Sẽ có thêm bao nhiêu cái chết vô nghĩa?

29/06/2023 - 10:17

PNO - Ai cũng có quyền mưu cầu cái đẹp, ai cũng muốn mình đẹp hơn. Nhưng thật vô nghĩa khi chỉ vì suy nghĩ “đẹp hơn sẽ hạnh phúc hơn” mà phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Công an TPHCM đang điều tra nguyên nhân cái chết của chị Linh, 27 tuổi, quê Cà Mau. Chị Linh chết khi nâng ngực trong khách sạn tại TPHCM.

Theo lời khai của nữ nhân viên thẩm mỹ viện 38 tuổi ở TP Cà Mau, chị Linh từng làm đẹp ở cơ sở của mình. Gần đây, chị này lên TP HCM làm việc, gọi điện nhờ nhân viên dưới quê lên giúp mình nâng ngực.

Sáng 27/6, chị Linh thuê khách sạn ở quận 10 để tiêm filler nâng ngực. Sau khi tiêm filler, thấy chị Linh có biểu hiện khó thở, co giật, nhân viên thẩm mỹ đưa chị vào bệnh viện gần đó cấp cứu nhưng chị không qua khỏi.

Chị Linh được đưa đi cấp cứu
Chị Linh được đưa đi cấp cứu

Chị Linh là một trong rất nhiều nạn nhân thiệt mạng do nâng ngực.

Trước đó, hồi tháng 3, chị N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) tử vong khi nâng ngực tại Bệnh viện 1A (số 542 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TPHCM).

Gia đình cho biết, khoảng 11g30 ngày 18/3/2022 chị N. đến Bệnh viện 1A phẫu thuật nâng ngực theo lịch hẹn. Gần 15g cùng ngày, khi không thấy chị N., người nhà vào gặng hỏi bác sĩ thì được trả lời "bệnh nhân gây mê, chưa tỉnh". Chờ mãi không được vào thăm chị, người thân tìm kiếm từng phòng và phát hiện chị đang nằm trên giường, đã tử vong.

Lãnh đạo bệnh viện khẳng định bác sĩ trực tiếp phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân có hợp đồng lao động, có chứng chỉ hành nghề đầy đủ. 

Hồi tháng 5/2023, bác sĩ Phan Đức Hồng, 61 tuổi, bị xét xử sau gần 2 năm làm khách hàng tử vong khi phẫu thuật nâng ngực.

Sáng 3/7/2021, chị Lê (30 tuổi) đến nhà ông Hồng tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM để nâng ngực và thẩm mỹ vùng kín với chi phí 47 triệu đồng. Chị được đo huyết áp, nhịp tim, được vẽ định vị các mốc trên cơ thể để phẫu thuật và được tiêm 2 ống thuốc gây tê Lidocain dưới da vùng ngực.

Khi đang phẫu thuật ngực phải, chị Lê kêu đau và được tiêm thêm thuốc gây tê. Khi phẫu thuật ngực trái thì chị có biểu hiện suy hô hấp, mặt tím tái. Bác sĩ dừng phẫu thuật, hỗ trợ hồi sức tích cực, cho thở bình ô xy, bóp bóng thở ô xy nhưng đến 15g cùng ngày, nạn nhân tử vong. 

Cơ quan điều tra xác định, năm 2011, ông Hồng có tham gia khóa tập huấn căn bản về nâng ngực thẩm mỹ tại Bệnh viện Đại học Y dược - Đại học Y dược TPHCM và được cấp giấy chứng nhận nhưng giấy này "không có giá trị chứng nhận học viên được trực tiếp thực hiện phẫu thuật nâng ngực". Ông Hồng cũng chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép thực hiện kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. 

Phẫu thuật nâng ngực có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng, có thể gây nhiễm trùng, thậm chí tử vong, vậy nhưng cho đến nay vẫn có rất nhiều chị em, dường như phớt lờ, hoặc có thể là không hiểu biết hết, chấp nhận rủi ro để nâng ngực tại các cơ sở chui, sẵn sàng giao tính mạng mình cho những người không có bằng cấp, không có chuyên môn, không được cấp phép, để rồi nhận lấy kết cục bi thảm.

Dẫu đau lòng trước cái chết của các nạn nhân, nhưng phải nói rằng, mạng sống mới là thứ quý giá nhất trên đời. Trước khi muốn làm đẹp, chị em nên cân nhắc và tính đến những rủi ro mình có thể đối mặt. Ngoài ra, nên khám và thực hiện tại những bệnh viện, cơ sở có uy tín, được cấp phép. Còn nếu không, hãy hài lòng với cơ thể của mình.

Và cũng có lời gửi đến những người thực hiện dịch vụ làm đẹp "chui", đừng vì chút lợi nhỏ mà tước đi mạng sống của người khác.

Vân Đặng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI