Ship quà tặng... người ngoài hành tinh

26/01/2025 - 11:46

PNO - Vật phẩm có thật với giá trị thú vị, cùng thông tin số hóa trong thiết bị điện tử – nhân loại đã và đang tiếp tục gửi gắm theo hành trình du hành đến thế giới bên ngoài bầu khí quyển, những món đồ “muôn hình vạn trạng”. Thói quen độc đáo này, vốn duy trì gần như xuyên suốt chiều dài lịch sử ngành hàng không vũ trụ, vừa nhằm truyền tải lời nhắn hòa bình đến sự sống ngoài hành tinh, vừa ẩn chứa ý nghĩa xúc động.

Có hai cách phổ biến bạn có thể thử, nếu muốn nhắn gửi thông điệp nào đó ra ngoài không gian – hoặc thông qua một thiết bị truyền tin, hoặc (đơn giản và trực diện hơn) “đẩy” vào vũ trụ thứ bạn thích.

Trên thực tế, nhân loại đã thử cả hai phương pháp, để gửi đến không gian bao la bên ngoài đa dạng loại dữ liệu kỳ thú – phản ánh lịch sử đặc sắc của nhân loại cũng như vẻ đẹp sự sống trên Địa Cầu.

Đồ chơi Lego được gửi theo tàu vũ trụ Juno (phóng năm 2011 với sứ mệnh khám phá Sao Mộc) phỏng theo các nhân vật nổi tiếng: nhà khoa học Galileo Galilei và 2 vị thần La Mã. - Ảnh: NASA
Đồ chơi Lego được gửi theo tàu vũ trụ Juno (phóng năm 2011 với sứ mệnh khám phá Sao Mộc) phỏng theo các nhân vật nổi tiếng: nhà khoa học Galileo Galilei và 2 vị thần La Mã. - Ảnh: NASA

“Gửi gắm” suy nghĩ về chính mình

Một minh chứng nổi bật là sự kiện diễn ra năm 1995. Bên cạnh nhiều hình ảnh và số liệu thuần túy mang tính nghiên cứu, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã gửi đi một bức vẽ đáng nhớ - một người ngoài hành tinh và nhân loại nắm tay nhau. Toàn bộ số dữ liệu này được gửi qua thiết bị chuyên biệt đến hướng tọa lạc cụm các chòm sao Libra (cách Trái Đất khoảng 50.000 năm ánh sáng).

Nhân loại cũng từng gửi lên Sao Hỏa bản sao cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kinh điển Cuộc chiến giữa các thế giới (viết năm 1895 bởi đại văn hào người Anh Herbert George Wells). Một nhóm phi hành đoàn còn từng “ship” tới Sao Mộc vật phẩm dị thường hơn – đồ chơi Lego. Số đồ chơi này được lấy cảm hứng từ hình tượng nhà thiên văn học lỗi lạc Galileo Galilei, cùng nữ thần Juno và chồng bà Jupiter - hai vị thần quyền lực trong thần thoại La Mã cổ đại. Thần Jupiter cai quản bầu trời, có tên gọi tương ứng với Sao Mộc, “người anh em” đứng thứ năm của Trái Đất và là hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời.

Kích thước thật của Bảo tàng Mặt Trăng tương đương một con tem bưu chính. Dựa vào một số mối quan hệ cá nhân tại NASA, Myers đã bí mật “cài đặt” tác phẩm thú vị này vào tàu vũ trụ Apollo 12. - Ảnh: Artsy
Kích thước thật của Bảo tàng Mặt Trăng tương đương một con tem bưu chính. Dựa vào một số mối quan hệ cá nhân tại NASA, Myers đã bí mật “cài đặt” tác phẩm thú vị này vào tàu vũ trụ Apollo 12. - Ảnh: Artsy

Bên cạnh đó, nhà điêu khắc người Mỹ Forrest Myers từng tiến hành một vụ “gửi đồ” ra ngoài không gian gây xôn xao trong lịch sử. Vị nghệ thuật gia kỳ cựu thừa nhận: thời điểm Apollo 12 thực hiện sứ mệnh đổ bộ lần hai lên Mặt Trăng cuối năm 1969, ông đã lén lút gắn lên mô-đun con tàu vũ trụ một mảnh gốm siêu nhỏ. Trên đó chứa đựng loạt hoa văn có tạo hình giản lược, mô phỏng phong cách hội họa của những tên tuổi xuất chúng trong làng mỹ thuật thế giới như Robert Rauschenberg, Claes Oldenburg và Andy Warhol. Mẫu vật cực nhỏ này làm từ Iridi - kim loại chống ăn mòn tốt nhất từng được ghi nhận. Đến nay, nó vẫn “yên vị” trên bề mặt vệ tinh tự nhiên đã ở bên Địa Cầu hơn 4,5 tỉ năm. Mảnh gốm được gọi bằng cái tên thú vị, Bảo tàng Mặt Trăng.

Thế nhưng, suốt một thời gian dài trong “dòng chảy lịch sử” ngành hàng không vũ trụ, không ai nghĩ đến việc tổng hợp tất cả thông tin cũng như hiện vật con người đã gửi theo các chuyến du hành khám phá không gian. Nhân vật đầu tiên làm được điều này là Paul Quast, giám đốc điều hành một tổ chức thoạt nghe có vẻ lạ thường, trụ sở tại Scotland.

Bên ngoài Trái Đất (Beyond the Earth), tổ chức nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận, được thiết lập từ một mục tiêu quan trọng: quản lý danh mục mọi hiện vật văn hóa cũng như thông điệp mã hóa ý nghĩa, nhân loại từng gửi ra ngoài không gian.

“Chí ít, con người nên biết chúng ta đã gửi vào vũ trụ bao la ngoài kia những gì”, Quast, Thạc sĩ ngành Khoa học Nhân văn (Đại học Edinburgh, Scotland), cũng là một chuyên gia ở lĩnh vực Bảo tàng học và Truyền phát thông tin, bày tỏ.

Là vệ tinh bay quanh Trái Đất, nhưng LAGEOS (Vệ tinh địa động lực bằng laser - một trong những dự án nghiên cứu khoa học lâu đời nhất, đã tồn tại từ năm 1976 – được thiết kế như một “quả cầu truyền tin đặc biệt” gìn giữ cho thế hệ tương lai của nhân loại. - Ảnh: NASA
Là vệ tinh bay quanh Trái Đất, nhưng LAGEOS ("Vệ tinh địa động lực bằng laser" - một trong những dự án khoa học lâu đời nhất, đã tồn tại từ năm 1976 – được thiết kế như một “quả cầu truyền tin đặc biệt” gìn giữ cho thế hệ tương lai của nhân loại. - Ảnh: NASA

Bên ngoài Trái Đất, tuy nhiên, không chỉ đóng vai trò như một thư viện cất trữ thông tin. Quast tin tưởng, anh và nhóm nghiên cứu của mình đang góp phần “đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng”. Kỳ vọng của họ là giúp nhân loại hiểu rõ hơn chính mình, thông qua những thứ con người gửi đến thế giới khổng lồ của các thiên hà, hành tinh xa xôi.

Thông minh và…dị biệt

Đã có hàng chục năm kinh nghiệm tổng hợp tài liệu liên quan đến các vật phẩm gửi ra vũ trụ, Quast thẳng thắn nhận xét: “Rất nhiều tác phẩm có thực thể và bộ sưu tập dữ liệu được chúng ta thiết kế vô cùng khéo léo, phản ánh trình độ phát triển ngày càng được nâng cấp của công nghệ hàng không vũ trụ. Cùng lúc đó, những thứ này còn đại diện cho tinh hoa văn minh nhân loại. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận, nếu nhìn tổng thể, có vài thứ gửi đi cho ‘bạn bè’ ngoài không gian khiến tôi cảm thấy nhân loại có cái nhìn khá…lạ kỳ về bản thân chúng ta”.

Ứng dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu hiện đại nhất thời bấy giờ, có tổng cộng 2 Golden Records, mỗi đĩa được gắn lên một tàu du hành. Voyager 1 và 2 đang tiếp tục bay xa khỏi hệ Mặt Trời, làm nhiệm vụ do thám - thu thập thông tin quý báu về vũ trụ. - Ảnh: NASA
Ứng dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu hiện đại nhất thời bấy giờ, có tổng cộng 2 Golden Records, mỗi đĩa được gắn lên một tàu du hành. Voyager 1 và 2 đang tiếp tục bay xa khỏi hệ Mặt Trời, làm nhiệm vụ do thám - thu thập thông tin quý báu về vũ trụ - Ảnh: NASA

Quast nhắc đến một dự án kinh điển trong lịch sử, lý giải nỗ lực “tương tác với sự sống ngoài hành tinh”: Golden Records. Đây là những chiếc đĩa lưu trữ thông tin (làm từ chất liệu đồng mạ vàng độ bền cao) chứa đựng tập hợp đồ sộ gồm vô vàn hình ảnh, âm thanh về xã hội con người và bản đồ chỉ dẫn tới vị trí Trái Đất trên dải Ngân hà.

Golden Records được gửi theo hai tàu vũ trụ Voyager 1 và Voyager 2, cùng được NASA phóng đi vào năm 1977. Sứ mệnh của chúng rất ý nghĩa: mang theo những đĩa thông tin để khám phá các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời và xa hơn nữa. NASA hy vọng, nếu vô tình “chạm mặt” sự sống ngoài Trái Đất, Golden Records sẽ là tư liệu thiết thực, giúp con người tự giới thiệu bản thân và thể hiện thiện chí đối với vũ trụ rộng lớn.

Một số “món quà Trái Đất gửi tới vũ trụ” khiến Quast xúc động cùng tự hào, như Golden Records. Một số khác, từ đồ vật thật đến thông tin truyền qua thiết bị điện tử, đôi khi lại khiến anh “gãi đầu khó hiểu”.

Đầu thập niên 2000, một nghệ sĩ đàn theremin hướng dẫn cho cậu học trò nhỏ trong một buổi diễn tấu ở Crimea, đặc biệt được tổ chức ghi âm để gửi vào vũ trụ. - Ảnh: Wikimedia
Đầu thập niên 2000, một nghệ sĩ đàn theremin hướng dẫn cho cậu học trò nhỏ trong một buổi diễn tấu ở Crimea, đặc biệt được tổ chức ghi âm để gửi vào vũ trụ. - Ảnh: Wikimedia

“Những ví dụ lạ lùng nhất chúng tôi từng ghi nhận, thực ra còn nhiều hơn tôi hình dung ban đầu. Một đoạn video kéo dài 15 phút ghi lại một màn trình diễn đàn theremin (một trong những loại đàn điện tử cổ nhất thế giới, được phát minh năm 1919). Một file ghi âm lời nhắn của ca sĩ Paul McCartney, thành viên nổi danh trong ban nhạc Beatles – “gửi lời chào thân thiện của tôi đến người ngoài hành tinh nhé!”. Một đoạn quảng cáo khoai tây chiên của thương hiệu đồ ăn vặt Doritos. Một tấm ảnh chụp đĩa bánh bao và tách trà. Một con chip điện tử chứa DNA được mã hóa của diễn viên hài người Mỹ Stephen Colbert. Và nhiều hơn thế nữa..”

Các “thông điệp” gây tranh cãi

Quast cho biết, anh không phán xét cũng như xem nhẹ bất kỳ thông điệp, vật phẩm nào được gửi ra ngoài bầu khí quyển Trái Đất. “Chúng tôi cố gắng xây dựng một ‘thư viện vĩnh cửu’, đơn thuần nhằm lưu giữ thông tin về hành tinh chúng ta”, anh nhấn mạnh. “Không quan trọng chúng là gì - tác phẩm nghệ thuật, công trình khoa học, công nghệ, văn hóa, một tấm ảnh chụp thể hiện vẻ dung dị của cuộc sống, hoặc một hành động, nỗ lực kết nối với những tồn tại chúng ta chưa biết thuộc về vũ trụ ngoài kia… Mọi thứ trong danh sách của chúng tôi đều từng có mặt bên ngoài bề mặt Trái Đất, hoặc ít lâu hoặc đã từ rất lâu”.

Một tấm bảng dùng cho mục đích cầu nguyện, cầu phúc lành, được một nhà du hành vũ trụ mang lên Mặt Trăng trong chuyến thám hiểm và nghiên cứu bằng tàu Apollo 16, năm 1972. - Ảnh: Getty
Một tấm bảng dùng cho mục đích cầu nguyện, cầu phúc lành, được một nhà du hành vũ trụ mang lên Mặt Trăng trong chuyến thám hiểm và nghiên cứu bằng tàu Apollo 16, năm 1972. - Ảnh: Getty

Những thông điệp nghiêm túc nhất, đặc biệt là tin tức – dữ liệu truyền qua thiết bị chuyên dụng, đủ vững mạnh để chạm đến cả một số ngôi sao khuất xa khỏi hệ Mặt Trời. Chúng ẩn giấu nội dung được chọn lựa kỹ lượng: số liệu toán học, nguyên tố hóa học, chuỗi DNA người, sơ đồ hệ Mặt Trời, cùng những tin nhắn, hình ảnh liên quan đến sự sống trên Địa Cầu.

Một số vật phẩm chứa đựng thông tin tổng hợp với mệnh danh độc đáo, “các viên nén thời gian”, đã được chúng ta phóng vào khoảng cách xa xôi nhất có thể. Các nhà nghiên cứu mong muốn chúng sẽ tồn tại dài lâu, đủ để thế hệ tương lai của nhân loại – lúc này được tin rằng đã có khả năng du hành vũ trụ thuận tiện hơn – tìm thấy.

Một trong những “viên nén thời gian” chứa đựng Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (do Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948), viết bằng 1.500 ngôn ngữ từ cổ chí kim từng xuất hiện trên Trái Đất. Một “viên nén” khác dưới dạng đĩa DVD bằng thủy tinh silic tân tiến bậc nhất, ghi lại nội dung cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Biên niên sử Sao Hỏa (xuất bản năm 1950) – tác phẩm xuất sắc của cố văn sĩ người Mỹ, Ray Bradbury.

Tất cả chúng, Quast đánh giá, phác họa “nỗ lực không ngừng nghĩ của nhân loại nhằm truyền đạt niềm tin vào tương lai, lẫn niềm tin vào sự phát triển của nhân loại”.

Tượng Đức Mẹ Madonna siêu nhỏ từng được mang ra ngoài không gian bởi cựu phi hành gia Charles Duke, trên chuyến tàu Apollo 16, năm 1972. - Ảnh: Getty
Tượng Đức Mẹ Madonna siêu nhỏ từng được mang ra ngoài không gian bởi cựu phi hành gia Charles Duke, trên chuyến tàu Apollo 16, năm 1972. - Ảnh: Getty

Dẫu vậy, thông điệp truyền đạt tới vũ trụ vốn đầy góc khuất bí ẩn, đã và đang gây tranh cãi.

“Đương nhiên, một số người thấy e ngại. Họ băn khoăn về việc, liệu động thái liên tục gửi đi vật phẩm, thông tin về chúng ta đến các tồn tại ngoài hành tinh có thật sự khôn ngoan?”, Quast nói.

Chủ động kết nối với những thế giới, nền văn minh chưa rõ nguồn gốc mang theo rủi ro nhất định. Tuy vậy, Quast và các chuyên gia thu thập dữ liệu không gian không quá để tâm vấn đề này. “Cần thêm thời gian để chứng thực sự tồn tại của người ngoài tinh. Nhưng trước tiên và quan trọng nhất, những ‘món đồ lưu niệm’ con người kiên định gửi vào vũ trụ suốt nhiều thập niên qua, là ‘tấm gương’ phản chiếu hình ảnh của chúng ta”.

Quast bày tỏ: “Điều khiến tôi đôi khi cảm thán là, bằng cách ‘vươn tay’ khám phá không gian xa xôi chừng như vô tận ngoài kia, nhân loại đang nỗ lực nhìn lại mình, để thấu hiểu bản thân hơn”.

Như Ý (theo AtlasObscura)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI