Theo dự thảo, tiêu chuẩn trên được áp dụng cho chợ nằm trong quy hoạch (trừ chợ nổi trên sông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo cũng giải thích chợ kinh doanh thực phẩm là chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, trong đó số cơ sở kinh doanh thực phẩm chiếm từ 50% tổng số cơ sở kinh doanh cố định tại chợ trở lên.
Tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chí đánh giá về chợ kinh doanh thực phẩm để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tại chợ.
Khó “bẻ ngoặt” thói quen
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết đây là quy định được “xới” lại. Bởi 10 năm trước, quy định cấm giết mổ gia cầm trong chợ nội thành Hà Nội từng được đưa ra và đã gặp thất bại. Ông đánh giá đây là ý tưởng hay, nhằm đưa chợ truyền thống đi vào khuôn khổ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, 80 - 90% người tiêu dùng có thói quen dùng hàng tươi sống, tay sờ thịt còn nóng ấm, mềm mới mua.
“Nhiều sản phẩm gà vịt đông lạnh, hút chân không đưa vào siêu thị tiêu thụ nhưng vẫn không được ưa chuộng bằng gà vịt tươi sống, đến tay người tiêu dùng chỉ vài tiếng sau khi giết mổ”, ông nói.
|
Gà vịt được bày bán tại chợ Bát Tràng (Hà Nội). |
Đó là thực tế. Một người nội trợ tên Mai Thu (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết cách đây khoảng một năm, siêu thị gần nhà chị đẩy mạnh bán thịt gà đông lạnh, vỉ lẻ từng sản phẩm đùi, cánh, ức nhìn ngon lành, sạch sẽ với giá rất rẻ. Chị thích thú mua về trong khoảng vài lần rồi bỏ hẳn.
“Sau khi kho, thịt cứ bở ra từng lớp, không săn chắc như gà tươi mua ở chợ”, chị nói.
Bên cạnh đó, theo ông Phú, lò mổ công nghiệp hiện gánh nhiều chi phí, như phí sát sinh, phí giết mổ, phí khấu hao, thuế VAT... nên chi phí giết mổ cao hơn đến 20% so với giết mổ ngoài chợ, khiến gà vịt từ lò mổ đắt đỏ hơn gà vịt từ chợ. Vì chi phí cao hơn, nên nhiều lò mổ công nghiệp tại Hà Nội chỉ đạt công suất 10%.
“Một quả trứng gánh 14 loại phí, một con heo gánh 52 loại phí, lại thêm chi phí giết mổ cao thì ai mặn mà? Hơn nữa, việc cấm bán gia cầm sống, cấm giết mổ gia cầm tại chợ có thể thổi bùng giá cả, cũng như khó kiểm soát hoàn toàn được chất lượng thực phẩm”, ông phân tích.
Ông Phú cho rằng quy định cấm giết mổ, cấm bày bán gia cầm sống tại chợ nếu áp dụng ngay sẽ làm thay đổi, ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống hằng ngày của người tiêu dùng.
“Uốn cần câu phải uốn từ từ, không nên 'bẻ ngoặt' thói quen tiêu dùng của đa số. Quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng có xử lý, xử phạt được đâu?”, ông nói.
Cần thí điểm ở chợ đầu mối, đô thị...
Dự thảo còn đưa ra nhiều yêu cầu kỹ thuật, bố trí, kết cấu, phòng cháy chữa cháy, hệ thống chiếu sáng... của chợ. Chẳng hạn, chợ kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu như phải được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm thời gian sử dụng tối thiểu 5 năm; không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng an toàn thực phẩm từ khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác...
Hoặc đối với cơ sở kinh doanh rau, củ, quả, thì có cam kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chợ không phun, ngâm, tẩm các loại hóa chất cấm (không có trong danh mục được phép sử dụng theo quy định) để bảo quản rau, củ, quả...
|
Buôn bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm, gia súc còn phổ biến ở nhiều chợ. |
TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết dự thảo Tiêu chuẩn VN đã được đề cập tại hội thảo gần đây. Trong đó, nhiều ý kiến trao đổi rằng nên có bước đệm dần dần, chứ khó có thể “ngủ đêm thức dậy” là đổi thay ngay được.
Nhận xét quy định trên nếu áp dụng trong bối cảnh hiện nay là “không tưởng”, ông Vũ Vinh Phú phân tích hầu hết các chợ hiện nay đều trong điều kiện nhếch nhác, nhà vệ sinh xuống cấp, bãi rác không có, cấp thoát nước còn khiến người đi chợ phải xắn quần lội nước. Vì vậy, nên bắt đầu thí điểm, làm từng bước, áp dụng từ các chợ đầu mối, chợ nội thành tại các thành phố lớn trước và từ từ nhân rộng. Tránh trường hợp áp dụng quy định theo kiểu cấm đoán, đốt cháy giai đoạn.
Cần có chính sách cởi mở hơn, cơ quan quản lý nên tìm giải pháp đưa các lò mổ công nghiệp tăng công suất hoạt động, bằng cách miễn giảm chi phí, giảm thuế VAT...
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết nhiều nước vẫn tổ chức những khu chợ kinh doanh buôn bán gia cầm, gia súc sống riêng biệt. Khi đó, người mua có nhu cầu sẽ mua đưa về nhà để nuôi hoặc có nhu cầu sử dụng thì đưa ra các khu vực giết mổ tập trung.
Còn thực tế của VN là vừa bày bán gà, vịt sống vừa giết mổ tại cùng một chỗ thì sẽ gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quy định cấm bày bán gia cầm, gia súc sống và cấm giết mổ tại chợ là phù hợp với đời sống văn minh hiện đại.
Tuy nhiên, theo ông Long để có thể thực hiện được thì việc quy hoạch và quy định tách thành hai khu vực riêng biệt gồm khu bán gà vịt sống và khu giết mổ. Đồng thời sẽ xử phạt nặng những ai vi phạm khi có giết mổ ngay tại nơi bán gà vịt sống.
Tương tự, các quy định yêu cầu về giấy khám sức khỏe đối với người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ cũng là cần thiết nhưng đừng biến thành các rào cản kinh doanh cho người dân.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định xu hướng cấm bán gia cầm sống tại chợ là tất yếu. Chẳng hạn, ở nhiều nước phát triển, muốn ăn gà vịt thì chỉ có một con đường duy nhất là đi vào siêu thị mua sản phẩm đã chế biến sẵn.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của VN thì chưa thể thực hiện được quy định này. Bởi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của VN chưa phát triển đủ rộng để thay thế hoàn toàn kênh mua sắm truyền thống.
Đó là chưa kể, nếu con gà sống có thể bị lây dịch bệnh gia cầm thì khi đã được làm thịt sẵn sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Ví dụ, nếu làm thịt sẵn, khi tiêu thụ không hết, nhiều người bán tẩm ướp hóa chất để bảo quản cho ngày hôm sau, gây nguy hiểm hơn cho người tiêu dùng.
TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh: “Xu hướng là đúng nhưng ở VN hiện nay chưa phù hợp để thực hiện nên cũng khó khả thi. Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị, chẳng hạn phát triển hệ thống kinh doanh hiện đại, sẵn sàng có đủ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân.
Đồng thời bản thân người tiêu dùng và thị trường sẽ dần dần thay đổi thói quen, nên tiêu thụ gà vịt sống cũng sẽ hạn chế hơn nhiều. Từ đó, hoạt động buôn bán gà vịt sống như hiện nay cũng sẽ thu hẹp và khi đó có thể tiến đến việc cấm hoàn toàn”.