Scandal Thu Vũ nói tiếng Anh kém: Đừng cười người khác chỉ vì họ không giỏi tiếng Anh

24/06/2016 - 20:02

PNO - Không có những lời góp ý, Thu Vũ (Vũ Trần Triều Thu) những ngày qua hứng hàng loạt chỉ trích, miệt thị chỉ bởi cô nói tiếng Anh kém tại cuộc thi Mister International 2015 tại Philippines.

Làm sao ai đó có thể tốt hơn khi bị miệt thị như thế? Với vai trò giám khảo tại cuộc thi, Thu Vũ đưa ra câu hỏi bằng tiếng Anh (đã chuẩn bị trước) cho thí sinh Sang-Jin Lee đến từ Hàn Quốc. Nhưng cả hai lần cô hỏi, thí sinh lẫn những người có mặt tại cuộc thi đều không biết cô muốn nói gì. Nam diễn viên Vice Ganda (Philippines) phải cứu nguy bằng cách đọc lại câu hỏi thì thí sinh mới hiểu. Một sự việc ngoài ý muốn, cũng là nỗi xấu hổ của cá nhân.

Tuy nhiên, khi sự việc bị lọt vào tầm “ném đá” của đám đông, người ta không ngần ngại gắn vào đấy hai chữ “quốc thể”, dù thực tế trên đấu trường nhan sắc thế giới, chuyện người đẹp các nước không giỏi tiếng Anh không hiếm. Điều đó chỉ đơn thuần khiến họ tự đánh mất hoặc làm giảm đi cơ hội của chính mình, hơn là “làm mất thể diện quốc gia” quá to tát như dư luận gán ghép. Thiếu sót của Thu Vũ trong trường hợp này không phải là kém tiếng Anh mà là cô đã không tự lường khả năng bản thân để có thể nhờ ban tổ chức sắp xếp phiên dịch - điều luôn được chấp nhận và vẫn thường thấy ở các cuộc thi quốc tế.

Scandal Thu Vu noi tieng Anh kem: Dung cuoi nguoi khac chi vi ho khong gioi tieng Anh
Thu Vũ đặt câu hỏi bằng tiếng Anh nhưng phát âm không chuẩn khiến nhiều người không hiểu (ảnh cắt từ clip)

Chuyện đám đông tận diệt chưa bao giờ vơi trong thời mạng xã hội lên ngôi. Không có góp ý, nhận xét với hàm nghĩa tích cực, những lời dành cho Thu Vũ chỉ là thóa mạ, chỉ trích, miệt thị đến mức cô phải khóa trang cá nhân. Làm sao ai đó có thể tốt hơn, lớn lên, cải thiện bản thân từ những miệt thị đó? Sự kém cỏi mang tính cá nhân của Thu Vũ đã khiến cô gánh chịu những đòn roi mang danh tập thể. Và, thay vì góp ý để cô có thể trau dồi, điề u chỉ nh điểm hạn chế đó thì người ta lại chê bai đến mức muốn loại trừ. Với một đám đông như thế, không “giấu dốt” mới là chuyện bất thường!

Chẳng ai muốn tìm hiểu xem sau sự cố đó, Thu Vũ đã làm gì, có học hỏi để cải thiện vốn tiếng Anh của mình hay không. Cũng như, họ không cần biết những tổn thương do ngôn từ mình mang lại như thế nào, chỉ cần được chê bai. Có thể ai đó nói việc lên án những điều hạn chế là góp phần phản biện, cải thiện. Nhưng phản biện và tận diệt là hai mục đích khác nhau dù có chung hình thái. Chẳng xã hội nào tốt hơn lên với tràn lan những miệt thị ác ý. Thật đáng buồn khi thấy đằng sau những màn “ném đá”, “lời nói đọi máu” ấy, một bộ phận không nhỏ người Việt đang ngày càng đánh mất đi tính nhân văn.

Trang tin nước bạn - Manila Channel khi tường thuật về sự việc của Thu Vũ đã nhắn gửi ở đoạn cuối: “Nếu bạn chứng kiến một tình huống như thế, đừng cười người khác chỉ vì họ không giỏi tiếng Anh. Thay vào đó, hãy giúp đỡ họ”. Trong khi đó, Thu Vũ gặp những lời lẽ tận diệt từ chính những người nói tiếng Việt như mình!

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI