Sẽ có vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường

27/11/2023 - 06:27

PNO - Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.

Theo Bộ GD-ĐT, có nhiều giải pháp chống bạo lực học đường nhưng quan trọng nhất là cần phải áp dụng loạt giải pháp có tính chất tổng thể đồng bộ với sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, cần ưu tiên tăng cường kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân của học sinh. Đây là vấn đề trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh, kỹ năng ứng xử với mạng xã hội hay giao tiếp xã hội… Xử lý được vấn đề này là góp phần giảm nguy cơ phát sinh bạo lực từ chính bản thân học sinh.

Đối với giáo viên chủ nhiệm, Bộ GD-ĐT tăng cường tập huấn về kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh. Tới đây, bộ sẽ có thêm vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường thay vì sử dụng cán bộ chuyên trách như trước đây. Vị trí giáo vụ đã được xác định trong nhà trường cũng sẽ hỗ trợ thêm cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Trong nhà trường, việc đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực như các hoạt động tập thể, hoạt động đoàn, đội, vui chơi giải trí, đọc sách… cũng sẽ giảm khả năng sa vào những hoạt động tiêu cực.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt theo bộ, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này là triển khai tốt chương trình mới với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách, đạo đức con người Việt Nam…

Dung Nhi
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI