Ship COD - Đối thủ đáng gờm cho thương mại điện tử Việt Nam

27/02/2021 - 16:45

PNO - Hình thức phát hàng thu tiền hộ (Ship - COD) đang nở rộ tại một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (ĐNA), trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích mà hình thức này mang lại cho khách hàng thì nó cũng chính là thách thức cho quá trình phát triển thương mại điện tử mà các nước ĐNA đang phải đối mặt.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển một cách mạnh mẽ và trở thành một trong những loại hình kinh doanh điện tử lớn nhất đối với thị trường bán lẻ.

Bên cạnh đó, thói quen lướt mạng và mua sắm hàng online cũng góp phần thúc đẩy TMĐT tăng nhanh với tốc độ phi mã nhờ tính tiện lợi, đa dạng các mặt hàng và nhiều sự lựa chọn trong việc thanh toán hóa đơn.

Hình thức Phát hàng thu tiền hộ (COD) đang phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á - Ảnh: Shutterstock/TOT
Hình thức Phát hàng thu tiền hộ (COD) đang phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á - Ảnh: Shutterstock/TOT

Hình thức COD đang làm mưa làm gió ở thị trường Đông Nam Á

Mặc dù thẻ tín dụng đang dần phổ biến như là một công cụ dùng để mua hàng trực tuyến và thanh toán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tuy nhiên, theo đánh giá của Cash Essentials, một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái tiền tệ và thanh toán quốc tế, thì đa số người dân ở các nước ĐNA vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ thẻ tín dụng hoặc ngân hàng trực tuyến.

Chính vì vậy, đây là mảnh đất màu mỡ cho dịch vụ Phát hàng thu tiền hộ (COD) phát triển khi có hơn 73% khách hàng của hãng DHL ở khu vực ĐNA sử dụng hình thức này để giao dịch chỉ trong năm 2018, thời điểm mà công ty logistics hàng đầu thế giới DHL lần đầu tiên triển khai hình thức COD tại thị trường ĐNA. Năm 2017, hình thức COD chiếm 42,8% cho việc thanh toán khi mua hàng trực tuyến ở Việt Nam, 47% ở Philippines, và 20,6% ở Indonesia.

Hãng DHL tiếp tục duy trì hình thức COD tại thị trường các nước thuộc ĐNA nhắm vào đối tượng khách hàng không tiếp cận dịch vụ ngân hàng - Ảnh: Thierry Tronnel/Corbis via Getty Images
Hãng DHL triển khai hình thức COD tại thị trường các nước thuộc ĐNA nhắm vào đối tượng khách hàng không tiếp cận dịch vụ ngân hàng - Ảnh: Thierry Tronnel/Corbis via Getty Images

“Chúng tôi nhận thấy một tỷ lệ rất thấp người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng ở các thị trường thuộc khu vực ĐNA”, ông Charles Brewer, Tổng giám đốc DHL eCommerce cho biết.

“Chính vì vậy, các nhà bán lẻ trên nền tảng TMĐT buộc phải cung cấp các giải pháp thanh toán thay thế, và COD được nhiều bên lựa chọn bởi nó tiếp cận được một nhóm lớn các khách hàng không sử dụng dịch vụ ngân hàng”.

Ship COD – Đối thủ đáng ngại cho phát triển TMĐT tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hình thức “Phát hàng thu tiền hộ - COD” hiện rất phổ biến bởi hầu hết những khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc mua hàng online đều ưa chuộng hình thức này. Ngoài lý do không có thẻ tín dụng, thì vẫn còn một nguyên nhân quan trọng khác, đó là người mua chưa thật sự đặt niềm tin vào người bán hàng. Vì vậy, họ muốn kiểm tra món hàng nhận được trước khi thanh toán để hạn chế rủi ro về mình.

COD cũng được khách hàng tại Việt Nam ưu tiên lựa chọn khi thanh toán - Ảnh: VN Post
Ship COD cũng được khách hàng tại Việt Nam ưu tiên lựa chọn khi thanh toán - Ảnh: Vietnam Post

Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương công bố cuối năm 2020 thì có đến 77% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm và 92% người mua hàng trực tuyến sử dụng Internet cho mục đích tìm kiếm thông tin khi mua hàng trực tuyến.

Đáng chú ý là, kết quả khảo sát cho thấy, có tới 86% người mua hàng trực tuyến ưu tiên lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) trong khi chỉ có 39% chọn thanh toán qua internet banking và 17% chọn thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Điều này cho thấy xu hướng “Ship - COD” vẫn chưa hạ nhiệt và sẽ có thể tiếp tục tăng cao trong ít nhất 5 năm tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về TMĐT đều có chung nhận định, với việc chính phủ Việt Nam hiện đang thúc đẩy quá trình phát triển TMĐT nhằm bắt nhịp với thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì nếu người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ giao vận còn tiếp tục duy trì tỷ lệ COD quá cao thì TMĐT rất khó đạt được sự tăng trưởng nhanh như kỳ vọng.

Việt Nam cần thúc đẩy nhiều giải pháp để có thể phát triển TMĐT mạnh mẽ trong thời gian tới - Ảnh: Vietnam+
Việt Nam cần thúc đẩy nhiều giải pháp để có thể phát triển TMĐT mạnh mẽ trong thời gian tới - Ảnh: Vietnam+

Chính vì vậy, theo kết quả nghiên cứu “Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị” do nhóm tác giả Đỗ Thị Nhâm - Đỗ Thị Huệ - Nguyễn Thị Lan (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện năm 2020, thì rất cần những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời của nhà nước trong việc cải thiện khung pháp lý, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT cũng như đảm bảo an toàn cho các giao dịch TMĐT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm bởi đây là một trong các tiêu chí hàng đầu quyết định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, cũng như khả năng giữ chân khách hàng của doanh nghiệp.

Có như vậy, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng lên, hình thức COD giảm đi, và mục tiêu phát triển TMĐT của Việt Nam sẽ có thể đạt được kết quả như mong đợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI