Điền kinh nữ thâu tóm huy chương vàng
Ở tất cả bộ môn mà Đoàn thể thao Việt Nam tham dự, các nữ vận động viên (VĐV) đều để lại dấu ấn đậm nét với những màn thi đấu xuất sắc. Trong đó, ấn tượng nhất là sự tỏa sáng của các nữ VĐV môn điền kinh với 22 huy chương vàng (HCV) để lần thứ ba liên tiếp độc chiếm ngôi đầu các kỳ SEA Games.
Bắt đầu tham dự SEA Games từ năm 1989 nhưng phải đến SEA Games 1995, điền kinh Việt Nam mới có tấm HCV đầu tiên, do nữ VĐV Vũ Bích Hường đoạt được trên đường chạy 100m rào. Sau rất nhiều thăng trầm, điền kinh Việt Nam đã dần vươn lên top đầu Đông Nam Á.
|
Các nữ vận động viên đội tuyển 4 x 400m tiếp sức giành huy chương vàng với thành tích 3 phút 27 giây 99 - Ảnh: Huy Hùng |
Ở SEA Games năm 2017, lần đầu tiên, điền kinh Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với 17 HCV. Năm 2019, điền kinh Việt Nam tiếp tục thống trị khu vực, bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn với 16 HCV. Ở kỳ SEA Games năm nay, sự thăng hoa của các VĐV giúp điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ ngôi vị số 1 Đông Nam Á, giành tới 22 HCV, 44 huy chương các loại, lập tám kỷ lục SEA Games và ba kỷ lục quốc gia.
Trong số 22 HCV này, các nữ VĐV đã giành được 14 HCV, chiếm 2/3 tổng số HCV ở bộ môn điền kinh. Các “cô gái vàng” của Việt Nam tiếp tục vượt mặt kình địch Thái Lan và Philippines bất chấp đối thủ có những VĐV nhập tịch.
Trong thành tích tuyệt vời ấy, phải kể đến sự thi đấu xuất sắc của các nữ VĐV Phạm Thị Hồng Lê (môn chạy, cự ly 10km nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ, 20km nữ), Nguyễn Thị Oanh (chạy 3.000m vượt chướng ngại vật, chạy 1.500m và chạy 5.000m nữ). VĐV Nguyễn Thị Oanh cũng phá luôn kỷ lục SEA Games ở cự ly chạy 3.000m vượt chướng ngại vật do chính mình lập ra ở SEA Games 30 với thành tích 9 phút 52 giây 44 (kỷ lục cũ là 10 phút 0 giây 02). Bên cạnh đó là HCV của Nguyễn Thị Huyền ở môn chạy, cự ly 400m và 4 x 400m, HCV của Quách Thị Lan ở môn chạy, cự ly 400m rào.
Cũng phải kể đến HCV của Lò Thị Hoàng ở môn ném lao. Nữ VĐV này đã phá kỷ lục ném lao SEA Games tồn tại 15 năm qua với thành tích 56,37m. Nguyễn Linh Na giành HCV ở nội dung bảy môn phối hợp với 5.415 điểm, lập kỷ lục quốc gia nữ, đồng thời phá kỷ lục cũ (5.350 điểm) do Nguyễn Thị Thu Cúc thiết lập tại SEA Games năm 2005.
Ở SEA Games 31, không chỉ nhiều hơn các đoàn khác tới hơn 100 huy chương các loại, Đoàn thể thao Việt Nam còn giành được 206 HCV (tính đến tối 22/5), nhiều hơn đội xếp thứ hai là Thái Lan tới 115 HCV. Đáng nói là, cho đến nay, không có bất kỳ tranh cãi, khiếu nại nào liên quan đến công tác trọng tài dù điều này từng xảy ra thường xuyên ở các kỳ SEA Games trước đó. Những tấm huy chương mà VĐV Việt Nam giành được kỳ này đều xứng đáng và được đối thủ khâm phục.
“Mưa” huy chương vàng môn cử tạ, đạp xe, lặn, võ thuật
Bên cạnh thành tích “khủng” của điền kinh, các nữ VĐV của Việt Nam còn ghi dấu ấn đậm nét trong nhiều môn thi đấu khác.
Ở môn cử tạ, VĐV Hoàng Thị Duyên vừa giành HCV, vừa phá kỷ lục SEA Games ở nội dung cử giật với thành tích 96kg. Ở môn lặn vòi hơi chân vịt, kình ngư Phạm Thị Thu về nhất ở nội dung 100m đơn nữ với thành tích 40 giây 41, lập kỷ lục mới ở SEA Games; kình ngư Cao Thị Duyên giành HCV ở nội dung 100m đôi nữ, đồng thời phá kỷ lục SEA Games với thành tích 49 giây 04.
Ở môn thi đòi hỏi sức mạnh và sức bền như đua xe đạp, cua-rơ Nguyễn Thị Thật đã giành HCV nội dung xuất phát đồng hàng cá nhân. Ở nội dung xuất phát đồng hàng đồng đội, Nguyễn Thị Thật tiếp tục cùng Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Thu Mai và Bùi Thị Quỳnh giành HCV.
Võ thuật lâu nay luôn là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam. Lần này cũng vậy. Các nữ võ sĩ của Việt Nam tiếp tục thi đấu xuất sắc và giành HCV ở hầu hết môn thi. Người mở hàng HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là nữ võ sĩ xinh đẹp Tô Thị Trang ở môn Kurash. Ngay sau đó, bộ ba Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Huyền và Vương Thị Bình giành HCV môn Pencak Silat, nội dung biểu diễn đồng đội nữ.
Ở môn Wushu, các nữ VĐV Ngô Thị Phương Nga, Nguyễn Thị Thu Thủy đã đoạt HCV nội dung tán thủ; Dương Thúy Vi đoạt HCV nội dung kiếm thuật…
Bóng đá nữ tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ
Tham dự SEA Games 31 ở vị thế là đội đương kim vô địch, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Mai Đức Chung, đội tuyển (ĐT) bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục thi đấu bùng nổ và lần lượt vượt qua vòng bảng cũng như vòng bán kết một cách đầy thuyết phục để vào chung kết gặp lại đối thủ kình địch Thái Lan.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) chụp hình lưu niệm cùng đội tuyển nữ Việt Nam sau trận thắng Thái Lan để lên ngôi vô địch bóng đá nữ SEA Games 31 - Ảnh: Bảo Khang |
Ở lần thứ năm liên tiếp chạm trán nhau trong trận chung kết, ĐT nữ Việt Nam lại tiếp tục giành chiến thắng một cách thuyết phục với pha lập công duy nhất của tiền đạo Huỳnh Như. Chỉ một bàn thắng cũng đủ để làm nổ tung sân Cẩm Phả và khiến những người hâm mộ bóng đá Việt Nam trên cả nước sung sướng phát cuồng.
Sau thành tích giành vé dự World Cup nữ năm 2023, chiếc HCV SEA Games 31 một lần nữa khẳng định, ĐT nữ Việt Nam xứng đáng là số 1 của bóng đá nữ Đông Nam Á.
|
Niềm vui của các “cô gái Vàng” Việt Nam sau khi bảo vệ ngôi Hậu tại SEA Games 31 - Ảnh: Bảo Khang |
Nữ cầu thủ Ngọc Châm - từng đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam - nhận xét: “Cầu thủ Việt Nam chơi quá xuất sắc, nhất là hàng tiền vệ. Tôi thực sự ấn tượng về Dương Thị Vân. Em ấy là chốt chặn quan trọng nhất trước hàng phòng ngự. Tuy có thân hình nhỏ bé nhưng Vân chạy chỗ, tranh chấp, cướp bóng, chuyền bóng rất hay, không biết mệt mỏi. Gần như mọi công việc trên sân đều qua đôi chân của Vân. Dù đóng vai trò phòng ngự, trong pha ghi bàn của tiền đạo Huỳnh Như, chính Vân đã cướp bóng rồi chọc khe, kiến tạo”.
Cựu tiền vệ Văn Thị Thanh thì cho rằng, toàn đội đã chơi xuất sắc và người hay nhất là Huỳnh Như: “Tôi cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hôm nay Huỳnh Như ghi bàn. Trước đây, tôi từng nói rằng, cô ấy là cầu thủ của những trận cầu lớn. Trong trận chung kết này, Huỳnh Như chính là người đội trưởng biết xuất hiện đúng lúc”.
Thể thao Việt Nam có thể vươn cao hơn Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, SEA Games 31 đã thành công với nhiều điểm vượt ngoài mong đợi. Tất cả các nội dung thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam đều đạt được kết quả tốt, thành tích cao hơn so với chỉ tiêu đề ra. Theo ông, một trong những yếu tố đóng góp vào sự thành công này là sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Theo Phó thủ tướng, điều quan trọng nhất ở kỳ SEA Games này là ban tổ chức ưu tiên cho các môn thi đấu của Olympic, Asian Games, cuối cùng mới đến những môn thể thao khu vực. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã tạo ra được một sân chơi sòng phẳng. Với những gì đã thể hiện, Đoàn thể thao Việt Nam cho thấy đã đi đúng hướng, hội nhập chứ không phải dựa vào những môn thi đấu mà đội nhà có lợi thế. Công tác chuẩn bị, tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp cũng là một trong những điểm cộng tại SEA Games 31. Phó Thủ tướng khẳng định, SEA Games 31 không chỉ là sự kiện thể thao, văn hóa mà còn là dịp hun đúc thêm tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Trong tương lai, nếu tiếp tục đoàn kết, có sự đầu tư cần thiết, thể thao Việt Nam có thể vươn cao hơn nữa. M.Quang |
Bảo Khang