SEA Games 31 - cơ hội để quảng bá du lịch Việt Nam

09/05/2022 - 06:53

PNO - SEA Games 31 là sự kiện lớn đầu tiên của Đông Nam Á sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây được xem là cơ hội tốt để quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hà Nội chộn rộn đón khách quốc tế

Ngày 12/5, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) chính thức khai mạc mà Việt Nam là nước chủ nhà. 

Những ngày này, nhiều áp phích quảng bá SEA Games 31 đã được treo, đặt ở những vị trí quan trọng của Thủ đô Hà Nội như phố đi bộ Hồ Gươm, các trục đường chính, một số ngã tư lớn. TP.Hà Nội đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều cổ động viên của các nước có đoàn thể thao tranh tài trong những ngày tới.

Lễ xin lửa và rước đuốc SEA Games 31 diễn ra vào chiều 6/5. Kiếm thủ Vũ Thành An - người cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 31 vào tối 12/5 - được ban tổ chức chọn là người cầm đuốc - Ảnh: Bảo Khang
Lễ xin lửa và rước đuốc SEA Games 31 diễn ra vào chiều 6/5. Kiếm thủ Vũ Thành An - người cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 31 vào tối 12/5 - được ban tổ chức chọn là người cầm đuốc - Ảnh: Bảo Khang

Lê Cẩm Tú - sinh viên Trường đại học Hạ Long - hào hứng: “Tôi rất vui và tự hào khi được chọn làm tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31. Đây là một cơ hội lớn để tôi thể hiện khả năng tiếng Anh cũng như mở rộng mối quan hệ của mình, bởi tôi sẽ được gặp nhiều bạn bè quốc tế trong dịp này”.

Có mặt tại phố đi bộ Hồ Gươm, anh Kazzi - du khách Singapore - tỏ ra ngạc nhiên khi thấy cổ động viên nước chủ nhà đến sân Thiên Trường (tỉnh Nam Định) rất đông trong trận thi đấu môn bóng đá nam giữa hai đội U23 Singapore và U23 Lào: “Các bạn đến sân vì tình yêu bóng đá chứ không chỉ đến sân mỗi khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu. Đó mới đúng là tinh thần thể thao, tinh thần thượng võ, tinh thần đoàn kết”.

Theo những thông tin mà anh Kazzi nắm được, chiều và tối 7/5, đã có trên 20.000 cổ động viên Việt Nam vào sân Thiên Trường, cổ vũ cuồng nhiệt cho các trận đấu bóng đá giữa U23 Thái Lan và U23 Malaysia, U23 Lào và U23 Singapore. 

Không khí SEA Games 31 đã rộn ràng trên đường phố Hà Nội - ẢNH: BẢO KHANG
Không khí SEA Games 31 đã rộn ràng trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều sự kiện thể thao bị hoãn, hủy trong năm 2020 và 2021, nhưng tinh thần thể thao vẫn sục sôi trong dòng máu người Việt. Quyết tâm thể hiện bản thân cùng khát khao chiến đấu vì màu cờ sắc áo của vận động viên cùng lòng hâm mộ cuồng nhiệt của cổ động viên đã hòa quyện trong những ngày sôi động ở Phú Thọ, đồng thời hứa hẹn lan rộng đến 12 tỉnh, thành tổ chức các môn thi SEA Games trong những ngày tới.

Mỗi người là đại sứ văn hóa

So với các kỳ SEA Games trước đây, nhiệm vụ của ban tổ chức kỳ này nặng nề hơn khi phải vừa điều hành giải đấu, vừa chống dịch COVID-19. Tuy vậy, đây được xem là cơ hội để nước chủ nhà Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng với hoàn cảnh, nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời chứng minh năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế.

Tại buổi lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 (diễn ra ngày 28/4), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu, với cương vị là nước chủ nhà, Đoàn Thể thao Việt Nam cần thể hiện tốt truyền thống hòa hiếu của dân tộc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các đoàn bạn; mỗi cá nhân của đoàn cần thể hiện tốt hình ảnh là một đại sứ văn hóa của đất nước.

Theo báo cáo của ông Trần Đức Phấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Trưởng ban Tổ chức SEA Games 31 - đến nay, SEA Games 31 đã được chuẩn bị chu đáo. Nước chủ nhà Việt Nam chủ trương nâng cấp sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ thi đấu dựa trên nền tảng sẵn có, chỉ xây mới một số cơ sở như cụm thi đấu quần vợt Hanaka ở tỉnh Bắc Ninh, trường bắn ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội.

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - cho biết, quan chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên, phóng viên, tình nguyện viên tham dự SEA Games phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ Y tế Việt Nam về phòng, chống dịch, những đối tượng khác nhau sẽ có hướng dẫn khác nhau. “Tổ chức SEA Games 31 trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp là nhiệm vụ khó khăn. Dịch bệnh khiến không ít đầu việc bị hoãn, chậm tiến độ. Tuy nhiên, những vấn đề này đã được khắc phục trước ngày khai mạc” - bà nói. 

Cần có chính sách visa thân thiện

Ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - chia sẻ, SEA Games 31 là sự kiện lớn đầu tiên của Đông Nam Á sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh nỗ lực vì mục tiêu tổ chức thành công SEA Games 31 thông qua việc đón tiếp, phục vụ nhu cầu ăn ở, đi lại của các vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao, cổ động viên và khách du lịch… ngành du lịch sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Festival Thanh niên Đông Nam Á chào mừng SEA Games lần thứ 31 là sự kiện được Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp  Thanh niên TP.Hà Nội đăng cai tổ chức, nhằm quảng bá hình ảnh thủ đô và đất nước Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế  (trong ảnh: Thanh niên Đông Nam Á tham quan, trải nghiệm gian hàng truyền thống của Việt Nam) - ẢNH: BẢO KHANG
Festival Thanh niên Đông Nam Á chào mừng SEA Games lần thứ 31 là sự kiện được Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Hà Nội đăng cai tổ chức, nhằm quảng bá hình ảnh thủ đô và đất nước Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế (trong ảnh: Thanh niên Đông Nam Á tham quan, trải nghiệm gian hàng truyền thống của Việt Nam) - Ảnh: Bảo Khang

Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - SEA Games 31 là cơ hội để đẩy mạnh du lịch gắn với thể thao. Với mỗi bộ môn thi đấu thể thao, cùng đi với vận động viên là người nhà, ban huấn luyện, thậm chí cả người hâm mộ. Do đó, cần liên kết để tổ chức nhiều giải đấu được tổ chức chu đáo nhiều khâu để thu hút du khách diện này.  

Theo Ban Tổ chức SEA Games 31, kỳ đại hội thể thao lần này sẽ thu hút hơn 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ, quan chức từ các quốc gia trong khối ASEAN tham dự. Đây là nguồn khách mang lại doanh thu đáng kể cho ngành du lịch nước nhà. 

Kỳ SEA Games đầu tiên mà Việt Nam đăng cai tổ chức là vào năm 2003, cách nay 19 năm. Do đó, ông Phạm Xuân Vinh - giảng viên Khoa Du lịch, Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) - cho rằng, SEA Games là cơ hội vàng để Việt Nam xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch với bạn bè quốc tế sau thời gian im ắng do đại dịch COVID-19.

Theo ông, cần có giải pháp đồng bộ để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khu vực và thế giới trong suốt thời gian diễn ra SEA Games. Việc đón tiếp, phục vụ ăn ở, đi lại của các vận động viên, các huấn luyện viên, các quan chức thể thao, cổ động viên và khách du lịch phải được tổ chức chu đáo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 13 tỉnh, thành có tổ chức các trận thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31 phải nhân cơ hội này quảng bá với du khách các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương mình và chứng tỏ khả năng kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Các bạn trẻ tham dự Festival Thanh niên Đông Nam Á chào mừng SEA Games lần thứ 31 tại Hà Hội - Ảnh: Bảo Khang
Các bạn trẻ tham dự Festival Thanh niên Đông Nam Á chào mừng SEA Games lần thứ 31 tại Hà Hội - Ảnh: Bảo Khang

Cũng theo ông Phạm Xuân Vinh, Việt Nam cần thực hiện chính sách visa thân thiện để du khách cảm thấy được chào đón. Du khách không thuộc 13 quốc gia miễn visa hiện nay sẽ gặp khó khăn khi phải xin visa tại đại sứ quán, còn mẫu visa trực tuyến lại chưa thân thiện trên nền tảng mobile. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. 

Tổ chức SEA Games gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19

Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang được kiểm soát với số ca mắc và tử vong liên tục giảm, nhưng phòng, chống dịch vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tổ chức SEA Games 31.

Là địa phương chịu trách nhiệm tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu tại SEA Games 31, cuối tuần qua, ngành chức năng của TP.Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân đáp ứng y tế và phòng, chống COVID-19 để phục vụ sự kiện thể thao này. Ngành y tế TP.Hà Nội đã phân công 15 bệnh viện thường trực đáp ứng y tế và 18 trung tâm y tế đáp ứng trực phòng, chống dịch tại các khách sạn, địa điểm thi đấu, 35 cơ sở y tế tiếp nhận và điều trị người mắc COVID-19. Các bệnh viện chuẩn bị 5 - 10 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội được giao nhiệm vụ thường trực cấp cứu, phòng dịch và các nhiệm vụ đột xuất khác. 

Cùng với TP.Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ cũng đã lên kế hoạch chi tiết phòng, chống dịch COVID-19. Bác sĩ Khương Thành Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định - cho biết, tỉnh này chỉ tổ chức môn bóng đá nam tại sân Thiên Trường, với năm đội tuyển thuộc bảng B, thi đấu 11 trận. Đến nay, Nam Định đã đón 401 người là vận động viên, quan chức, lái xe, cán bộ an ninh, báo chí… của các đội bóng.

Sở Y tế tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch đảm bảo chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa điểm lưu trú, tập luyện, thi đấu và tại khách sạn, nhà hàng. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau 19 năm, Việt Nam mới đăng cai tổ chức SEA Games. Đây cũng là sự kiện lớn đầu tiên của Đông Nam Á sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chỉ còn vài ngày nữa, SEA Games 31 sẽ được khai mạc nên công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo SEA Games 31 tổ chức đúng tiến độ đề ra, gắn với các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Huyền Anh

Bảo Khang - Mỹ Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI