SEA Games của những nữ chiến binh truyền cảm hứng

17/05/2023 - 05:48

PNO - Tiếp nối những thành tích ở các kỳ SEA Games trước, trong kỳ SEA Games 32 này (diễn ra ở Campuchia từ ngày 5 - 17/5), các vận động viên nữ Việt Nam tiếp tục lập những thành tích vang dội, làm nức lòng giới mộ điệu thể thao nước nhà và khu vực. Tính đến 20g26 ngày 16/5, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 135 huy chương Vàng, trong đó nữ giành 60 huy chương Vàng và góp 13 huy chương vàng trong các môn phối hợp nam nữ.

Điền kinh gặt "vàng", xua tan đám mây doping

Ngay trước lễ khai mạc SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia đã công bố danh tính 10 vận động viên (VĐV) dính doping ở SEA Games 31 mà một nửa trong số đó là VĐV Việt Nam và cả 5 người (đều là VĐV điền kinh, 4 trong số đó là nữ). 

Nhắc lại chi tiết không vui này để cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn về những pha tăng tốc, bứt phá không tưởng của những VĐV điền kinh Việt.

Nguyễn Thị Oanh biến “không thể” thành “có thể”

Nguyễn Thị Oanh với biệt danh “hạt tiêu” đã trở thành VĐV nổi bật nhất đoàn thể thao Việt Nam ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này. Cô đi vào lịch sử khi trở thành VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam đoạt 4 huy chương Vàng (HCV) tại một kỳ SEA Games, đồng thời trở thành VĐV đầu tiên trên thế giới đoạt 2 HCV 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ cách nhau 20 phút. 

Thật ra, từ năm 2019-2023, Oanh “hạt tiêu” - nhà vô địch của những nhà vô địch - luôn biến những điều không thể thành có thể khi liên tiếp chiến thắng cả hai nội dung dù phải thi đấu trong 1 ngày. Cụ thể, ở SEA Games 30, Oanh đoạt 2 HCV 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật cách nhau 4 giờ. Ở SEA Games 31, Oanh đoạt 2 HCV 1.500m và 5.000m cách nhau 8 giờ.

10g ngày 17/5, các “cô gái vàng” điền kinh Việt Nam sẽ được vinh danh trong lễ mừng công và khen thưởng do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức tại khách sạn Hyatt Regency West Hanoi (TP Hà Nội).

Trong giải vô địch quốc gia năm 2021, Oanh giành 2 HCV 1.500m và 5.000m cách nhau 7 giờ, đồng thời phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 18 năm của Đoàn Nữ Trúc Vân ở cự ly 5.000m, nhanh hơn Trúc Vân 19 giây. Trong giải vô địch quốc gia năm 2020, Oanh đoạt HCV 3.000m vượt chướng ngại vật và 10.000m cách nhau 5 giờ, phá kỷ lục quốc gia môn chạy 10.000m cũng do Trúc Vân nắm giữ suốt 17 năm, nhanh hơn Trúc Vân  39 giây. Và ở kỳ SEA Games này là kỷ lục mới. 

Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh lại chiến thắng cách biệt và tiếp tục bỏ xa đối thủ về nhì ở cả 4 lần về đích, lần lượt ở các nội dung 5.000m, 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 10.000m.

Nguyễn Thị Huyền đoạt nhiều huy chương vàng nhất làng điền kinh SEA Games

Trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp từ 28 đến 31, mỗi kỳ SEA Games, Nguyễn Thị Huyền đều giành cú đúp HCV 2 nội dung 400m và 400m rào. Ngoài ra, Huyền còn 2 lần góp mặt trong đội hình giành HCV 4 x 400m nữ. Có nghĩa là, trước khi đến Campuchia lần này, Nguyễn Thị Huyền đã sở hữu 10 HCV SEA Games, chỉ kém 1 HCV so với Triyaningsih của Indonesia - VĐV đang giữ kỷ lục đoạt 11 HCV điền kinh SEA Games trong giai đoạn 2007-2017 ở các nội dung 5.000m, 10.000m và marathon.

Tối 8/5, Huyền đã giành HCV nội dung tiếp sức 4 x 400m  hỗn hợp nam nữ, cân bằng kỷ lục với Triyaningsih. Ngày 11/5, với HCV 400m rào nữ, cô gái quê Nam Định cán mốc 12 HCV SEA Games, lập kỷ lục đoạt nhiều HCV điền kinh SEA Games nhất. Thành tích này càng quý giá hơn khi Huyền chỉ vượt qua VĐV nhập tịch rất mạnh của Philippines - Robyn Brown - ở vài mét cuối cùng.

Ngày 12/5, với chiếc HCV nội dung 4 x 400m tiếp sức nữ, Huyền có tổng cộng 3 HCV, 1 huy chương Bạc (HCB) ở SEA Games 32, phá kỷ lục của chính mình để thiết lập kỷ lục mới: VĐV điền kinh có HCV nhiều nhất SEA Games với 13 HCV, hơn Nguyễn Thị Oanh đúng 1 HCV. Nghĩa là, ở SEA Games 32, điền kinh Việt Nam có 2 VĐV là Nguyễn Thị Huyền (13 HCV) và Nguyễn Thị Oanh (12 HCV) phá kỷ lục 11 HCV tồn tại trong 6 năm của VĐV Triyaningsih.

Nguyễn Thị Huyền càng khiến mọi người thán phục hơn khi lập nên chuỗi thành tích đoạt HCV trong 5 kỳ SEA Games liên tiếp từ năm 2015-2023. Trong đó, năm 2018, cô gái sinh năm 1993 này chỉ nghỉ 3 tháng sau khi sinh con để ra sân tập luyện và sau đó giành 2 HCV ở SEA Games Philippines 2019.

Trung úy Nguyễn Linh Na hoãn cưới, bảo vệ thành công huy chương vàng 7 môn phối hợp

7 môn phối hợp là nội dung khó nhất của điền kinh nữ. Các VĐV phải tranh tài 7 môn gồm chạy 100m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m trong 2 ngày.

Linh Na và bạn trai đều là quân nhân chuyên nghiệp, yêu nhau đã hơn 8 năm và đầu năm nay, gia đình bạn trai đi xem ngày, dự định tổ chức đám cưới vào cuối tháng 3/2023. Do sợ ảnh hưởng thành tích, không thể bảo vệ thành công danh hiệu vô địch SEA Games, Linh Na xin phép gia đình bạn trai hoãn cưới. Nhà trai đồng ý ngay và Linh Na đã đoạt HCV SEA Games 32. 

Ngoài những cái tên Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Linh Na, còn có nhiều nữ VĐV điền kinh Việt Nam tạo dấu ấn đặc biệt, truyền cảm hứng về ý chí kiên cường, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã. Đó là Nguyễn Thị Thu Hà - 21 tuổi, lần đầu dự SEA Games và đã đoạt HCV nội dung chạy 800m nữ. Tấm HCV này càng có giá trị khi trước đó, trong kỳ SEA Games 31, VĐV Khuất Phương Anh của Việt Nam đã giành HCV nội dung này nhưng bị tước huy chương do dính doping. 

Có thể kể thêm, Trần Thị Nhi Yến (18 tuổi) lần đầu dự SEA Games, đã giành được 1 huy chương đồng, 1 HCB môn chạy nội dung 100m và 200m. Trong khi đó “nữ hoàng tốc độ” Tú Chinh sau 1 năm chấn thương, vừa trở lại thi đấu đã cùng đồng đội đoạt HCB nội dung 4 x 100m.

“Mưa vàng" các môn bóng rổ, bóng bàn, bóng đá, taekwondo

Chị em Việt kiều sinh đôi giành “vàng” môn bóng rổ

Các cô gái xinh đẹp, tài năng của Việt Nam đã có trận đấu nghẹt thở, kịch tính để  giành HCV nội dung bóng rổ 3 x 3 tại SEA Games 32 và đây là chiếc HCV SEA Games đầu tiên của bóng rổ Việt Nam.

Khi trận đấu chỉ còn tính bằng giây, đội Việt Nam đã liên tục dẫn điểm từ các pha ném bóng chính xác của Thảo My, Thảo Vy. Cuối cùng là pha thoát xuống dũng mãnh của Thảo Vy để có cú ném kỹ thuật đem về thắng lợi chung cuộc với tỉ số 21 - 16 cho tuyển bóng rổ nữ Việt Nam. 

Thảo Vy và Thảo My là chị em sinh đôi Việt kiều Mỹ. Trong trận thắng này, Thảo Vy đã thi đấu xuất thần, liên tục có nhiều pha ghi 2 điểm đồng thời cản phá hiệu quả trước sức tấn công của các cô gái cao to Philippines. Sự ăn ý của chị em Thảo My, Thảo Vy cùng đồng đội đã khiến đối thủ phải nhiều lần phạm lỗi và ném bóng không chính xác. Đôi chị em này từng sở hữu nhiều danh hiệu ở Mỹ, nhưng tấm HCV SEA Games này thật đặc biệt khi đó là chiếc HCV mà 2 người có được trong màu áo đội tuyển Việt Nam.  

Mồ côi cha, đoạt huy chương vàng bóng bàn đúng Ngày của mẹ

Trần Mai Ngọc và đồng đội Anh Hoàng đã vô địch đôi nam nữ và đây là chiếc HCV đầu tiên sau 26 năm của bóng bàn Việt Nam kể từ sau khi đôi Vũ Mạnh Cường và Ngô Thu Thủy vô địch tại SEA Games Jakarta 1997.

Mai Ngọc cho biết, cô mồ côi cha từ năm 4 tuổi, gia đình nghèo, lúc nhỏ không hề thích bóng bàn. Năm lên 11 tuổi, Ngọc và em gái được các bác đưa từ tỉnh Bình Dương ra TP Hà Nội và đi theo con đường bóng bàn chuyên nghiệp từ đó. Trong suốt những năm tháng luyện tập và thi đấu, mỗi năm, chị em Ngọc chỉ về thăm nhà 1 lần vào dịp tết. Mỗi lần về, 2 chị em gửi hết tiền dành dụm từ lương, thưởng cho mẹ. Ngày Mai Ngọc đăng quang ở SEA Games 32 cũng đúng vào Ngày của mẹ (14/5).

Bóng đá nữ với cú “ăn 4” đi vào lịch sử

Thắng đội tuyển nữ Myanmar thuyết phục 2-0 trong trận chung kết tối 15/5, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã đoạt HCV SEA Games 32. Đây là HCV thứ tư trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp (các năm 2017, 2019, 2021, 2023) và là chiếc HCV thứ tám trong 13 lần dự SEA Games. Đây cũng là lần thứ mười có mặt ở trận chung kết của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Các nữ cầu thủ chụp hình cùng lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá TPHCM ảnh: N.Quang
Các nữ cầu thủ chụp hình cùng lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá TPHCM - Ảnh: N.Quang

Với những thành tích vượt trội ở SEA Games, bóng đá nữ Việt Nam vững chắc ở ngôi vị số 1 Đông Nam Á, hơn hẳn Thái Lan (5 HCV) và lập kỷ lục vô địch SEA Games liên tiếp 4 lần.

Trước đó, ngày 6/2/2022, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã giành được tấm vé tham dự vòng chung kết World Cup 2023 - giải bóng đá nữ đỉnh cao và danh giá nhất "thế giới. 

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao: Các nữ vận động viên đã truyền cảm hứng lớn cho cộng đồng

Thành công của thể thao Việt Nam từ trước đến nay có tới một nửa hoặc hơn nửa là sự đóng góp của các nữ VĐV. Tấm HCB đầu tiên của Việt Nam tại Thế vận hội Olympic là do nữ VĐV taekwondo Trần Hiếu Ngân giành được (Olympic Sydney 2000). Sau này các nữ VĐV điền kinh, cầu mây, đua thuyền đã giành được rất nhiều HCV tại các kỳ đại hội thể thao châu lục (như Asian Games). VĐV giành số HCV nhiều nhất tại SEA Games từ trước tới nay cũng là một nữ VĐV - Nguyễn Thị Ánh Viên môn bơi lội.

Ở những môn điền kinh, HCV mà các nữ VĐV giành được tại các kỳ SEA Games gần đây chiếm tới 2/3 tổng số HCV của Việt Nam. Những cái tên như Nguyễn Thị Oanh, Vũ Thị Hương... đã quá quen thuộc với người hâm mộ. Đặc biệt là Nguyễn Thị Oanh, thành tích và tinh thần thi đấu của cô tại SEA Games 32 cũng như các kỳ tại SEA Games trước đó đã truyền cảm hứng đến cả cộng đồng. Hay sự đóng góp, truyền cảm hứng rất lớn từ các cầu thủ nữ khi đội tuyển nữ Việt Nam 8 lần vô địch SEA Games, đặc biệt là 4 lần liên tiếp giành cúp vàng ở đấu trường này. 

M.Tâm (ghi)

TPHCM dành một số chế độ ưu tiên cho vận động viên nữ cao hơn nam 10% 

Tháng 4/2022, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 05 (NQ) về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, VĐV của TPHCM. Sau gần một năm triển khai, theo ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM - NQ tạo đột phá và được người dân thành phố ủng hộ, nhất là các VĐV, huấn luyện viên và nhân lực ngành thể thao. “NQ là nền tảng, cơ sở để giữ chân nhân tài, như một chất xúc tác giúp nâng cao chất lượng tập luyện và thi đấu của VĐV” - ông Cao Thanh Bình nói. Đặc biệt là NQ thể hiện sự quan tâm đến bình đẳng giới, qua một số chế độ ưu tiên cho VĐV nữ cao hơn nam 10%. 

Theo ông Đoàn Công Tuấn - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 - do đặc thù, một số trung tâm thể thao ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức không có nhiều điều kiện để tự chủ tài chính, xã hội hóa khiến đôi khi không có nguồn chi bảo đảm cho VĐV thi đấu. NQ cho phép các quận, huyện có khoản chi khuyến khích lớn sẽ bù đắp được cho các khoản chi đầu tư cho các em.

T.Dân (ghi)

Các nữ cầu thủ bóng đá còn chịu nhiều thiệt thòi

Thành công trên trường quốc tế nhưng các nữ cầu thủ bóng đá vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Cựu tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Nguyệt - hiện là một giáo viên thể dục của một trường ở Hà Nội - chia sẻ: “Tôi cho rằng các em cầu thủ đang chịu khá nhiều thiệt thòi so với cầu thủ nam dù thành công trên đấu trường quốc tế nhiều và nổi bật hơn hẳn. Các em cầu thủ hiện tại có được cải thiện hơn đôi chút về thu nhập nhưng chưa đáng là bao, sự quan tâm của xã hội cũng chỉ theo thời điểm. Sau mỗi thành công, mọi chuyện rồi sẽ đâu lại vào đó. Như thế rất khó để thuyết phục các gia đình cho con em theo nghiệp cầu thủ vốn rủi ro cao và dễ thất nghiệp”. 

Huấn luyện viên Phạm Hùng Vương - Câu lạc bộ Bóng đá nữ Hà Nội - cho biết: “Hầu như các câu lạc bộ bóng đá nữ đều có chế độ lương theo quy định của nhà nước, thấp và chỉ đủ trang trải sinh hoạt cá nhân, không tích góp được cho cuộc sống sau khi giải nghệ. Điều kiện tập luyện cũng rất kém. Hiện tại các VĐV thường phải bán hàng online kiếm thêm thu nhập, việc tập luyện và thi đấu ít nhiều bị ảnh hưởng, khó tập trung dẫn đến thành tích không tốt, không phát huy được hết khả năng...”.

Các nhà chuyên môn đều cho rằng Nhà nước cần có hỗ trợ riêng, đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, tác động để các đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến các VĐV nữ trong thời gian họ tập luyện, thi đấu cũng như cả sau khi giải nghệ. Chỉ có như thế, các VĐV mới có thể chuyên tâm hơn vào tập luyện, thi đấu, cống hiến hết sức để có thành tích cao. 

Bảo Khang

Đặng Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI