"Scent of a woman": Chấp nhận mình là hành trình vĩ đại nhất!

10/10/2020 - 11:46

PNO - "Bố già" đã khiến Al Pacino có một cuộc đời khác nhưng "Mùi hương đàn bà" mới là phim đưa tay ông chạm vào tượng vàng Oscar - Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Vào cái ngày Charlie - một học sinh dự bị đại học - gõ cửa ngôi nhà mà anh sẽ làm thêm với công việc chăm sóc người già vào cuối tuần, anh không nghĩ có thể “gánh” nổi ông già mù Frank Slade lúc nào cũng cáu kỉnh, hằn học và luôn có lý do để gây hấn với xung quanh.

Trung tá Frank Slade về hưu, là người trải qua nhiều năm tuổi trẻ ở chiến trường Việt Nam, từng chứng kiến những cuộc bỏ chạy lẫn xông pha, lẩn tránh và đối diện. Những gì diễn ra sau đó, khi ông trở về và dự phần vào một xã hội đầy hưởng thụ mà ở đó những chàng trai “tay chân đứt lìa, mất cả chân” dường như không được ai nhớ đến ngoài những bài diễn thuyết, khiến ông cảm giác đã để lại cuộc đời mình ở đâu đó. Ông trở thành người huấn luyện trong một trung tâm quân đội. Bất kỳ ai nơi ấy đều phải giữ tư thế nghiêm chào khi ông đi qua nhưng điều đó chẳng là gì cả. Trong một cơn phẫn nộ vì những trật tự bị phá vỡ, bằng khẩu súng trong tay, ông tự làm mình tổn thương, mất hoàn toàn thị lực. 

Sau 5 năm sống cùng bóng tối, Frank Slade sắp xếp cho bản thân một cuộc ra đi. Bằng khẩu súng 45 li, ông dự định sẽ chĩa vào thái dương mình sau khi hoàn thành cuộc viếng thăm gia đình anh trai, nghỉ dưỡng trong một khách sạn hạng sang ở New York và qua đêm với một phụ nữ đẹp. “Hành trình chết” được ông sắp xếp vào cuối tuần và dĩ nhiên Charlie không hề biết mình đang dự phần vào kế hoạch đó của ông già cáu kỉnh. 

Thực tế, sẽ không ít người thất vọng nếu chờ đợi nội dung phim dựa trên suy đoán về tiêu đề gợi nhiều sự… hoan lạc: Scent of a woman (Mùi hương đàn bà). Phim không nói về phụ nữ và dù có đề cập đến việc Frank Slade qua đêm với một cô gái gọi cao cấp nhưng không hề có bất kỳ cảnh giường chiếu nào trong phim. Nói một cách khác, phim được xếp loại father - son (dòng phim cha - con) hơn là về tình ái. 

Nước Mỹ hậu chiến trong một cá nhân

Không có bất cứ hình ảnh nào về chiến trường, dù chỉ trong gợi nhớ của nhân vật nhưng Mùi hương đàn bà đích thực là một phim hậu chiến. Và, như rất nhiều phim hậu chiến khác, nước Mỹ ở thời điểm những người lính hoàn thành sứ mệnh quay về, đáng để khước từ và chống đối, vì mang nhiều bộ mặt nhưng không có bộ mặt nào có dáng dấp của sự chính trực và xả thân - như những gì mà phần đông thanh niên Mỹ đã trải qua ở chiến trường.

Đó là một xã hội đầy rẫy những con người nhún nhường và đặt lợi ích cá nhân lên trên: vị hiệu trưởng trường Baird - người tuyên bố sẽ giữ phẩm giá của trường bằng mọi cách nhưng lại trừng phạt một cậu học trò yếu thế sau khi không thể mua chuộc; là những cậu ấm cô chiêu giàu có nhưng hèn nhát, sẵn sàng đẩy bạn học vào nguy cơ mất tất cả vì những lỗi lầm của mình… Ở đó, mỗi cá nhân “là một kẻ đứng trong cái hàng dài tăm tối của những người trưởng thành Mỹ” như lời của trung tá Frank Slade.

Nhưng, không hề giống với bất kỳ bộ phim hậu chiến nào khác, vết thương chiến tranh của nước Mỹ còn được nhìn thấy ở chính những người lính không thể chấp nhận cuộc sống mình đang có, mà trung tá Frank Slade là một điển hình. “Cậu thì biết quái gì về đau khổ chứ?” - vị trung tá già nói với cậu học sinh dự bị.

Vì đau khổ nên ông càng không thể chấp nhận xã hội mình đang sống và vì cái xã hội ông đang sống mà ông càng đau khổ. Sự đau khổ biến ông thành một kẻ khác, kẻ “cả đời luôn chống đối mọi người, mọi thứ, vì nó (sự chống đối) khiến tôi cảm thấy mình quan trọng”. Nước Mỹ vĩ đại phần nào đó bởi sự góp sức từ những kẻ gửi tuổi trẻ của mình ở chiến trường nhưng nước Mỹ không có chỗ cho họ khi họ quay về. Để rồi, họ làm tổn thương chính mình, làm tổn thương người xung quanh.

Ngày chĩa súng vào đầu mình, ông già ấy nói với Charlie: “Tôi là kẻ chẳng ra gì”. Ông là nạn nhân của nước Mỹ và là nạn nhân của chính mình.

Thực tế thì, một cuộc đời có rất nhiều lý do để tiếp diễn, mà đôi khi điều ấy quá đơn giản, đến mức người ta không nhận ra, như lý do để Charlie thuyết phục Frank Slade hạ súng: “Ông là người nhảy tango và lái chiếc Ferrari giỏi nhất tôi từng biết”. Frank Slade một lần nữa nhìn nhận lại cuộc đời mình, cũng như nước Mỹ nhìn nhận lại những giá trị đang bị lãng quên hoặc bị khỏa lấp bởi những phẩm giá giả tạo. Với Frank Slade, không phải vì điệu tango đáng nhớ hay vì chiếc Ferrari cừ khôi, mà vì cuối cùng ông cũng đã nhìn thấy sự cương trực vẫn còn tồn tại. 

Charlie không bỏ đi để tự cứu mình trước họng súng của người đàn ông tuyệt vọng, cậu cũng từ chối cơ hội vào thẳng Đại học Harvard danh giá nếu chấp nhận “chỉ điểm” kẻ gây rối. Còn nước Mỹ, cũng giống như hội đồng gồm 10 thành viên của trường Baird - nơi mà mỗi khi mở miệng, vị hiệu trưởng đều nhắc đến niềm tự hào vì sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo Mỹ - chọn nhận ra những giả trá: từ chối trừng phạt Charlie theo đề xuất của vị hiệu trưởng. “Tôi không biết sự im lặng của Charlie là đúng hay sai, tôi không phải thẩm phán. Nhưng cậu ấy sẽ không bán đứng kẻ nào để mua tương lai cho mình và đó là sự cương trực, là lòng dũng cảm. Đó mới là tính cách của lãnh đạo” - Frank Slade nói. 

Al Pacino, Al Pacino và vì đó là Al Pacino!

Trước Mùi hương đàn bà, Al Pacino từng bốn lần được đề cử Oscar, nhất là với phim Bố già 1 và 2 nhưng chỉ đến vai Frank Slade, ông mới chạm tay vào tượng vàng danh giá này. Không chỉ thế, phim còn nhận được ba giải thưởng của Quả cầu vàng năm đó: Nam diễn viên chính kịch xuất sắc nhất - dĩ nhiên là cho Al Pacino, Phim chính kịch hay nhất và Phim có kịch bản hay nhất. 

Nhiều nhà phê bình nhận định, thành công của phim dựa hẳn vào diễn xuất của Al Pacino. Nếu đó không phải là người đàn ông kiêu hãnh của điện ảnh thế giới - người xem mọi thất bại nếu có cũng là đương nhiên - bộ phim sẽ trở nên nhàm chán với một câu chuyện vốn chẳng có gì hấp dẫn, thiếu điểm nhấn. Thậm chí, nhiều nhà phê bình cho rằng thời lượng 2,5 tiếng đồng hồ của phim là quá dài và có nhiều chi tiết thừa. 

Quả thật, hãy xem Al Pacino ở phân đoạn Frank Slade giằng súng với Charlie và gào lên lý do tự sát: “Chỉ còn bóng tối. Cậu hiểu chưa? Xung quanh chỉ còn bóng tối!”. Trên gương mặt của vị cựu chiến binh là phức hợp cảm xúc: sự dồn nén, nỗi tuyệt vọng, thế mắc kẹt giữa quyết định ra đi và ý muốn ở lại; sự phẫn nộ chính mình lẫn sự bỏ cuộc, chạy trốn...

Mái tóc luôn vuốt ngược, đĩnh đạc của Frank Slade rũ xuống, đôi mắt không còn dấu hiệu sống mở to như chống lại những thứ ông từng chứng kiến trong đời, các cơ mặt bất động giữ vết thẹo dưới khóe mắt như vừa nhắc nhớ vừa rũ bỏ quá khứ lẫy lừng. Chỉ riêng phân cảnh đó, người ta đã thốt lên: “Đúng là Al Pacino!” như một định danh bất biến. 

Dĩ nhiên, Al Pacino còn tạo ra nhiều phân cảnh mà người ta tin chắc không ai có thể lặp lại. Bốn phút vị trung tá già khiêu vũ cùng cô gái trẻ Dona với bản tango trên nền nhạc Por una Cabeza mê đắm được đánh giá là khoảnh khắc lãng mạn nhất, đẹp đẽ nhất, ấn tượng nhất của phim.

Kỳ quái hơn, danh sách 100 câu thoại đáng nhớ nhất do Viện phim Mỹ đề cử lại xuất hiện một từ thoại chứ không phải câu thoại, vốn là từ cửa miệng của trung tá Slade: “Hoo-ah!”. Ai có thể làm nên điều đó nếu không phải là Al Pacino? 

Trailer phim Mùi hương đàn bà:

 

Chinh Hàn

 

 

 


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI