Cụ thể là họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà họ tham gia quảng bá trước công chúng.
|
Hiện nay người dùng ưa chuộng việc tìm kiếm và lắng nghe thông tin từ những người nổi tiếng, nên người nổi tiếng thường được mời đóng quảng cáo sản phẩm (ảnh minh họa) |
Người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng hay còn được xem là người người dẫn dắt tư tưởng, theo tiếng Anh là Key Opinion Leader (nên thường được viết tắt là KOL). Họ có ảnh hưởng lớn đến công chúng, nên chính vì vậy mà các vị ấy thường được mời đóng quảng cáo. Chắc chắn rằng hình ảnh của họ, lời nói của họ xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng là do bộ phận quảng cáo chuẩn bị, họ chỉ phải thực hiện theo như hợp đồng đã ký.
Nay, nếu Luật ban hành đúng theo dự thảo, KOL bắt buộc phải tìm hiểu kỹ lưỡng về nội dung mình sẽ phải thực hiện trên các clip quảng cáo nếu không muốn rắc rối với pháp luật. Việc đó sẽ có khó khăn vì họ phải tìm hiểu, xác thực thông tin về những lĩnh vực mà có thể họ không nắm chắc. Vì vậy thu nhập từ việc thực hiện quảng cáo có thể sẽ bị teo tóp, nhưng người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm được quảng cáo.
Trong quảng cáo, không chỉ KOL đóng quảng cáo, mà tất cả những ai trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo nhằm giới thiệu, thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện quảng cáo đều được xem là Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và cũng phải chịu trách nhiệm như đã nói ở trên. Như vậy, một thầy giáo đứng giảng bài, một bác sĩ ngồi khám bệnh, một bác nông dân với vóc dáng lam lũ hay một cô thôn nữ có nụ cười tỏa nắng… tình cờ được chọn để đóng quảng cáo chớ vội mừng mà cũng phải tìm hiểu thấu đáo về sản phẩm trước khi góp phần quảng bá.
Trong dự thảo dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi có bổ sung quy định Nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt với những nội dung cần phải có cho từng loại sản phẩm đặc biệt như mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế …mà Luật trước đây không có. Quy định này buộc nội dung quảng cáo phải nói rõ về sản phẩm mà mình giới thiệu như là các chất phụ gia có trong thực phẩm hay các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế đối với mỹ phẩm…Do đó, người tiêu dùng sẽ biết đầy đủ hơn về sản phẩm, không chỉ là mặt tích cực, để mà đắn đo khi mua sắm.
Luật đang được góp ý và sau đó được ban hành. Nhưng dù luật chặt chẽ đến đâu theo thời gian cũng sẽ xuất hiện những kẻ hở để bị kẻ xấu lợi dụng. Cho nên người tiêu dùng thông minh là người không bao giờ tin 100% vào quảng cáo mà phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khu mua sắm, sử dụng để tránh được câu “tiền mất, tật mang”.
Nguyễn Thu Đăng