Sẽ thí điểm sàn giao dịch tiền số tại Việt Nam thận trọng, có lộ trình và minh bạch

06/04/2025 - 18:42

PNO - Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số, bước đầu hình thành nền tảng để vận hành thử nghiệm một kênh đầu tư mới.

Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ thí điểm sàn tiền số đầu tiên (Ảnh minh hoạ: Bảo Khang)
Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ thí điểm sàn tiền số đầu tiên - Ảnh minh hoạ: Bảo Khang

Chiều 6/4, họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 tiếp tục thảo luận những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Vấn đề thí điểm sàn giao dịch tiền số đầu tiên tại Việt Nam tiếp tục được đặt dấu hỏi.

Việc xây dựng sàn giao dịch tài sản mã hóa nằm trong định hướng lớn của Chính phủ nhằm thích ứng với xu thế công nghệ tài chính toàn cầu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam bước vào quá trình thí điểm phát hành và giao dịch tiền số một cách có kiểm soát, theo mô hình "sandbox" được nhiều quốc gia áp dụng.

Triển khai cẩn trọng, có lộ trình

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý đối với tài sản số, trong đó có tiền mã hóa và các sản phẩm công nghệ chuỗi khối (blockchain). Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông... để lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ.

Từ cuối tháng 3/2025, Bộ Tài chính đã phát đi 2 văn bản lấy ý kiến các bộ ngành liên quan (ngày 27 và 29/3), nhằm chuẩn bị cho việc hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình triển khai sàn giao dịch tài sản số theo hình thức thí điểm, có kiểm soát chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung thông tin về tiến độ thí điểm thực hiện sàn giao dịch tiền số. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung thông tin về tiến độ thí điểm thực hiện sàn giao dịch tiền số - Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: “Ngay trong tháng 3/2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để triển khai với nguyên tắc thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch và hiệu quả.”

Tài sản số: Một kênh huy động vốn mới

Theo định hướng, việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa không chỉ nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư tiền số mà còn kỳ vọng sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, bên cạnh thị trường tài chính truyền thống. Đặc biệt, thị trường thí điểm này sẽ bao gồm cả hoạt động phát hành lẫn giao dịch, tạo ra cơ hội thử nghiệm các mô hình đầu tư mới như token chứng khoán, trái phiếu số...

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, mọi hoạt động triển khai phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp các quốc gia có liên quan nếu có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

“Quan điểm của Bộ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường tài sản số, đồng thời cũng khẳng định rằng, Nhà nước thừa nhận sự tồn tại và tiềm năng của các sản phẩm mã hóa - nhưng trên cơ sở quản lý rủi ro chặt chẽ” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Hiện Bộ Tài chính đang trong giai đoạn tổng hợp, tiếp thu và giải trình các ý kiến góp ý của các bộ, ngành trước khi hoàn thiện nghị quyết để trình Chính phủ xem xét. Theo nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ là đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi chính thức ban hành.

Nếu được triển khai đúng cách, việc thử nghiệm sàn giao dịch tài sản số sẽ là một bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Tuy vậy, cũng cần hết sức cảnh giác với các hoạt động lợi dụng mô hình sandbox để hợp thức hóa các hành vi đầu cơ, lừa đảo, rửa tiền thông qua tài sản số.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI