Sẽ thay mới 30% mái ngói Chùa Cầu

14/01/2022 - 16:20

PNO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (TP. Hội An) với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân vừa ký quyết định phê duyệt dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư.

Đây là dự án nhóm C, công trình văn hóa (di tích cấp Quốc gia), cấp III với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2023.

Chùa Cầu, biểu tượng của Hội An
Chùa Cầu, biểu tượng của Hội An

Theo đó, sẽ chống đỡ, gia cố cấu kiện có nguy cơ bị phá hủy đối với Chùa Cầu. Việc hạ giải bắt đầu từ hệ mái, sau mỗi đợt hạ giải cần họp thống nhất giữa các bên liên quan, các cơ quan chuyên môn để đánh giá một cách chính xác, toàn diện và đưa ra giải pháp tu bổ hữu hiệu nhất; đồng thời xem xét, đánh giá sự cần thiết hạ giải tiếp các cấu kiện khác ở bước tiếp theo, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, quy trình thực hiện theo quy định hiện hành về công tác tu bổ di tích.

Phần thân sẽ bơm keo hoặc vữa chống nứt vào các vết nứt trên thân trụ và mũ trụ. Cắt bỏ các dầm thép hỏng, sửa chữa các hư hỏng và xây trám lại mũ trụ, các vị trí đỡ dầm chịu lực,... xử lý vết nứt bằng bơm keo Epoxy; tạo nhám bề mặt bằng bàn chải sắt; vệ sinh bề mặt bằng phun nước áp lực cao và máy mài sử dụng khí áp lực cao.

Phần móng sẽ chống đỡ tăng cường ổn định cho trụ, sau đó vệ sinh, nạo vét bùn, hữu cơ, tạp chất dưới chân mố trụ cầu. Đổ bê tông gia cố móng mố trụ cầu dày 1m xung quanh móng nhằm ổn định móng theo phương ngang, không tác động nguyên bản kết cấu, không ảnh hưởng đến dòng chảy và cảnh quan khi mực nước vị trí thấp nhất.

Đối với nền hai nhịp đầu cầu bảo tồn tối đa các viên đá cũ, bổ sung các viên đá tại các vị trí khiếm khuyết đã được trám vá bằng xi măng.

Tu bổ hệ dầm sàn, hệ khung gỗ và hệ mái: Những cấu kiện gỗ bị hư hỏng thực hiện biện pháp thay thế, các cấu kiện bị hư hại do mục nát hay khuyết tật gỗ được tu sửa bằng kỹ thuật chắp, vá và nối song song với việc củng cố các mối liên kết các cấu kiện dạng mộng. Tu sửa lần lượt từ cột, xà, hoành, trính, xiên, bộ vì kèo,... cho đến các bức ván, vách, cửa.

Tu bổ hệ mái và bao che: Các viên ngói được làm vệ sinh, phân loại và tái sử dụng tối đa; thay thế khoảng 30% ngói đã bị sứt vỡ, mục hỏng.

Hệ tường bao che và trang trí đắp vẽ: Đối với các đĩa gốm tráng men tiến hành đánh số, vị trí sau đó hạ giải cẩn thận, vệ sinh làm sạch bề mặt. Bổ sung một số đĩa bị mất hoặc đã vỡ. Các thành phần trang trí đắp vẽ trên bờ nóc, bờ chảy cần được tháo dỡ cẩn trọng. Sau khi hạ giải trám, trít vá những chỗ sứt vỡ, sau đó lắp dựng lại. Tường bóc lớp vữa trát bề mặt, trát lại bằng vữa truyền thống, quét lại màu theo nguyên mẫu gốc.

Việc chống mối toàn bộ công trình sẽ dùng phương pháp đào hào xung quanh bên ngoài di tích, xử lý phun thuốc mối quanh hào; xử lý phun thuốc mối tại vị trí lát cải tạo nền…

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An. Do đó, việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI