ, cá nhân, kiểu một nhóm 5-10 người tự lập trang web hay Facebook và rao giao nhận hàng.
Tùy quy mô cửa hàng và nhu cầu của chủ shop, những cá nhân kinh doanh online nhỏ lẻ thường sử dụng đội ngũ shipper nhỏ, có ưu thế là nhận hàng, trừ tiền ship rồi ứng tiền trước cho shop theo trị giá đơn hàng; khi giao cho khách sẽ thu lại tiền.
Chị Trang, chuyên bán quần áo ở chợ Tân Bình, TP.HCM, thường sử dụng shipper quen như nhóm sinh viên hoặc đội ngũ xe ôm, cho biết: “Vào cao điểm bán tết, mỗi ngày tôi đều gọi shipper giao hàng cho khách, có ngày đến 20 đơn hàng. Phí ship dao động từ 20.000-40.000 đồng/đơn hàng, tùy nội, ngoại thành”.
Các cửa hàng, công ty, trang web thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Sendo, Deca, Shoptretho, Zalora, Sieumua, Muachung... thì sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh của các công ty lớn, có ứng dụng tạo đơn hàng. Khách hàng có thể tải phần mềm về smartphone, đăng nhập, tự tạo đơn hàng và chờ nhân viên đến nhận hàng.
Đặc biệt, khách hàng theo dõi được tình trạng đơn hàng đang ở đâu và có thể sử dụng công cụ quản lý tiền thu hộ... Để thu hút những khách hàng tên tuổi, ngoài việc chạy đua công nghệ, chất lượng dịch vụ “uy tín, nhanh, tiện”, hiện các đơn vị shipper còn cạnh tranh bằng phí ship giá rẻ và các chương trình ưu đãi như: khách nạp tiền vào “ví giao hàng” sẽ nhận được mã giao hàng miễn phí; đền bù cho các đơn hàng giao trễ hơn dự kiến bằng cách tặng tiền vào “ví giao hàng”...
Khác với các nhóm shipper nhỏ lẻ, các đơn vị lớn không ứng tiền trước cho khách mà thu tiền hộ miễn phí (khác bưu điện, Viettel tính cước thu tiền hộ 30.000-40.000 đồng/đơn hàng) và đối soát trả tiền cho shop (thường 3 lần/tuần) qua tài khoản ngân hàng; đồng thời gửi biên bản đối soát định kỳ vào email để khách hàng theo dõi.
Các biên lai giao - nhận hàng đều ghi đầy đủ thông tin tên, địa chỉ người gửi, người nhận; tên hàng, trị giá hàng hóa và ký nhận của chủ shop, nhân viên giao nhận hàng, người nhận. Nếu lựa chọn đúng đơn vị uy tín, khách hàng sẽ hạn chế được nhiều rủi ro.
Chị Mai Khanh, bán quần áo ở chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), kể: “Có lần khách yêu cầu gửi hàng sau 20g, tôi lên mạng tìm mãi mới ra một đơn vị nhận giao hàng ban đêm với mức phí chỉ 30.000 đồng. Nhân viên tới nhận hàng, ký biên nhận, đơn hàng trị giá 550.000 đồng. Khách cho biết đã nhận hàng, trả tiền cho shipper rồi nhưng cả tuần sau tôi vẫn không thấy shipper chuyển trả tiền lại (trừ phí ship, còn 520.000 đồng). Số điện thoại của shipper thì luôn trong tình trạng không liên lạc được. Xem biên lai rồi tìm hiểu mới phát hiện đơn vị này xài địa chỉ “ma”.
Trong khi chờ sự siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng và các đơn vị kinh doanh online phải tỉnh táo lựa chọn những đơn vị shipper uy tín, hoạt động chuyên nghiệp để tránh mất tiền, mất hàng khi sử dụng shipper. |
Trường hợp chị Khanh không phải là cá biệt. Cơ quan công an từng bắt giữ nhiều đối tượng đóng vai shipper lừa tiền của cả shop lẫn khách mua hàng. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết: “Ngành dịch vụ giao nhận hàng liên quan đến thương mại điện tử nên Bộ Công thương trực tiếp cấp phép và quản lý các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là điều hơi bất cập trong việc quản lý thương mại điện tử nói chung và dịch vụ giao nhận hàng nói riêng. Để sát sao hơn, bộ nên phân cấp để địa phương quản lý, kể cả việc truy thu thuế những trang web, những đơn vị làm ăn qua mạng. Hiện nay, khi có khiếu kiện liên quan hoạt động giao nhận hàng thì địa phương phải chờ bộ chỉ đạo nên rất bị động. Thực tế, việc cấp phép chỉ là bước đầu của quá trình kiểm tra, việc hậu kiểm cũng rất quan trọng”.
Trước mắt, trong khi chờ sự siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng và các đơn vị kinh doanh online phải tỉnh táo lựa chọn những đơn vị shipper uy tín, hoạt động chuyên nghiệp để tránh mất tiền, mất hàng khi sử dụng shipper.
Siêu thị có đội ngũ giao hàng riêng
Để nhanh chóng giao hàng cho khách, hầu hết các siêu thị lớn đều có đội ngũ nhân viên giao hàng riêng. Đại diện các siêu thị cho biết, hiện mãi lực kèm với yêu cầu bảo quản các sản phẩm tết đang tăng cao, siêu thị đã tăng thêm nhân sự giao hàng.
Một số siêu thị còn có cả phương án giao hàng bằng xe tải nhằm giao hàng sao cho nhanh chóng, thuận tiện nhất. Sau khi khách nhận hàng, kiểm tra, xác nhận đủ số lượng, chất lượng đảm bảo thì việc giao hàng mới được xem là hoàn thành.
Nhu cầu shipper đang ngày càng tăng, thậm chí có đơn vị sau 5 năm hoạt động đã mở rộng quy mô đến 63 tỉnh, thành với đội ngũ cả ngàn nhân viên, thu nhập trung bình 7,5 triệu đồng/tháng/nhân viên. Cao điểm tết, đơn vị này đang đăng tuyển thêm 800 nhân viên chính thức và cả thời vụ.
|
Nguyễn Cẩm