SCB yêu cầu được khắc phục hơn 760.000 tỉ đồng

14/03/2024 - 21:20

PNO - Chiều 14/3, Hội đồng xét xử (HĐXX) kết thúc phần thẩm vấn các bị cáo, chuyển sang phần trình bày của các bị hại và cá nhân, tổ chức liên quan đến “vụ án Vạn Thịnh Phát”.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được xác định tham gia phiên tòa với 2 tư cách là: bị hại đối với hành vi tham ô tài sản và là người có quyền - nghĩa vụ liên quan đối với hành vi vi phạm về hoạt động ngân hàng.

SCB được xem là bị hại lớn nhất của vụ án.
SCB được xem là bị hại lớn nhất của vụ án

Đại diện SCB, ông Hà Thế Định - Phó tổng giám đốc SCB - trình bày các yêu cầu về việc được khắc phục hậu quả của SCB. Trong đó, SCB không đồng ý với các trạng xác định số tiền thiệt hại là 498.000 tỉ đồng.

Theo ông Định, tổng thiệt hại của SCB phải được tính đến ngày 5/3/2024 (ngày bắt đầu phiên toà sơ thẩm vụ án) là hơn 760.000 tỉ đồng. Trong đó, 677.000 tỉ đồng tiền gốc (tính từ 17/10/2022) và hơn 84.000 tỉ đồng lãi phát sinh. Ông Định đề nghị SCB được bồi thường số tiền thiệt hại là hơn 760.000 tỉ đồng và lãi phí phát sinh cho đến khi SCB thu lại được tiền.

SCB cũng đề nghị được giao lại và toàn quyền khai thác, sử dụng, quản lý 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát mà không cần phân biệt tài sản có đủ điều kiện pháp lý đảm bảo hay không.

Ngoài là bị cáo chính, bà Trương Mỹ Lan cũng là bị hại
Ra tòa, ngoài là bị cáo chính, bà Trương Mỹ Lan cũng là bị hại khi bị ông Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng

Các tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án; tài sản bị hoán đổi và rút ra khỏi SCB cũng cần được thu hồi và giao về cho SCB. Theo đại diện SCB, đã có 240 tài sản thế chấp bị hoán đổi, trong đó có 67 tài sản đã xuất ra khỏi SCB và đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của SCB.

Đồng thời, SCB cũng đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục truy tìm, kê biên, phong tỏa tất cả tài sản của tất cả các bị cáo để đảm bảo thu hồi tối đa tài sản, giảm thiểu thất thoát. Nếu cơ quan điều tra phát hiện các tài sản có nguồn gốc từ tiền phạm tội thì đề nghị giao cho SCB quản lý.

Ông Định cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên bên liên quan, trong đó, các công ty thẩm định giá có người tham gia vào việc nâng khống tài sản thế chấp, gây thiệt hại cho ngân hàng, phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho SCB…

Đại diện SCB cho rằng, các yêu cầu trên nhằm đảm bảo không chỉ thu hồi tài sản cho SCB mà nhằm trả lại người bị hại cũng như trả lại tài sản cho nhà nước.

Phiên tòa
Phiên tòa đã hoàn thành phần xét hỏi các bị cáo

Cũng tại tòa chiều 14/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, qua vụ án, các bộ phận đã rút kinh nghiệm sâu sắc, cần nâng cao chất lượng chuyên môn lẫn đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, giám sát cũng như cần những biện pháp tăng cường phối hợp với các bộ ngành liên quan, nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động thanh tra…

Đại diện NHNN cũng mong HĐXX xem xét, có phán quyết hợp tình hợp lý đối với các bị cáo công tác tại NHNN đã có nhiều năm cống hiến và hết mình với ngành ngân hàng, cũng như đã thành khẩn khai báo và tích cực khắc phục hậu quả.

Trong vụ án, có 5 cán bộ của NHNN chi nhánh TPHCM bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo kết quả điều tra, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khách hàng cá nhân và 1.470 khách hàng tổ chức) với tổng số tiền 1.066.608 tỉ đồng.

Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay (gồm: 440 cá nhân vay 512 khoản và 435 tổ chức vay 772 khoản), còn dư nợ 677.286 tỉ đồng, gồm 483.971 tỉ đồng nợ gốc và 193.315 tỉ đồng nợ lãi/phí (các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi). Dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại SCB.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI