Sẽ thanh tra quảng cáo trên YouTube, Facebook, TikTok...

04/11/2022 - 11:30

PNO - Từ vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, ĐBQH đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ TT-TT trong công tác quản lý mạng xã hội.

Bộ trưởng Bộ TT-TT trả lời chất vấn Quốc hội sáng 4/11
Bộ trưởng Bộ TT-TT trả lời chất vấn Quốc hội sáng 4/11

Sẽ thanh tra quảng cáo trên YouTube, Facebook…

Sáng 4/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu vấn đề nhức nhối là tình trạng bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội.

“Trên Facebook, Zalo hay TikTok, hàng giả và hàng nhái được chào bán công khai. Có thể dễ dàng tìm thấy các quảng cáo như super fake, fake 1, fake 2 rồi những quảng cáo như đồng Patek Philippe bán 20 triệu… Đây là vấn nạn cần siết lại và xử lý”, ĐB nói.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, trước đây quảng cáo chỉ xuất hiện trên báo chí, được rà soát và đảm bảo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, 2,3 năm vừa qua, có hình thức quảng cáo ad network, các cơ quan báo chí bán một góc trên trang điện tử của mình. Thời gian đầu, các cơ quan báo chí gần như buông toàn bộ, bỏ đi phần trách nhiệm. Vừa qua, Bộ đã sửa luật và thanh kiểm tra, vấn đề này hiện đã cơ bản được kiểm soát.

Bộ trưởng khẳng định, vấn đề vi phạm trong quảng cáo chủ yếu xảy ra trên trên Facebook, YouTube… Bộ TT-TT sẽ chính thức thanh tra các quảng cáo nền tảng xuyên biên giới trong thời gian tới - vì hiện các quy định về quảng cáo đã được sửa trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng băn khoăn về việc một số quảng cáo về thực phẩm chức năng sai sự thật, các quảng cáo này do các Bộ chuyên ngành quản lý. Bộ TT-TT chỉ có thể rà soát, còn các Bộ ngành mới có thể thẩm định. Do đó, ông mong các Bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền cùng vào cuộc, thẩm tra đánh giá để xử lý vấn đề này.

Lúng túng xử lý vi phạm trên mạng xã hội?

ĐBQH truy trách nhiệm Bộ trưởng từ vụ vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng khi livestream
 ĐBQH truy trách nhiệm Bộ trưởng từ vụ vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng khi livestream

Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao việc Bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số... Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chính vì thế mà Bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội, đến khi các vụ việc xảy ra thì mới thanh tra, kiểm tra và dẫn đến báo hóa mạng xã hội, từ đó gây lúng túng, chậm xử lý các vi phạm.

ĐB lấy ví dụ từ vụ vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng. Bà Hằng thường xuyên livestream đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao lại như vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền của Bộ đã xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao, đồng thời, Bộ có rút kinh nghiệm gì về việc trên hay không.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định vẫn coi thể chế là vấn đề đầu tiên, là số 1. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, vừa qua, có một số vấn đề thể chế đi sau, ví dụ vụ xử lý livestream của Nguyễn Phương Hằng: “Lúc đó chúng ta chưa có quy định pháp luật về quản lý hành vi livestream. Sau vụ việc đó, chúng ta đã dùng thể chế cũ, phạt hành chính 2 lần và chuyển sang công an hình sự, hiện đang xử lý", Bộ trưởng nói.

Hiện, để khắc phục tình trạng này, Bộ TT-TT đã sửa đổi Nghị định 72 và dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ ký trong năm nay. Trong Nghị định quy định rất rõ các trường hợp, điều kiện rõ ràng được livestream. Nếu livestream bán hàng có thu thì phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

M.Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI