Sẽ tăng mức phạt hành vi bóc phốt, xúc phạm nhau trên mạng xã hội?

12/11/2024 - 12:00

PNO - ĐBQH Hoàng Ngọc Định chỉ ra, tình trạng bóc phốt, xúc phạm nhau trên mạng xã hội đang tạo hiệu ứng tiêu cực.

ĐBQH Hoàng Ngọc Định bức xúc trước hành vi nói xấu, bóc phốt nhau trên mạng xã hội - ảnh: QH
ĐBQH Hoàng Ngọc Định bức xúc trước hành vi nói xấu, bóc phốt nhau trên mạng xã hội - Ảnh: QH

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) phản ánh, có hiện tượng lợi dụng không gian mạng để bóc phốt, nói xấu nhau làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục và tạo hiệu ứng tiêu cực trong dư luận.

Không gian mạng có phạm vi chia sẻ lớn, tương tác cao... ảnh hưởng tới vấn đề an ninh mạng. ĐBQH đề nghị Bộ trưởng nói rõ, trong thời gian tới có giải pháp gì khả thi?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, vừa qua, cơ quan chức năng đã xử phạt những người đưa thông tin sai sự thật, bóc phốt, nói xấu. Mức xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, sắp tới có lẽ phải tăng mức phạt lên vì các quốc gia phạt rất nặng, thậm chí tới hàng triệu đô. Việt Nam mới xử phạt người sử dụng mạng xã hội để nói xấu người khác, còn trách nhiệm mạng xã hội thì sao? Bộ trưởng dẫn dụ, luật pháp của Singapore quy định, chủ mạng xã hội có thể phải đi tù.

Do đó, các mạng xã hội phải tự rà soát, xử lý những sai phạm trên môi trường của mình. Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm minh sai phạm khi thực thi, lan tỏa thông tin xử lý tới toàn dân biết. Liên quan tới vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận và giao cho Bộ Công an đưa vào Luật phòng, chống tin giả.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn - Ảnh: QH

ĐBQH Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) nêu, Luật An ninh mạng nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để hoạt động mê tín dị đoan. Tuy nhiên, các dịch vụ tâm linh, bói toán trực tuyến có dấu hiệu nở rộ. Việc này gây ra nhiều hệ lụy vì đây là không gian màu mỡ để lừa đảo, người dân bị “tiền mất, tật mang”.

Nói về giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm tình trạng này, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, phải coi không gian mạng như không gian ngoài đời thật. Ở đó, “nhà nào quản lý nhà ấy”. Với vấn đề mê tín dị đoan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải vào cuộc để xác định hành vi. Khi cần xác định danh tính và ngăn chặn thì phối hợp với Bộ TT-TT.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định tiêu chí, hành vi để xác định thế nào là mê tín dị đoan - cả về hình ảnh, lời văn - để có thể phối hợp với Bộ TT-TT, sử dụng phần mềm quét, phát hiện vi phạm.

“Chúng tôi đang làm việc với các mạng xã hội, khi các hành vi mê tín đã rõ thì các mạng xã hội phải tự rà quét, hạ xuống. Trước đây ta yêu cầu họ hạ, giờ họ phải có trách nhiệm. Họ có rất nhiều lợi nhuận từ việc kinh doanh trên không gian mạng và có trách nhiệm phải lành mạnh hóa không gian mạng” - Bộ trưởng nói.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng phải xử lý mạnh tay, căn cứ hành vi để xử phạt hành chính hoặc xử phạt hình sự.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI