Với những chị em hiếm muộn, khó khăn lắm mới mang thai được, mỗi lần như thế thật sự là bi kịch. Nhưng, dẫn đến sẩy thai là lỗi do đâu?
Không giữ gìn mới sẩy (?)
Thông thường, sau khi kết hôn ai cũng mong sớm có con cho vui cửa vui nhà, cho hạnh phúc thêm trọn vẹn. Đó là chưa kể áp lực từ cha mẹ hai bên mong được bế cháu. Vì bao nhiêu kỳ vọng như thế nên nếu xảy ra bất trắc trong quá trình mang thai, thì bao lỗi lầm thường bị dồn hết lên người phụ nữ, bất kể đúng sai.
Chị Trần Thị Hương, 32 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM, mãi đến 28 tuổi mới lập gia đình. Chồng chị lại hơn vợ đến 10 tuổi. Vì thế, vừa kết hôn là anh chị bị cha mẹ hối thúc ngay chuyện con cái. Tuổi đã luống, khi phát hiện mình mang thai, chị mừng đến nghẹn lời.
Mẹ chồng thì nâng niu con dâu, không để chị động tay vào bất cứ việc gì, thậm chí còn muốn con dâu nghỉ việc ở nhà dưỡng thai. Chị phải giải thích mãi, nhà chồng mới đồng ý để chị tiếp tục đi làm, nhưng không được tự chạy xe máy, hôm nào chồng không đón được phải đi taxi.
Giữ gìn là vậy nhưng đến tuần thứ 16 thì chị bị đau bụng ra máu. “Không bao giờ mình quên được thời khắc đó. Thương đứa con trong bụng bao nhiêu mình càng sợ ánh mắt thất vọng của gia đình bấy nhiêu. Mình vào bệnh viện (BV), nhờ bác sĩ (BS) làm mọi cách nhưng vẫn không giữ được. Ngay tối hôm đó mình sẩy thai”, chị kể, giọng nghẹn lại.
Từ BV về đến nhà, chị thấy ngay không khí nặng nề đang bao trùm. Chồng chị im lặng bỏ ra phòng khách uống rượu rồi ngủ luôn ở đó. Nhà chồng thì thay đổi 180 độ, từ chăm sóc ân cần, giờ lại lạnh tanh. “Mẹ chồng nói tại mình không chịu giữ gìn, có thai mà còn chạy rông nên mới ra nông nỗi”, chị ứa nước mắt.
Quan niệm sai lầm
Những câu chuyện tương tự chị Hương không hiếm. BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (Hosrem) cho biết, nếu sẩy thai đối với những phụ nữ mang thai tự nhiên đau đớn một thì các chị em hiếm muộn đau đến mười.
“Nhiều người không biết, tỷ lệ dọa sẩy và sẩy thai chiếm đến 20-30% các ca mang thai. Hầu hết nguyên nhân gây sẩy thai gần như không thể can thiệp được. Cho nên, nói sẩy thai vì thai phụ không giữ gìn là sai hoàn toàn. Nếu thai đã muốn sẩy thì có nằm yên một chỗ suốt thai kỳ cũng chẳng ăn thua”, BS Tường nói.
BS Tường cho biết, hiện đang điều trị cho một thai phụ 35 tuổi, hiếm muộn (không rõ nguyên nhân).
Sẩy thai - cơ chế tích cực của tạo hóa
Chị mang thai bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, bi kịch là từng sáu lần có thai đều bị sẩy. “Vợ chồng cô ấy cứ nghĩ BS có thuốc tiêm vào là giữ được thai, sẩy là do cô ấy không đến BV kịp, nên cô ấy cứ tự dằn vặt mình”, BS Tường nói. Rồi cũng vì không hiểu biết, nhiều thai phụ mất con đã cố tìm một lý do nào đó để đổ thừa. Có chị khi siêu âm, thấy BS bảo mọi thứ bình thường, nhưng một tuần sau là thai sẩy. Thế là chị quay lại mắng BS chuyên môn kém, siêu âm không phát hiện ra dấu hiệu dọa sẩy để sớm can thiệp.
BS Tường giải thích, sẩy thai là một hiện tượng thường gặp khi có thai. Nguyên nhân gây sẩy thai rất nhiều, đa số là không can thiệp được. “Thường thai bị sẩy là do bản thân cái thai có bất thường. Cơ thể chúng ta rất kỳ diệu, khi tự nhận biết thai bất thường là lập tức không cho phát triển nữa và đẩy thai ra ngoài.
Đó là một cơ chế tích cực của tạo hóa. Nếu thai bất thường nhưng vẫn lớn lên thì sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho mẹ”, BS Tường phân tích. Nhiều người cứ thấy thai dọa sẩy thì cố làm mọi cách để giữ lại là trái với tự nhiên. Lời khuyên của BS là hãy để yên, không cần làm gì cả. Nếu bản thân thai không bất thường thì sẽ không sẩy, còn nếu thai muốn sẩy thì chẳng cách nào giữ được.
Nhiều thai phụ khi thấy bị ra máu là tức tốc đến BV, hy vọng có một loại thuốc hay một cách nào đó giúp giữ lại thai, còn xin nằm viện cho yên tâm. Tất cả chỉ là liệu pháp tâm lý.
“Bản thân BS cũng chỉ điều trị theo kinh nghiệm. Khi thai phụ đến, bắt buộc BS phải cho một loại thuốc nào đó để trấn an. Chưa có loại thuốc nào có thể giữ không sẩy thai. Sau khi tiêm thuốc nào đó mà thai không bị sẩy thì cũng chỉ là ngẫu nhiên thôi”, BS Tường khẳng định.
Thuốc các BS thường dùng tiêm cho thai phụ bị ra máu, dọa sẩy thai là một loại nội tiết tố, có tác dụng hỗ trợ nội mạc tử cung, với hy vọng giúp ngưng hiện tượng chảy máu, nhưng không tác động được đến bào thai. Nếu thai đã bất thường thì có làm thế nào cũng không phát triển được nữa. Thay vì trách mình trách người, tốt nhất là lấy thai ra, làm sạch tử cung để chuẩn bị cho kỳ mang thai tới.
Làm gì khi liên tiếp sẩy thai?
Những phụ nữ bị sẩy thai từ hai lần (liên tiếp) nên đi tầm soát nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do thiếu hụt nội tiết trong lúc mang thai, tử cung có u xơ, lạc nội mạc tử cung thì có thể cải thiện được.
Một số nguyên nhân khác gây sẩy thai không điều trị được nhưng có cách khắc phục. Ví dụ, vợ chồng đều bình thường nhưng cứ có thai thì thai bị bất thường về nhiễm sắc thể. Với trường hợp này phải làm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ để chọn phôi và có thai bằng hình thức thụ tinh ống nghiệm, khả năng thành công sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, xét nghiệm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cho phôi khá đắt tiền, không phải ai cũng đủ khả năng. Đó là chưa kể, xét nghiệm xong thấy tất cả các phôi đều bất thường thì coi như... mất trắng. Một cách khác, đòi hỏi sự kiên trì của cả hai vợ chồng, là đi khám để BS tư vấn cho dễ có thai hơn, bổ sung nội tiết tố và có thai nhiều lần, xác suất mang thai thành công khoảng 50%.
Thanh Huyền