Điều chỉnh yêu cầu cần đạt ở đầu năm lớp 3
TS. Trịnh Cam Ly (chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3, bộ Chân trời sáng tạo) nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của TPHCM khi triển khai chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phải chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến trong thời gian rất dài. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chương trình. Bởi bên cạnh việc xây dựng thiết kế nội dung học tập thì chương trình mới tác động đến phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
|
Yêu cầu cần đạt ở năm học lớp 3 sẽ được điều chỉnh phù hợp với năng lực học sinh |
Tuy nhiên, giáo viên đã rất cố gắng, có nhiều sáng tạo trong quá trình thực hiện chương trình và SGK mới. Trong bối cảnh học trực tuyến, thầy cô đã nghĩ ra rất nhiều hình thức khác nhau để thực hiện chương trình, đặc biệt là với môn tiếng Việt.
“Do ảnh hưởng của dịch, công tác tập huấn SGK và tập huấn chương trình ở một số module phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Đây là rào cản lớn cho thầy cô bởi sự thụ động. Năm nay, với hình thức tập huấn trực tiếp, thầy cô phấn khởi hẳn vì được hỏi, được chia sẻ, tương tác”, TS. Ly chia sẻ.
Theo TS. Trịnh Cam Ly, một trong những trọng tâm của chương trình tập huấn SGK lớp 3 là không chỉ tập huấn SGK mà còn trang bị cho giáo viên để tổ chức dạy học linh hoạt trong bối cảnh chuyển đổi từ trực tuyến sang trực tiếp. Cụ thể, ngoài việc tập huấn đúng mục tiêu yêu cầu cần đạt của sách, chương trình thì nội dung còn được chú trọng đến hoạt động dạy, hướng dẫn giáo viên điều chỉnh về yêu cầu cần đạt, về phương pháp, kỹ thuật tổ chức, điều chỉnh về đánh giá trong một bối cảnh là học sinh học chương trình SGK lớp 2 năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn và bớt áp lực trong dạy học.
“Yêu cầu cần đạt ở năm học lớp 3 sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với năng lực học sinh, do các em đã phải học trực tuyến kéo dài trong năm học trước. Giáo viên sẽ được hướng dẫn chia nhỏ các chặng đánh giá và giảm yêu cầu cần đạt ở giai đoạn đầu năm lớp 3 giúp học sinh đáp ứng được, các em không cảm thấy yêu cầu cần đạt quá cao hay quá bỡ ngỡ. Ví dụ, chấp nhận tốc độ đọc, viết, nói và nghe của học sinh sẽ chậm hơn so với yêu cầu ở đầu lớp 3. Song song đó, giáo viên sẽ bổ sung bằng nhiều hình thức, hạ thấp yêu cầu cần đạt, phát triển từ từ các kỹ năng của học sinh theo lộ trình. Điều chỉnh sẽ giúp tháo gỡ cho giáo viên vì chỉ khi giáo viên không áp lực thì mới không gây áp lực cho học sinh”, TS. Ly nêu rõ.
Mỗi giáo viên phải luôn tự mình bồi dưỡng
Sau 2 năm triển khai chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, TPHCM vẫn gặp nhiều rào cản, như: tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở nhiều địa phương chưa đảm bảo, giáo viên lớn tuổi ngại đổi mới, ở một số khu vực sĩ số học sinh trong mỗi lớp còn cao, thiết bị và phương tiện dạy học ở mỗi địa phương khác nhau...
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, triển khai chương trình ở năm lớp 3 trong năm học 2022-2023, gần 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học đã được tập huấn SGK lớp 3 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
“Qua các lớp bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nghe các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả và báo cáo viên chia sẻ về quan điểm biên soạn, cấu trúc sách và cấu trúc bài học, nội dung dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học và phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá. Các thầy cô cũng được thực hành xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả bồi dưỡng, từ đó tự tin hơn trong quá trình đứng lớp, mạnh dạn hơn trong đổi mới khi thực hiện chương trình. Song cốt lõi nhất vẫn là thầy cô ý thức được trách nhiệm của việc đổi mới...”, bà Thúy cho biết.
Trực tiếp tham gia bồi dưỡng SGK lớp 3 cho giáo viên, PGS. TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - Tổng chủ biên, kiêm chủ biên sách công nghệ 3, bộ Chân trời sáng tạo, đánh giá hạn chế rõ ràng nhất của giáo viên ở môn công nghệ sau 2 năm triển khai chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học đó là sự trải nghiệm của thầy cô ở lĩnh vực công nghệ không nhiều, do đây là môn học mới. Thậm chí, ở rất nhiều trường giáo viên phụ trách môn công nghệ là giáo viên kiêm nhiệm.
|
Giáo viên phải luôn tự bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình |
Theo PGS.TS Bùi Văn Hồng, các khóa tập huấn, bồi dưỡng sẽ trang bị thêm cho thầy cô kiến thức, khắc phục hạn chế và giúp thầy cô tự tin, mạnh dạn hơn khi đứng lớp, đổi mới ở môn học.
“Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên còn lúng túng, băn khoăn làm sao để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất trong môn học, phát triển được tối đa phẩm chất, năng lực. Qua các buổi tập huấn, thầy cô sẽ được hỗ trợ, bồi dưỡng và giải đáp những băn khoăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi giáo viên phải luôn tự mình bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phương pháp đánh giá. Mỗi trường cũng phải có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ. Về lâu dài, ngành giáo dục cần có chính sách phát triển giáo viên đặc thù thực hiện chương trình mới”, PGS. TS Bùi Văn Hồng nhấn mạnh.
Quốc Trung