Đi kèm với đó, là những lời chia sẻ, trấn an, nhắc nhở, động viên nhau “Bình tĩnh”, “Đừng hoảng sợ, đã có Đảng và Chính phủ lo”, “Mọi người yên tâm”, “Hà Nội sẽ ổn thôi”, “ Cố lên Hà Nội ơi”… Từ những người nổi tiếng sở hữu số lượng người theo dõi đông đảo; cho tới những người bình thường, không ai bảo ai, đều cùng nhau viết lên một bài ca đẹp trong cơn bấn loạn.
|
Nhà báo Mỹ Trà (VOV) viết trên trang cá nhân của mình: "Nhân lúc vắng, nhân viên siêu thị mang các loại mì tôm, gạo, thịt chất đầy các quầy. Đời phải tươi lên chứ sao cứ phải xoắn" - Ảnh: Mỹ Trà |
Lời nguyện cầu cho Hà Nội
Trên trang cá nhân của mình, Facebooker Phạm Mỹ nhớ đến câu chuyện mà thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể với anh về thời khắc nhấn còi báo động B52, bắt đầu 12 ngày đêm khói lửa (hay còn gọi là “Điện Biên Phủ trên không”, diễn ra từ 18-30/12/1972):
“Tôi làm nhiệm vụ ấn còi báo động đầu tiên cho Hà Nội. Khi nhận nhiệm vụ, tôi tiến về bức tường bên phải sở chỉ huy, nơi đặt còi báo động. Mướt mải mồ hôi giữa ngày Đông, tôi chạnh nghĩ Hà Nội - thủ đô yêu dấu lại đứng trước một phen thử lửa ngặt nghèo".
“Hay câu chuyện những chàng trai cô gái ăn Tết năm 1947 ở Hà Nội. Đó là nhóm cảm tử cầm cự Pháp từ tháng 12/1946. Tết đó, dưới những công sự tự tạo, trước vòng vây tứ bề, họ vẫn mặc đẹp và hát. Ở phố cổ trống hoác...
Hà Nội đã trải qua nhiều thử thách rồi. Và từ tối nay (tối ngày 6/3 - PV), lại một phép thử khác. Nó không nặng nề như chiến tranh nhưng cũng đòi hỏi ý chí cộng đồng hơn bao giờ hết. Mọi người cẩn trọng và bình an!”, Phạm Mỹ viết.
Không chỉ trong nước, những kiều bào xa Tổ quốc cũng hướng về thủ đô Hà Nội. Từ Bruxelles (thủ đô của Bỉ), nhà thơ Như Quỳnh de Prelle cũng gửi lời cầu nguyện cho Hà Nội – nơi gắn bó nhiều năm với chị.
|
Sáng 7/3, Bộ Y tế cho biết: "Mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát"; đồng thời khuyến cáo người dân không hoang mang, bình tĩnh thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng tránh dịch." - Ảnh: Phong Lê |
Kế hoạch về quê được Quỳnh chuẩn bị suốt nửa năm, vé máy bay Bỉ - Hà Nội cũng đã thanh toán, các chuyến bay trong nước từ Hà Nội đi Huế, Hội An, Sài Gòn cũng đã đặt. Từ Bruxelles, chị đếm từng ngày đến tháng 4 để về Hà Nội. Thế rồi, “mình đã khóc bao ngày nay, và bây giờ chắc không thể về Hà Nội, không thể về Việt Nam lúc này... khi tháng 4 sắp đến”.
Như Quỳnh nói, không phải vì tiếc tiền vé; chỉ tiếc vì khó lắm mới thu xếp được kế hoạch để về, để gặp gỡ mọi người. Và phải rất lâu nữa, mới có thể làm lại việc này, có những người sẽ không kịp gặp nữa.
“Cuộc chiến này cần sự bền bỉ hơn bao giờ hết, cần sự kết nối và minh bạch thông tin, cần mọi sự rõ ràng để yêu thương và giúp đỡ nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn... Đừng hoảng sợ. Mọi việc sẽ ổn khi mọi người tích cực cùng nhau chống dịch bệnh nguy hiểm này”, chị nhắn gửi Hà Nội.
Những lựa chọn “ngược”
Khi người ta nháo nhào vì dịch bệnh, vì fake news, vì phản xạ sinh tồn, thậm chí là “hỗn chiến” ở siêu thị, lại có những người “thủ sẵn” cho mình một tâm thế “ngược”.
Đó có thể là một lựa chọn dễ thương như chủ trang fanpage Mấy Tòa Nhà; khi Hà Nội căng thẳng nhất, liền “hí hoáy bút vẽ” xoa dịu Hà Nội bằng tấm hình “Cố gắng lên nhé Hà Nội, cả nước đang hướng về nè”. Ngay lập tức, thông điệp này nhận được sự yêu thích, hưởng ứng và chia sẻ của nhiều người khác.
Hay chẳng hạn như Facebooker Nguyễn Hữu Hôn, ngoài những tin tức về COVID-19, anh chọn đọc và chia sẻ những tin tức tích cực, chẳng hạn như ngư dân Phan Thiết trúng mùa cá mòi, kèm lời nhắn “Mong bình yên Hà Nội. Mong trù phú trở lại Mê Kông”. Không ít “kẻ mọt sách” khác, lại xem những ngày này là “quãng thời gian quý báu, rảnh rỗi để đọc sách”.
|
Lời động viên Hà Nội bằng tranh được đăng tải trên trang fanpage Mấy Tòa Nhà nhận được sự yêu thích lẫn chia sẻ từ cộng đồng mạng |
Khi chúng ta càng lo lắng, càng sợ hãi, sẽ càng có xu hướng tìm kiếm thông tin tiêu cực, dễ tin vào những điều mình muốn tin nên sẽ vướng vào ma trận của fake news. “Hoảng loạn không ích gì bà con ơi, cách phòng tránh lây nhiễm tốt nhất là ở nhà xem tivi ngắm trai xinh gái đẹp”, đó là lựa chọn của Facebooker Minh Thi.
Đinh Trần Tuấn Linh - chuyên gia chiêm tinh, một trong những “bộ sậu” của “Lê Bích bụng phệ” - lại chọn… thiền.
Đinh Trần Tuấn Linh nói, anh tin vào giá trị của thiền, vào giá trị của việc ngồi tĩnh lặng, trân quý từng phút giây, tập trung vào hơi thở không làm gì cả, không nói gì cả, không muốn gì cả. Anh lí giải: “Vì có những người chỉ cần làm như thế mỗi ngày là đã tạo ra ân huệ cho rất nhiều người khác xung quanh rồi”.
Trong trạng thái mới nhất ngày 7/3, Facebooker Phạm Mỹ viết: “Hà Nội bình thường bún mắng cháo chửi như hát. Song, có biến, thì nơi đáng tin tưởng nhất vẫn phải là Hà Nội… Lịch sử lại lựa chọn. Hà Nội sẽ là tiền đồn cả nước tống tiễn dịch này. Như trước đây, Hà Nội đã làm được với SARS. Hay xa hơn nữa là những lần thiên tai địch hoạ nguy nan hơn rất nhiều. Cứ bình tĩnh sống và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng. Cũng chóng thôi, lại đến ngày ‘thanh bình tiếng guốc reo vui’, mình cùng nhau uống cốc bia Ụ Pháo”.
Sẽ chóng qua thôi, Hà Nội. Đó không phải là một ảo tưởng xa vời mà là một lời chúc thực lòng nhất dành cho Hà Nội – trái tim của Việt Nam lúc này. Ngày đó sẽ đến, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đợi và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó.
Đậu Dung