Những cuốn phim gây tranh cãi không hồi kết
Gây dấu ấn tại LHP Cannes 2013 bởi những cảnh quan hệ đồng tính nữ táo bạo, Blue is the warmest ccolor của đạo diễn Abdellatif Kechiche mang về 3 giải Cành cọ vàng, góp phần khẳng định tên tuổi của ekip.
Thế nhưng, không lâu sau buổi trao giải, cả hai diễn viên chính là Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux đã lên tiếng chỉ trích Kechiche. Adele nói bộ phim khiến cô bị chấn thương tâm lý, trong khi đó, Seydoux cho rằng, những yêu cầu của Kechiche là “mù quáng” và bộ phim có nhiều cảnh nóng tới mức cô có cảm giác mình “như gái mại dâm”.
Tác giả cuốn sách, bà Julie Maroh cho rằng bộ phim đã làm hỏng tinh thần câu chuyện. Tất nhiên, Kechiche không ngồi im để mặc người khác ném đá ông.
|
Blue is the warmest color - sau khi gặt hái thành công tại LHP Cannes 2013, dàn diễn viên và đạo diễn từ mặt nhau. |
Ra đời năm 1979, The Tin Drum (Cái trống thiếc) dựa trên tiểu thuyết cùng tên, từng đoạt giải Nobel của Gunter Grass bị cấm chiếu tại Canada vì nội dung liên quan đến khiêu dâm trẻ em.
Crash (1996) của đạo diễn David Cronenberg - cuốn phim kỳ dị về một nhóm người tìm thấy khoái cảm tình dục sau những vụ đụng xe hơi khiến khán giả tại LHP Cannes la ó, The Secretary (2002) của Steven Shainberg xoay quanh đam mê tình dục của cô thư ký Lee và ông chủ; Nymphomaniac (2013) của Lars Von Trier - phơi bày bản năng tình dục của con người trong 4 bức tường bí mật thông qua hoạt động bạo dâm, quan hệ với nhiều người; Love (2015) của Gasper Noé phô bày cảnh quan hệ trực diện khiến khán giả phải bỏ về,…
Gần đây nhất là cuốn phim chẳng có chút nghệ thuật nào ngoài những cảnh nóng gợi tò mò - 50 sắc thái.
|
Love của Gasper Noé gây tranh cãi từ poster phim cho đến nội dung. |
Rõ ràng, lịch sử điện ảnh, từ Đông sang Tây, có rất nhiều bộ phim chứa đầy cảnh nóng thô bạo, trần trụi và gây tranh cãi. Không chỉ là những cuốn phim nhỏ lẻ, kinh phí thấp với đạo diễn ít tên tuổi mà kể cả những bộ phim lớn, quy tụ các ngôi sao hạng A. Vấn đề được đặt ra ở đây là, có bao nhiêu nhà làm phim sẵn sàng trao đổi với diễn viên, đặc biệt là diễn viên nữ, về toàn bộ quá trình thực hiện cảnh nóng để họ chuẩn bị tâm lý?
Không ít nhà làm phim sẵn sàng giấu diễn viên để có được những cảnh quay chân thực nhất như Bernado Bertolucci từng nói về vai diễn của Maria Schneider: “Tôi muốn cô ấy phản ứng như một cô gái thay vì là một diễn viên” trước cảnh làm tình kinh điển với miếng bơ gây tranh cãi không hồi kết giữa Schneider và Marlon Brando trong Last Tango in Paris (1972).
Năm 2011, trước lúc mất, Schneider tiết lộ, cảnh quay đó đã phá hủy hoàn toàn cuộc đời bà, khiến bà bị ám ảnh.
|
Cảnh làm tình gây nên tranh cãi không hồi kết trong Last Tango in Paris. |
Chia sẻ của Schneider một lần nữa đặt ra câu hỏi, trước những chỉ trích, chấn thương tâm lý của diễn viên, nghệ thuật liệu có trắng án?
Kim Ki Duk - đạo diễn Hàn Quốc - đã gây không ít tranh cãi khi dùng bạo lực ép diễn viên chính đóng cảnh nóng trong phim Moebius (Vòng tròn tội lỗi). Do không nằm trong phạm vi kịch bản, nữ diễn viên này từ chối và đã bị đạo diễn tát thẳng tay tại phim trường, cũng như mất vai diễn. Kim là đạo diễn tạo nên luồng sóng tranh cãi hai chiều. Đa phần người Hàn quay lưng vì các tác phẩm của ông thường bạo lực, cảnh tình dục táo bạo, thể hiện sự thù hằn đối với phụ nữ. Số hiếm hoi còn lại ủng hộ, cho rằng phim của ông đi sâu vào lý giải rằng nguồn cơn tội lỗi của phụ nữ đều bắt nguồn từ đàn ông.
|
Moebius bị cấm chiếu ở Hàn Quốc nhưng mang về cho Kim Ki Duk danh tiếng tại LHP Venice 2013, đồng thời khiến ông bị phòng công tố Seoul sờ gáy vì tội dùng bạo lực ép diễn viên đóng cảnh nóng. |
Người theo quan điểm vị nghệ thuật đặt sự thăng hoa lên hàng đầu. Chỉ có trong phạm vi nghệ thuật, ranh giới giữa thiện-ác, đạo đức và tội lỗi, thánh thiện và tục tằn nhân danh nghệ thuật mới khiến ranh giới khó phân định. Chỉ có trong nghệ thuật, cái ác mới được tụng xưng, bởi nó có vẻ đẹp lấp lánh riêng.
Người theo quan điểm vị nhân sinh phản biện, nghệ thuật để làm gì khi nó dày vò, hạ nhục, thậm chí hủy hoại cuộc đời một con người, phơi bày cơ thể trước rất nhiều người để thăng hoa? Nói một cách bóng bẩy, nghệ thuật trong trường hợp này cần sự hy sinh và đánh đổi bằng danh dự, bằng cuộc đời, nó cần nước mắt và máu vấy lên để tỏa sáng.
|
Scarlett Johansson - nữ diễn viên xinh đẹp, tài năng của Hollywood quyết tâm rũ bỏ hình ảnh quyến rũ, tham gia những phim bom tấn, siêu anh hùng, khẳng định quyền chủ động và hình ảnh mạnh mẽ của nữ giới trên phim. |
Sâu xa hơn, nó phản ánh sự bất công dành cho các diễn viên nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh đậm đặc nam tính. Họ có thể bị tổn thương, bị xa lánh, khó tìm được hạnh phúc, thậm chí chỉ biết ngấm ngầm im lặng. Họ không thoát được những vai diễn phơi bày thân xác một khi đã xuất hiện với hình ảnh đó.
Họ nhận về những lời gạ gẫm, đánh đổi. Những cuộc chèn ép, lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp từ những tên tuổi lớn như Harvey Weistein, Billy Cosby, Woody Allen, Roman Polanski… đều bắt nguồn từ sự yếu thế này. Không ai tin tưởng, lắng nghe họ bởi họ chỉ là những tấm phù điêu trang trí trên thành công của các nam diễn viên, nam đạo diễn - xem tình dục hoặc chọn tình dục để phơi bày hiện thực trần trụi thuộc về bản năng con người, kéo con người ra khỏi ảo tưởng.
Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều nữ diễn viên tại Hollywood hiện nay mạnh dạn rũ bỏ hình ảnh xinh đẹp, quyến rũ, tìm cách thể hiện tài năng ở những vai diễn gai góc, mạnh mẽ hơn. Scarlett Johasson là tấm gương điển hình.
Những hy sinh không đòi hỏi
Tất nhiên, không phải nữ diễn viên nào cũng phàn nàn khi tham gia vào các phim có cảnh nóng trần trụi dù số phận của họ hẩm hiu không kém. Eiko Matsuda trong In the Realm Of The Senses (Vương quốc Nhục cảm, 1976) của cố đạo diễn Nagisa Oshima hay Thang Duy trong Lust, Caution (Sắc giới, 2007) của đạo diễn Lý An lại cho thấy một góc nhìn khác về sự hy sinh của phụ nữ khi dấn thân vào điện ảnh.
|
In the Realm Of The Senses - cuốn phim buộc nữ chính Eiko Matsuda phải sống tha hương 20 năm và chết trong cô đơn vì căn bệnh u não. |
Dựa trên câu chuyện có thật về vụ án mạng rúng động tại Nhật, In the Realm Of The Senses lấy bối cảnh tại Tokyo vào những năm 30. Phim xoay quanh Sada Abe, một gái điếm giải nghệ, làm phục vụ trong một quán rượu, vướng vào mối tình vụng trộm với chủ quán Kichizo Ishida. Hai người bị cuốn vào đam mê nhục dục mù quáng. Để có thể nhập vai, Matsuda phải uống rượu liên tục, thậm chí dùng cả thuốc tăng xông.
Lust, Caution lại kể về một nhóm sinh viên âm mưu ám sát gã tay sai cho Nhật, phản bội đất nước. Để tiếp cận gã đàn ông quyền lực này, Vương Giai Chi tìm cách khiến hắn say mê cô. Đạo diễn Lý An đã rất mạnh bạo sử dụng những góc máy cận và trung để thể hiện những cảnh làm tình của Thang Duy và Lương Triều Vỹ.
|
Thang Duy trong Lust, Caution cũng có số phận tương tự Eiko Matsuda |
Lạ lùng thay, dù cách nhau đến hơn 30 năm nhưng cả hai nữ chính, Matsuda và Thang Duy điều chịu chung số phận như nhau: sống lưu vong và không được xuất hiện trên bất cứ tác phẩm điện ảnh nào của Nhật Bản hay Trung Quốc.
Thang Duy có lẽ may mắn hơn Matsuda khi cô tìm được người chồng, một đạo diễn Hàn Quốc hiểu chuyện, cảm thông với vợ, trong khi Matsuda chết trong cô đơn nơi xứ người vì căn bệnh u não. Nhưng tận sâu trong trái tim, cả hai diễn viên chưa bao giờ oán trách vai diễn hay bộ phim. Bởi họ hiểu, sự hy sinh đó là xứng đáng. Matsuda từng nói với một tờ nhật báo rằng, In The Realm Of The Senses là tác phẩm ưng ý nhất “trong từng cảnh nóng” suốt trong 6 năm theo đuổi sự nghiệp diễn xuất của cô.
Trailer phim Lust, Caution:
Nghệ thuật và đạo đức - hai phạm trù ấy va vào nhau, có khi hỗ trợ, có khi tương phản nhau. Nhưng nó thăng hoa, làm diễn viên tự hào hay khiến họ cảm thấy tội lỗi, chìm trong bế tắc và tuyệt vọng tùy thuộc vào cách những người dựng nên nó. Suy cho cùng, không có cái ác, cái trần trụi, cái bản năng, người ta sẽ không biết cách nâng niu cái đẹp, cái thánh thiện. Dĩ nhiên, triết lý này không bao gồm việc nhân danh nghệ thuật mà phá hủy cuộc đời một ai đó.
Lê Phan