Sẽ không có thay đổi gì trong quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Joe Biden?

13/12/2020 - 15:08

PNO - Trang mạng tin tức kinh tế Mỹ CNBC dẫn nguồn các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Natixis - một ngân hàng đầu tư và kinh doanh lớn thuộc tập đoàn BPCE (Pháp) - cho biết trước mắt sẽ không có điều chỉnh đáng kể trong quan hệ Mỹ-Trung.

Các nhà kinh tế hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ có chuyển biến tích cực sau khi Nhà Trắng đổi chủ vào tay nhà lãnh đạo Dân chủ Joe Biden, nhưng chuyên gia kinh tế Alicia Garcia-Herrero (Natixis khu vực châu Á - Thái Bình Dương) chia sẻ: “Thành thật mà nói, những lời đầu tiên chúng tôi nghe được từ Tổng thống đắc cử Joe Biden không được như kỳ vọng và chúng tôi không nghĩ rằng Washington sẽ “tái khởi động” quan hệ Mỹ-Trung.

Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô bị đóng cửa đầu năm 2020 - Ảnh: EPA-EFE
Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô bị đóng cửa đầu năm 2020 - Ảnh: EPA-EFE

Hy vọng đang tắt dần về triển vọng thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden, trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc 4 năm qua đã đi xuống theo chiều xoắn ốc dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Trong 4 năm qua, chính quyền Trump đã sử dụng thuế quan, lệnh trừng phạt và các tuyên bố mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh. Cách tiếp cận cứng rắn của Washington nhằm giải quyết các khiếu nại lâu nay về các hoạt động kinh doanh không công bằng như ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ của phía Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, các nhà quan sát ngoại giao cảnh báo những tuyên bố của Trung Quốc đối với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden khó có thể tạo ra nhiều khác biệt, nếu không có những hành động cụ thể như mở lại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc dỡ bỏ các hạn chế về thị thực. Và không phải ngẫu nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 13/12 giật tít “Tại sao hy vọng của Trung Quốc về tái lập quan hệ với Hoa Kỳ có thể là vô ích?”.

Trước mắt không “tái khởi động”

Khi chính quyền Biden tìm cách tái thiết mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ, các nhà phân tích kỳ vọng tân lãnh đạo nước Mỹ sẽ giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Trước mắt, sẽ không có tái khởi động trong quan hệ Mỹ-Trung - Ảnh: AsiaMedia Centre
Trước mắt, sẽ không có tái khởi động trong quan hệ Mỹ-Trung - Ảnh: AsiaMedia Centre

Chuyên gia kinh tế Garcia-Herrero chỉ ra những cuộc đàm phán ngày càng cứng rắn đối với Trung Quốc từ phía châu Âu, Úc, Quốc hội Mỹ và NATO. Giọng điệu đáp trả của Bắc Kinh cũng “đầy thủ thế”, bà nói thêm.

Trong tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ rằng Hoa Kỳ nên ngừng “can thiệp” vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc nếu muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “đình chiến tạm thời” hồi tháng Giêng với việc ký kết một thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một". Tuy nhiên, vấn đề nguồn gốc virus COVID-19 đã nhanh chóng trở thành một điểm gây tranh cãi.

Triển vọng đối với châu Á

Gạt chính trị sang một bên, các nhà chiến lược thị trường chứng khoán và các nhà kinh tế dự đoán châu Á sẽ tăng trưởng tốt hơn trong thời gian sắp tới. Natixis đưa ra dự báo khá lạc quan đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương: GDP của Trung Quốc tăng 7,8% trong năm 2021, Singapore tăng 5,9%, Hàn Quốc tăng 2,1% và Nhật Bản tăng 2%.

Tuy nhiên, kinh tế các nước châu Á vẫn đứng trước một số rủi ro lớn như lạm phát và mức nợ gia tăng, trong đó, họ lo ngại nhất là căng thẳng Mỹ-Trung, mà các nhà chuyên môn gọi là “rủi ro địa chính trị”.

Hòa Ninh (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI