Sẽ bớt những giọt nước mắt đau lòng

02/05/2023 - 11:18

PNO - Mấy ai từng thấy giáo viên bất lực rơi nước mắt? Mấy ai từng thấy các thầy cô nhỏ nhoi, cô đơn trước những phụ huynh hay học sinh không hiểu chuyện?

Sau vụ việc 1 nữ sinh lớp Mười trường chuyên ở Vinh rời bỏ cuộc đời mãi mãi, có đồng nghiệp và phụ huynh hoang mang nhắn hỏi tôi: “Làm thế nào để biết học sinh có ổn hay không?”. Tôi tần ngần thật lâu khi nhìn các học sinh lớp mình chủ nhiệm. 18 tuổi, em nào cũng xinh đẹp, trẻ trung, lễ phép. Câu hỏi của phụ huynh và đồng nghiệp thật không dễ trả lời.

Độ tuổi từ lớp Tám đến lớp Mười hai (14 đến 18 tuổi) là giai đoạn đặc biệt nhất đời người. Tôi không bàn sâu đến tâm sinh lý - bởi tôi không thực sự hiểu cặn kẽ như những nhà chuyên môn - chỉ xin chia sẻ suy nghĩ của một nhà giáo có hơn 20 năm dạy cấp III. Học trò của tôi ở cái tuổi “không lớn không nhỏ”, cái tuổi muốn thể hiện mình nhiều nhất; cái tuổi bồng bột, dễ bị cuốn vào làn sóng bạn bè và dễ phạm sai lầm nhất - những sai lầm có khi vĩnh viễn là vết thương cho mình và người khác.

Ảnh mang tính minh họa - 8Photo
Ảnh mang tính minh họa - 8Photo

Trước khi trả lời bạn câu hỏi “Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm có thể biết trẻ ổn không?”, tôi muốn khẳng định: trẻ khôn ngoan hơn ta tưởng rất nhiều. Tôi không đồng ý với quan điểm “Trẻ con thì biết gì!”. Trẻ tuổi teen học được rất nhiều từ người lớn, nếu không muốn nói là gần như mọi thứ. Người lớn có trung thực không? Người lớn có ỷ mạnh hiếp yếu không? Người lớn có tử tế không? Người lớn có thật tâm yêu thương mọi người không?… Tất cả những điều ấy được trẻ thâu nhận từng ngày. Trả lời những câu hỏi đó trước rồi hãy bắt đầu hỏi: “Tại sao ở chốn học đường giờ bất ổn như thế?”. 

Trở lại việc cô giáo chủ nhiệm có biết học sinh mình ổn không, tôi xin trả lời là có, với điều kiện cô muốn biết - nghĩa là cô có quan tâm. Còn nếu cô không quan tâm hay chỉ qua loa hời hợt, thì không thể biết. Chính vì điều này mà tôi, với tư cách là nhà giáo, đã nhiều lần tỏ thái độ không đồng tình trước ý xem giáo viên như một nghề thông thường, đơn giản. 

Giáo viên nhất định phải được xem là một nghề đặc biệt: được tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, làm việc với cách đánh giá, quản lý và đãi ngộ đặc biệt. Giáo viên tốt sẽ phải làm việc bất kể giờ giấc và hằng hà những thứ quan trọng hơn rất nhiều so với việc truyền tải kiến thức. 

Giáo viên tốt phải luôn quan sát, tìm hiểu, khẽ khàng, kiên nhẫn, yêu thương cùng lúc hàng chục con người với hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, vấn đề khác nhau… từng phút từng ngày. Để “biết” một người thân trong gia đình có ổn hay không, chúng ta còn cảm thấy khó khăn huống chi trong cái tuổi ấy và số lượng 40, 50 học sinh, để cô giáo có thể “biết” học sinh mình ổn hay không nào phải việc dễ dàng. Nếu chỉ dựa vào sự tự nguyện, vào lương tâm người thầy vì thương học sinh mà làm, thì được mấy? 

Giáo viên của ta thực sự chưa được trang bị kỹ lưỡng, tập huấn rõ ràng, cũng chưa có sự hỗ trợ hay bảo vệ kịp thời khi có sự cố xảy ra với học sinh và phụ huynh. Mấy ai từng thấy giáo viên bất lực rơi nước mắt? Mấy ai từng thấy các thầy cô nhỏ nhoi, cô đơn trước những phụ huynh hay học sinh không hiểu chuyện?

Ảnh mang tính minh họa - Dashu83
Ảnh mang tính minh họa - Dashu83

Chưa kể, giáo viên cũng là con người, không phải ai cũng có thể dễ dàng bắt kịp cảm xúc, vấn đề của người khác bởi khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề từng người khác nhau. Vậy nên, có thể trách giáo viên nhưng trong bức tranh giáo dục của ta hiện nay mà đổ hết cho giáo viên lỗi không nắm bắt tâm tư các em, tôi e là quá nặng. Thầy cô thực sự không làm nổi.

Giá mà sĩ số các lớp ít đi một chút, giá mà giáo viên chủ nhiệm có hẳn 2 tiết hay nhiều hơn để nói chuyện gắn kết tạo niềm tin, gầy dựng những giá trị sống đẹp và chia sẻ với học sinh. Giá mà tất cả giáo viên được đào tạo bài bản, nghiêm túc về việc thấu hiểu và biết cách chia sẻ cảm xúc với trẻ. Giá mà gánh nặng cuộc sống nhẹ hơn trên đôi vai cô thầy. Giá mà áp lực thi cử, điểm số, tập huấn, học hành, thành tích… nhẹ hơn với thầy cô…

Nếu được thế, may ra khả năng “biết” học sinh của thầy cô sẽ nhiều hơn và có lẽ sẽ bớt những giọt nước mắt đau lòng như hôm nay… 

T.T.V

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI