Sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển đại học

03/03/2023 - 12:53

PNO - Bộ GD-ĐT dự kiến, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 2 tuần (trong khi năm 2022 là 1 tháng).

 

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho biết, quy chế tuyển sinh được giữ cơ bản ổn định như năm 2022
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - cho biết, quy chế tuyển sinh được giữ cơ bản ổn định như năm 2022

Theo dự thảo công tác tuyển sinh trình độ đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, quy chế năm 2022 tiếp tục được áp dụng. Công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến, trên hệ thống chung của Bộ.

Tuy nhiên, năm nay, lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn, rút ngắn hơn so năm 2022.

Cụ thể, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17g ngày 15/8.

Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ 4/7.

Từ ngày 5/7 đến 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 26/7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17g ngày 30/8.

Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày 20/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).

Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là 1 tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 1 tháng so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.

Công tác tuyển sinh năm 2023 cũng lưu ý là cơ sở đào tạo cần ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ GD-ĐT và có một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.

Nói rõ hơn về tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quy chế tuyển sinh được giữ cơ bản ổn định như năm 2022, một số điều khoản có hiệu lực từ năm 2023 như điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần.

Bộ GD-ĐT cho biết, để hạn chế nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do, Bộ yêu cầu Sở GD-ĐT, các trường THPT tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh. Thí sinh nộp minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên tại thời điểm đăng ký dự thi, điểm tiếp nhận chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, xác nhận ưu tiên cho thí sinh.

Bên cạnh đó, năm 2023, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển, phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định, nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…

Bộ GD-ĐT tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT cũng bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… (nếu có) lên Hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, giảm việc phải tổ chức xét tuyển sớm. Đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm nhầm lẫn.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI