Sẽ nhờ Cộng đồng kinh tế Asean vào cuộc nếu Uber không giải quyết tiền thuế

06/04/2018 - 14:47

PNO - Chỉ còn 2 ngày nữa là công ty Uber B.V rời khỏi Việt Nam sau khi bán hoạt động tại ĐNÁ cho Grab. Trong khi đó, vụ kiện giữa Cục Thuế TP.HCM với Uber B.V và về khoản truy thu thuế 53,3 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ.

Câu hỏi được đặt ra là sau khi Uber rời khỏi Việt Nam, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm về khoản thuế này?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, Cục thuế đã có văn bản gửi qua Grab đề nghị cung cấp thông tin về thương vụ sáp nhập cho Cục thuế.

Thế nhưng, hiện Cục thuế vẫn chưa nhận được hợp đồng buôn bán giữa hai đơn vị này cũng như phản hồi từ phía Grab. Ai sẽ chi trả phần thuế này tùy thuộc vào hợp đồng buôn bán giữa hai bên. Nếu Grab không trả nợ thay Uber thì Cục thuế hướng đến phương án: khi nào Grab trả tiền cho Uber - số tiền mà Grab bỏ ra để mua Uber thì Cục thuế sẽ lập tức lập lệnh thu hồi khoản tiền này ngay.  

Se nho Cong dong kinh te Asean vao cuoc neu Uber khong giai quyet tien thue
Cục thuế TP.HCM cho biết sẽ nhờ đến Cộng đồng Kinh tế Asean để thu thuế Uber nếu cả Uber và Grab không hợp tác giải quyết.

Vậy nếu trường hợp Grab và Uber vẫn “làm ngơ” không hợp tác, khoản tiền thuế mà Uber nợ sẽ mất? Ông Lê Duy Minh cho biết, hiện hai hãng này đang rơi vào "tầm ngắm" của các nước Đông Nam Á nên sẽ nhờ Cộng đồng kinh tế Asean vào cuộc.

Cụ thể, ngày 2/4 vừa qua Malaysia thông báo sẽ đưa hãng taxi công nghệ Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh sau khi hãng này tiếp nhận mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ Uber.

Malaysia là nước tiếp theo tại Đông Nam Á đưa thương vụ giữa Grab và Uber vào "tầm ngắm". Trước đó, ngày 30/3, Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh nói trên với lý do lo ngại thỏa thuận này có thể tạo thế độc quyền cho Grab, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và giới tài xế. 

“Riêng tại Việt Nam, Cục thuế TP.HCM đã báo cáo vụ việc đến Vụ hợp tác quốc tế Tổng Cục thuế. Vụ hợp tác quốc tế sẽ dùng kênh quan hệ quốc tế để nhờ Cộng đồng kinh tế Asean hỗ trợ nếu Uber “trốn chạy”. Lúc này, nếu đơn vị nào trả tiền cho Uber thì phải ưu tiên trả cho Việt Nam trước vì nếu có tiếng nói của các nước Asean chắc chắn sẽ tác động được”, ông Lê Duy Minh khẳng định.

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI