Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

08/03/2024 - 19:02

PNO - Chiều 8/3, lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) cho biết, mới đây trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy và chuẩn bị các bước cần thiết phục vụ cho đợt diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng… các cán bộ đã ghi nhận 4 cá thể sếu đầu đỏ về sinh sống tại phân khu A5.

Thời gian 4 cá thể sếu đầu đỏ đáp xuống bãi ăn là khoảng 30 phút, sau đó bay về hướng phân khu A4.

Trong lúc khảo sát, cán bộ đã dùng điện thoại quay một số hình ảnh để phục vụ công tác nghiên cứu.

Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Hùng
Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Hùng

Hiện tại, đội ngũ cán bộ chuyên môn của Vườn quốc gia Tràm Chim theo dõi chặt tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác (nơi sếu từng kiếm ăn) cũng như các vùng lân cận, để giám sát và có định hướng quản lý phù hợp. Lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim cũng phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào rừng bắt ong, khai thác tài nguyên bên trong rừng hay làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ. Ngoài ra, tăng cường bổ sung thêm nguồn thức ăn phụ (lúa) cho sếu khi quần thể sếu đã ổn định, nhằm thu hút sếu về đông hơn.

Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi hệ sinh thái, đặc biệt các bãi năn, thức ăn của sếu đầu đỏ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đến kiếm ăn.

Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim
Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim

Trước đó, ngày 3/11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032” nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.

Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu, với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.

Đồng Tháp đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Giai đoạn 2029 - 2032, sẽ đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Cùng với đó, xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn quốc gia Tràm Chim. Cán bộ kỹ thuật của Vườn quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc sếu thành công và cho sinh sản, thả về thiên nhiên…

                                                                                                Ánh Nguyệt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI