Sẽ cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng

30/07/2019 - 12:51

PNO - "Các đơn vị cung cấp điện, nước cho rằng không có quy định áp dụng; nhưng nếu người dân xây nhà mà không được cấp phép, vi phạm thì chúng ta có quyền cắt điện, nước"- ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Tại Hội nghị thực trạng và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM, sáng 30/7; theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hướng đến chỉ tiêu, kể từ năm 2020, thành phố dứt khoát không còn tình trạng vi phạm xây dựng thì việc cắt điện, nước các công trình, dự án vi phạm xây dựng nhất định phải được coi là một giải pháp.

Hơn thế, ông Hoan còn cho rằng, người nào cho các công trình, dự án xây dựng sai phép "câu nhờ" điện, nước cũng bị xếp vào đối tượng vi phạm và chịu xử lý chung.

Se cat dien, nuoc tai cac cong trinh vi pham xay dung
Ông Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị, hướng đến cắt điện, nước các công trình vi phạm xây dựng

Đồng tình, ông Trần Lưu Quang - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM khẳng định, đây là một giải pháp hiệu quả.

Theo đó, ông Quang cho biết, việc cắt điện, nước công trình xây dựng vi phạm từng được quy định tại Nghị định 180 năm 2007. 

Tuy nhiên, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định biện pháp này. Song song, Nghị định 139 (có hiệu lực từ ngày 15/1/2015) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng không quy định cắt điện, nước của công trình xây dựng như một biện pháp xử lý sai phạm về xây dựng.

Để "khôi phục" lại kế hoạch cắt điện, nước như một giải pháp góp phần lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, ông Quang khẳng định: "Chúng tôi sẽ kiến nghị lên trên để có sự điều chỉnh Nghị định 139. Theo đó, để được "vô" đồng hồ điện, nước,  người dân nhất định phải đáp ứng một số quy định, điều kiện về cư trú...".

Mặc dù vậy, tại Hội nghị, một vài đại biểu cho rằng việc cắt điện nước có ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân... Việc ban hành giải pháp này có nguy cơ cao bị người dân phản ứng.

Se cat dien, nuoc tai cac cong trinh vi pham xay dung
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lập lại trật tự xây dựng là vấn đề Thành phố cực kỳ quan tâm

Liên quan đến tình trạng xây dựng sai phạm, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng là 4.252 trường hợp; đồng thời, có 2.573 trường hợp công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép trên toàn thành phố.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI