Sẻ đôi bát cơm

17/02/2020 - 08:11

PNO - Cả nhóm góp tiền mua từng cân thịt, mớ hành về nấu cháo rồi chở đến bệnh viện chia cho bệnh nhân vào hai buổi thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần.

Những tô cháo, những hộp cơm là những phần quà sẻ chia, nghĩa tình mà các bệnh nhân, người thân và người lao động nghèo nhận được từ các chị cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ khu phố 5, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM nhiều năm qua. 

Cơm 3.000Đ 

Mới 3g30 sáng mà nhà chị Phạm Thị Tuyết Lan ở khu phố 5, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức đã sáng đèn. Chị thức dậy nhóm lửa nấu cơm. Hai dì Trương Thị Hồng và Nguyễn Kim Xuân nhà ở gần đó cũng chạy qua phụ chị Lan xắt bắp cải, bí đỏ, xào rau, nấu canh, chiên cá…

Cho tới khoảng 9g thì việc nấu nướng hoàn tất, cơm canh được dọn ra trước cửa nhà, quán cơm 3.000đ bắt đầu mở cửa. Các bạn đoàn viên thanh niên cũng ghé lại phụ bán. Những phần cơm có giá thành mang tính sẻ chia này là dành cho người lao động thu nhập thấp như các bác tài xe ôm, chị em thu mua ve chai, em bé bán vé số, học sinh, sinh viên. Riêng người già neo đơn, người khuyết tật thì quán không lấy tiền. 

 Bà con nghèo - những người khách quen đến với quán cơm 3.000đ

Bà con nghèo - những người khách quen đến với quán cơm 3.000đ

Quán 3.000đ do cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố 5 và các bạn đoàn viên thanh niên P.Tam Phú thành lập hồi tháng 5/2018. Ban đầu, mọi người tự nguyện góp tiền, mở cửa sáng thứ Năm hằng tuần với 200 phần cơm. Gần đây có các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, quán mở thêm ngày thứ Sáu, số lượng cơm bán ra cũng nhiều hơn. Thức ăn của quán được thay đổi hằng tuần với các món cá kho, cá chiên, thịt kho trứng, thịt nhồi khổ qua, thịt nướng, món xào và canh. 

Vừa xong cuốc xe buổi sáng, chú Phan Văn Thinh vô quán rụt rè: “Cô Lan cho tui tám hộp mang về, món nào cũng được vì cơm 3.000đ luôn ngon”. Nhớ lại những ngày đầu, chú Thinh mua tới 10 hộp, chị Tuyết Lan hơi ngập ngừng, số cơm có hạn mà một người mua nhiều quá thì hết phần người sau, nhưng chị vẫn vui vẻ bán. Nhiều lần như thế, chị mới tìm hiểu và biết nhà chú Thinh có năm người, chồng chạy xe ôm, vợ bị suy thận, các con bán vé số, mua 10 hộp là để dành ăn cả bữa trưa lẫn tối.

“Vợ anh Thinh mới mất, cảnh nhà này thương lắm. Rồi các cụ Liên, cụ Thập, cụ Hoa, những gương mặt thân quen của quán, mỗi lần kêu bán vài hộp, mình ừ liền, vì hiểu”, chị Tuyết Lan bộc bạch.

Vì nhau thêm chút nữa

Trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc, chị Tuyết Lan nghĩ không thể gượng dậy nổi. Năm 2008, chồng chị qua đời sau mấy năm phát bệnh ung thư não và tai biến nằm một chỗ. Chưa nguôi nỗi đau mất chồng, chị nhận thêm hung tin, cô con gái lớn, 31 tuổi, bị ung thư vú. Hồi ấy con mới lấy chồng, sống bên nhà chồng. Con đổ bệnh, chị Lan xin đưa con về chăm sóc.

Còn chị, bị rối loạn tiền đình, viêm đa khớp, nhưng cắn răng chịu, ngay cả chuyện đi bệnh viện cũng đắn đo, lần lữa. Lần đó, đau quá, chị mới chịu ra Bệnh viện Q.Thủ Đức khám. Ở đó chị mới thấy cảnh người bệnh và thân nhân xếp hàng dài chờ mua cháo. Nhiều người, khi hỏi chuyện cơm nước thì khoát tay “nhịn được đồng nào hay đồng đó”. Chị thấy chạnh lòng. Vậy là về rủ chị em trong khu phố hùn tiền nấu “nồi cháo nghĩa tình”.

Cả nhóm gom góp tiền mua từng cân thịt, củ cà rốt, mớ hành lá về nấu cháo rồi chở đến bệnh viện chia cho bệnh nhân vào hai buổi thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần. 

Chị Tuyết Lan bên trái cùng các chị em trog chi hội

Được vài năm, lo mọi người ăn cháo hoài ngán, chị lại bàn với cả nhóm nấu cơm, làm bánh cuốn phát sáng Chủ nhật đầu tiên của tháng và sáng thứ Ba hằng tuần. “Ngoài sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, chúng tôi mỗi người góp một trăm, vài chục. Đều là người khó nhưng chia sẻ với nhau”, chị Tuyết Lan chia sẻ. 

Cũng như nhiều chị em trong khu phố, chị Lan nhận gia công sợi, có bữa 2 - 3g sáng vẫn còn ngồi bên máy, vừa kịp xong đợt hàng là chạy ngay xuống bếp. Sức khỏe yếu, có đợt ngất xỉu phải vào viện, vậy mà tỉnh dậy là chị lại bảo con chở ngay về nhà lo chuyện nấu nướng. Chị tâm tình: “Ở trong vòng luẩn quẩn bệnh tật, khó nghèo, tôi càng trân quý sự sống. Thiệt lòng là có mệt một chút, nhưng tôi nhận lại được niềm vui khi trao đi những phần ăn nghĩa tình, thành ra càng muốn duy trì những hoạt động này lâu nhất có thể. Cứ vì nhau thêm một chút, bởi tôi tin mình còn cố gắng là còn hy vọng”. n

Chị Phạm Thị Tuyết Lan năm nay 53 tuổi, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức. Bên cạnh quán cơm 3.000đ và bữa sáng trong bệnh viện, Chi hội Phụ nữ khu phố 5 còn nhận đỡ đầu năm hộ phụ nữ khó khăn tại địa phương, nấu cơm tặng những cụ bà neo đơn đang sống trong mái ấm Thiên Ân và bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Q.Thủ Đức. 

Thảo Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI