Sẽ không bỏ đảo mà đi!

13/07/2020 - 07:40

PNO - Đó là lời hứa của những học trò lớp 12 xã đảo Lại Sơn (H.Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), chuẩn bị rời đảo để vào đất liền học đại học.

Tình cờ, tôi có mặt trong buổi lễ trưởng thành của học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Lại Sơn - ngôi trường duy nhất nằm trên Hòn Sơn, hòn đảo chỉ khoảng 11km2. Vui sao khi ngày lễ trưởng thành cũng trở thành ngày hội của đảo.

Gọi là lễ nhưng sân trường cũng chỉ vài chiếc ghế, phông nền đơn giản, vài chiếc bàn cũ được kê ngay ngắn. Không có những bộ trang phục lộng lẫy, cũng thiếu vắng những phần thưởng giá trị, từng phút trôi qua của buổi lễ đều thể hiện sức sống âm ỉ mà mãnh liệt, mang trong đó khát vọng chinh phục con chữ của những người chân chất quanh năm chỉ biết bám biển mà sống. 

Tình thầy trò gắn bó nơi đảo xa
Tình thầy trò gắn bó nơi đảo xa

“Đảo nhỏ, đi qua đi lại đụng nhau miết nên thương nhau và đùm bọc nhau lắm, thầy cô - học trò - cha mẹ như người một nhà”, cô Bành Kim Ân, phụ huynh đến dự lễ từ sớm, chia sẻ.

Đứng trong số học sinh lớp 12, Hà Ngọc Cẩm, tâm sự: “Kỳ thi quan trọng nhất của đời HS sắp bắt đầu. Dù sau đó, mỗi người có những ngã rẽ khác nhau nhưng chúng tôi nhất định quay về”. Nam sinh Nguyễn Minh Tâm bộc bạch: “Tôi sẽ học nghề du lịch, nấu bếp để về phát triển du lịch đảo. Đảo đẹp và có rất nhiều nguyên liệu tươi ngon”.  

Cái nghèo khó, sự xa xôi cách trở của địa lý buộc bạn trẻ ở đảo phải “già trước tuổi”. Các bạn không có quyền vô tư chỉ biết ăn và học mà còn có cả nỗi sợ ngày mai phải dừng con đường học tập. Kể cả việc tưởng chừng đơn giản nhất như đi thi THPT quốc gia cũng là bài toán mà HS phải giải: muốn thi thì phải vào đất liền, thi đậu xong ở đó học 4-5 năm, tiền đâu mà thi với học?

Học sinh nhận giấy khen vì thành tích học tập tốt
Học sinh nhận giấy khen vì thành tích học tập tốt

Trong cái khó, các bạn đã tìm đến dự án cộng đồng của một trường đại học có tên “Thiết kế áo lớp” để kiếm tiền vào đất liền thi cử. Phải “chiến” với hàng trăm trường phổ thông ở các đô thị lớn, trong 30 ngày đêm, 41 HS của trường đã hoàn tất hơn 2.500 bản vẽ để thi thố. “Phần thưởng của cuộc thi sẽ là lộ phí để tôi và các bạn vào Rạch Giá thi THPT tháng Tám tới”, Chiêm Hồng Huấn kể.

Với khí thế hừng hực, 41 HS lớp 12A được sự hậu thuẫn của hầu hết mọi cư dân trên đảo, đã giật luôn cú đúp giải thưởng 30 triệu đồng tiền mặt và học bổng 60 triệu đồng mỗi bạn. 

Cô Hiệu trưởng Tô Thị Minh Hoãn
Cô Hiệu trưởng Tô Thị Minh Hoãn

Cô hiệu trưởng Tô Thị Minh Hoãn nói: “Học trò như thế sao mình không thương cho được. Khó khăn nhưng tình cảm và đặc biệt luôn cố gắng”. Cô cũng là dân nhập cư đến đảo. Rời quê Thái Bình đến huyện đảo gần 30 năm gắn với học trò và người dân. Ban đầu là những lớp học tạm bợ, đón học trò từ Bãi Nhà, Bãi Bắc, Bãi Giếng… Tụi nhỏ một buổi đi học, một buổi phải phụ cha mẹ mưu sinh. Nhà quanh năm khó, có khi cái ăn không đủ nhưng đánh bắt được con cá nào ngon là mang qua nhà tập thể biếu thầy cô ăn lấy thảo.

Cô kể, mấy mươi năm trước, lứa giáo viên đầu đến đây, ngồi trên ghe ra đảo quay qua hỏi nhau rồi tặc lưỡi ngao ngán vì "chưa biết mặt mũi cái đảo ra sao”. Rồi như duyên nợ, đến và ở lại, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp trồng người đến bây giờ. Giáo viên hay đùa rằng: đặt chân tới đảo sau hàng chục tiếng lênh đênh sấp ngửa trên thuyền gỗ đã sợ xanh mặt rồi nên không còn dám về nữa! 

Học sinh
Học sinh bịn rịn ngày chia tay mái trường trung học phổ thông

Thầy cô đứng dưới sân trường rưng rưng nhìn từng đứa học trò với ánh mắt đầy hạnh phúc. Chàng trai lớp trưởng cứng rắn mọi khi đã rơm rớm nước mắt khi nắm lấy tay mẹ. Cô bạn cá tính cũng dụi đầu e ngại trên đôi vai rắn rỏi của cha… 

Nhìn những đứa học trò nghịch ngợm nay đã lớn, cô Hoãn không giấu nổi niềm tự hào. Cô bảo thật lòng kỳ vọng những học trò của mình sẽ tạo nên kỳ tích cho đảo nghèo. Các bạn sẽ là tương lai của mảnh đất này để nối gần hơn khoảng cách đất liền và đảo xa. 

Nguyễn Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI