Phải có thiết bị chống quên học sinh trên xe
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón, dẫn tới hậu quả đau lòng. Mới nhất, vào tháng 5/2024, một bé trai 5 tuổi ở Thái Bình lại mất mạng sau khi bị bỏ quên trong xe suốt 11 tiếng. Trước đó, khi những vụ việc tương tự xảy ra ở Hà Nội, Bắc Ninh, dư luận đã từng đặt vấn đề: làm gì để không còn những bi kịch như vậy? Rất nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó, quy định mới tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được coi là điểm nhấn.
Luật này quy định, ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Đặc biệt, ô tô phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định; phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi.
|
Chiếc xe đưa đón học sinh nơi cháu bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên suốt 11 tiếng tại tỉnh Thái Bình vào tháng 5/2024 |
Vẫn theo quy định, khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, mỗi xe phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho trẻ. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên mà chở từ 27 trẻ trở lên, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên xe. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra học sinh khi xuống xe, không được để trẻ ở lại xe khi rời xe.
Luật cũng quy định, lái xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.
Nên có lộ trình
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) ủng hộ quy định mới và cho rằng, với quy định mới, hoạt động đưa đón học sinh sẽ được đưa vào khuôn khổ. Các yêu cầu rất rõ ràng, nhà trường, doanh nghiệp, tài xế… cứ thế mà chấp hành; đủ điều kiện thì mới được phép tham gia hoạt động.
Theo ông Phạm Văn Hòa, quy định về việc lắp camera, thiết bị chống quên học sinh trên xe đưa đón sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, không còn tình trạng học sinh bị bỏ quên một cách khó hiểu. Bởi lẽ, với các thiết bị này, nếu tài xế hoặc người giám sát lơ đãng, không kiểm tra, thì thiết bị công nghệ sẽ cảnh báo. Như vậy, quy định còn giúp tài xế và người giám sát tránh được rủi ro nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - nhất trí với quy định nhưng cho rằng, nếu chỉ dựa vào công nghệ là chưa đủ, yếu tố quan trọng hơn phải là con người. Vì thế, song song với quy định lắp các thiết bị giám sát và cảnh báo, ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị, cần siết chặt quy chế làm việc của tài xế cũng như người giám sát trên xe đưa đón học sinh để đảm bảo họ không thể, không dám lơ đễnh mà bỏ quên học sinh trên xe.
Ví dụ: khi xe đưa trẻ đến trường, tài xế phải là người xuống xe cuối cùng, phải đi dọc xe từ đầu đến cuối để chắc chắn không còn ai trên xe, rồi mới được đóng cửa…
Ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, việc đáp ứng các quy định mới về điều kiện của xe đưa đón học sinh sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, mà người chịu ảnh hưởng trực tiếp là phụ huynh học sinh.
Vì vậy, ông kiến nghị cần áp dụng có lộ trình, nhất là đối với quy định về màu sơn riêng biệt đối với xe đưa đón học sinh. Các cơ quan chức năng có thể thí điểm với xe đưa đón học sinh mẫu giáo, tiểu học trước.
Với nhóm học sinh THCS hoặc THPT thì nên đánh giá mức độ cần thiết tương ứng của từng quy định, vì nhóm này tuổi đã khá lớn và có sự nhận biết, khả năng tự bảo vệ bản thân cao hơn…
Chi Mai