Sẽ thí điểm dùng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở TPHCM

13/08/2021 - 12:25

PNO - Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp đánh giá để sớm triển khai thí điểm dùng thuốc Molnupiravir với bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở TPHCM và một số tỉnh, thành.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ thí điểm dùng thuốc Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác

Các địa phương chủ động, không trông chờ chi viện nhân lực

Sáng 13/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến kết nối với hơn 700 điểm cầu cơ sở y tế trên cả nước về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã sửa đổi tất cả các phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, bảo đảm tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc. Cụ thể, tới đây sẽ triển khai thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà ở TPHCM và một số tỉnh, thành. Đây là loại thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus tốt nhất. Hiện, Hội đồng đạo đức, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp đánh giá để sớm triển khai thí điểm khi có thuốc này.

“Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận nhập thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng. Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp dược có thể sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các đơn vị có bản quyền để chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc này. Đây là vấn đề quan trọng trong điều trị tại cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục kêu gọi cộng đồng hỗ trợ tiếp cận thuốc điều trị bệnh nhân nặng.

Cấp “túi thuốc an sinh” cho các gia đình

Liên quan tới việc điều trị COVID-19 tại nhà, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cho biết theo kinh nghiệm quốc tế và mô hình triệu chứng bệnh học hiện nay ở Việt Nam (trên 80% bệnh nhân không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ), Bộ Y tế thí điểm điều trị ở nhà, gia đình với tinh thần: Mỗi gia đình trở thành “home care”, phòng y tế.

Theo đó, người bệnh được quản lý và theo dõi sức khỏe; được hướng dẫn cách ly với người trong gia đình; đảm bảo quản lý lây nhiễm chéo với người trong gia đình và cộng đồng. Người bệnh cũng được tăng cường tư vấn bằng công cụ công nghệ thông tin như Zalo, điện thoại, Zoom, Viber để tư vấn.

Ngoài ra, về việc sử dụng thuốc, theo ông Khuê, Bộ Y tế có chiến lược sẽ cấp các túi thuốc an sinh cho các gia đình. “Tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình và cộng đồng để người bệnh an tâm, không bị kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo”, ông Khuê nói thêm.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, mô hình điều trị bệnh nhân COVID-19 này phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ và điều kiện. Ở nước ngoài, điều kiện gia đình khá hiện đại, chỉ có 1- 2 người, dễ dàng tiếp cận thông tin... nên triển khai dễ dàng. Còn tại việt Nam, một số khu vực tập trung đông dân cư, khu vực nông thôn cần phải lưu ý hơn. Bởi Việt Nam có nhiều gia đình sống theo mô hình “tứ đại đồng đường”, không gian sống chật hẹp nên việc bố trí chỗ ăn uống riêng, tắm rửa riêng, điều kiện chăm sóc... là điều phải quan tâm.

Ông Lương Ngọc Khuê khẳng định, với chiến lược phân tầng, cùng thực hiện điều trị COVID-19 như hiện nay, nếu dịch có bùng phát, người dân vẫn có điều kiện được chăm sóc y tế. Ở tầng thứ nhất 80% có thể quản lý tại tuyến gia đình, tuyến cộng đồng. Với tầng này, không cần phải bệnh viện, các phó giáo sư, bác sĩ giỏi, không cần máy thở mà chỉ cần tổ y tế với các điều kiện chăm sóc các chỉ số sinh tồn, điều kiện xét nghiệm. Các loại xét nghiệm này được lấy và đưa lên trung tâm để thực hiện.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI