Sếp “nhường cơm sẻ áo” với nhân viên

09/08/2014 - 10:40

PNO - PN - Biết được mức lương quá thấp (7,25 USD/giờ) của 24 nhân viên vệ sinh, chăm sóc cây cối đang phục vụ tại Đại học bang Kentucky (Mỹ), Chủ tịch trường là ông Raymond Burse quyết định dành hẳn 112.000 USD từ mức lương gần 350.000...

Sep “nhuong com se ao” voi nhan vien

Chủ tịch Đại học bang Kentucky, Mỹ, ông Raymond Burse - Ảnh: Facebook

Như vậy, mức lương còn lại của ông Raymond là khoảng 240.000 USD. Cũng từ đó, trường quy định mức lương này cho các vị chủ tịch về sau ở Đại học Kentucky. Ông Raymond Burse từng là Chủ tịch Đại học này từ năm 1982-1989. Sau đó, ông là một trong những quản lý cấp cao của General Electric trong hơn 20 năm. Một năm qua, ông giữ vị trí chủ tịch tạm thời của trường. Ông Raymond Burse nói: “Họ phải làm công việc tay chân nặng nhọc nhưng lương lại quá thấp. Việc chia sẻ với họ là điều nên làm chứ không có gì to tát”. Trước tấm lòng của Chủ tịch Raymond Burse, Anny, nhân viên lau dọn vệ sinh của trường cho biết: “Tôi không rõ mức lương của chủ tịch bao nhiêu, nhưng thật bất ngờ khi biết chúng tôi được đồng loạt tăng lương. Nhờ vậy, chúng tôi bớt lo lắng về chi tiêu hàng ngày. Cuộc sống hiện nay khá khó khăn”.

Raymond Burse không phải là người sếp đầu tiên biết chia sẻ với nhân viên, cấp dưới của mình. Tháng Tư vừa qua, doanh nhân người Anh Simon Wolfson, Giám đốc Điều hành công ty kinh doanh thời trang Next đã dành hẳn bốn triệu bảng (khoảng 6,7 triệu USD) trong thu nhập của mình để góp vào quỹ lương của nhân viên công ty, giúp mức lương của họ tăng đồng đều 1,5%. Tổng cộng, có 20.000 nhân viên làm việc cho công ty từ ba năm trở lên đã được hưởng lợi từ quyết định này. Simon Wolfson nói: “Số tiền ấy có thể không nhiều với những người khác, nhưng nó có thể giải quyết được nhiều vấn đề cho những nhân viên vẫn tận tụy đóng góp vào giá trị của công ty. Đây được xem là cú hích tinh thần để họ gắn kết và toàn tâm toàn ý với công ty hơn nữa”. Sau đợt tăng lương này, công việc kinh doanh của Next có vẻ tiến triển hơn với doanh thu đạt mức 1,2 tỷ USD. Sếp Simon Wolfson cho biết thêm, trong ba năm qua, chính nhờ những nhân viên lao động chăm chỉ mà công ty mới đạt mức doanh thu ấn tượng, đẩy giá cổ phiếu Next tăng mạnh trên thị trường. Vì thế, việc chia sẻ lại thu nhập cho họ là điều hoàn toàn hợp lý.

Sep “nhuong com se ao” voi nhan vien

Simon Wolfson được cho là người tạo nên trào lưu chia thưởng bù lương nhân viên ở Anh - Ảnh: Guardian

Simon Wolfson là người đầu tiên ở Next chia sẻ thu nhập của mình để tăng lương nhân viên. Ông được xem là người tạo ra xu hướng lấy phần lớn chia thành nhiều phần nhỏ cho nhân viên. Trước đó, có một số nhân sự cấp cao của các công ty tên tuổi lớn trên thế giới tự nguyện nhận mức thưởng thấp hơn, nhằm chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, như Terry Duddy, Giám đốc Điều hành của Home Retail Group (Anh), hoặc Giám đốc Điều hành Tesco Philip Clarke cũng từng tự nguyện nhận thưởng thấp để lấy số tiền đó phục vụ cho tái cơ cấu doanh nghiệp.

Năm 2012, công ty sản xuất máy tính hàng đầu của Trung Quốc là Lenovo được mọi người nhắc đến nhờ quyết định của Giám đốc Điều hành Yang Yuanqing dành tặng phần thưởng ba triệu USD cho 10.000 nhân viên, hầu hết ở khối văn phòng, công nhân tại các xưởng sản xuất trực tiếp và nhân viên trực điện thoại bán hàng qua mạng.

Nhiều chuyên gia về nhân sự nhận định, ngoài mục đích chia sẻ của các lãnh đạo cấp cao trong những trường hợp trên, đây còn là cách nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, tạo nên những câu chuyện ấn tượng, thu hút sự chú ý của cộng đồng. Mặt khác, đây còn là cách để giữ chân người lao động.

 THIÊN ANH

(Theo Time, Retail-Week, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI