Sẽ hỗ trợ 2 triệu nông dân phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao

14/02/2025 - 17:22

PNO - Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thực hiện nhằm thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ giúp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở hợp tác xã và phục vụ liên kết chuỗi để thực hiện đề án trên là rất lớn. Dự kiến có khoảng 2 triệu hộ nông dân tham gia trồng lúa, với 1.230 hợp tác xã, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo... Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư và khả năng tiếp cận các công nghệ mới của nhiều hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp còn hạn chế; do vậy rất cần tăng cường thu hút đầu tư, cần sự phối hợp tốt từ các bộ ngành Trung ương, địa phương cùng các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, đầu tư... Qua đó sớm triển khai đồng loạt, có hiệu quả của đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang tập huấn cho nông dân tham gia đề án một triệu ha lúa... Ảnh: Văn Phước
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang tập huấn cho nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao - Ảnh: Văn Phước

Tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ hợp tác xã và nông dân tối ưu hóa sản xuất. Các đại biểu cũng thảo luận về cơ hội hợp tác, đầu tư và đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu hút đầu tư vào ngành lúa gạo…

Cánh đồng lúa chất lượng cao ở Hậu Giang. Ảnh: Văn Phước
Cánh đồng lúa chất lượng cao ở Hậu Giang - Ảnh: Văn Phước

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để thực hiện đề án, rất cần có vai trò của hợp tác xã, cũng như việc ứng dụng phần mềm, công nghệ số vào quản trị, giám sát sản xuất và trong liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong đo đếm phát thải khí nhà kính…

Do đó, đề án rất cần sự tham gia đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp để tối ưu hóa các công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân và cả chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn tới đây các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tiếp tục cùng đồng hành cùng đề án và tăng cường các hoạt động đầu tư, hợp tác…

Văn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI