SAWACO đạt công suất cấp nước 2,4 triệu m3/ngày
Tổng giám đốc SAWACO Trần Quang Minh cho biết: SAWACO luôn đảm bảo duy trì cấp nước an toàn, liên tục, chất lượng cho nhân dân TPHCM. Hiện nay, SAWACO đạt công suất cấp nước 2,4 triệu m3/ngày cho thành phố lớn với hơn 11 triệu dân và 3 triệu khách du lịch, khách vãng lai trên địa bàn rộng lớn 2.100km2.
Tuy nhiên, ông nhận định rằng thực trạng và thách thức hiện nay là nhu cầu về nước sạch ngày càng tăng cao do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh hay việc đối mặt biến đổi khí hậu. Những biến đổi cực đoan và thất thường của khí hậu mang đến cho ngành cấp nước những khó khăn rất khó đoán định. Nguy cơ thiếu nguồn nước đầu vào, chất lượng nguồn nước suy giảm do ô nhiễm cũng là những thách thức.
|
Sự kiện là hoạt động để chào mừng 150 năm ngành cấp nước Sài Gòn - TPHCM và ghi nhận kết quả của ngành cấp nước với rất nhiều thành tựu đóng góp cho sự phát triển chung của TPHCM |
Để vượt qua những thách thức này, SAWACO sẽ phải đưa ra một hệ thống những giải pháp đồng bộ, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, các thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại vào việc xử lý và cung ứng nước sạch, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành chất lượng cao cũng như gắn với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số.
Ông Minh cho rằng, việc tổ chức hội thảo hôm nay hướng đến các mục tiêu: Nhận diện thực trạng, đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để đối phó và vượt qua các thách thức, trong đó có những giải pháp về kinh tế - tài chính, khoa học công nghệ, quy hoạch kiến trúc, dân số, môi trường và đào tạo và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế đang áp dụng.
Kinh nghiệm từ chuyên gia và bạn bè quốc tế
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhận định thêm về an ninh nước và những thách thức cung ứng nước sạch cho đô thị Việt Nam và TPHCM. Ông cho rằng, Việt Nam được coi là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào, có nhiều sông suối, ao, hồ. Tổng lượng mưa trung bình của nước ta khá lớn, dao động từ 1.500 - 2.000mm.
|
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa chủ trì và chia sẻ thông tin về an ninh nguồn nước |
Tuy nhiên, hiện nay các đô thị Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, việc cung ứng nước sạch phải đối mặt với các thách thức, như: Không chủ động nguồn nước mặt đầu vào, ngày càng ô nhiễm nặng bởi các chương trình phát triển, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số đô thị gia tăng liên tục, tiến trình thay đổi mô hình quy hoạch không gian và kiến trúc công trình; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan...
|
Ông Harry Seah - Cố vấn cao cấp cho Tổng giám đốc Cơ quan ngành nước quốc gia Singapore PUB - phát biểu tại hội nghị |
Tham gia hội nghị, các chuyên gia đến từ các nước Singapore, Thái Lan, Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quy hoạch cung ứng nước sạch, phát triển bền vững thông qua công nghệ số hóa.
Theo đó, ông Harry Seah - Cố vấn cao cấp cho Tổng giám đốc Cơ quan ngành nước quốc gia Singapore PUB - cho biết, Singapore là quốc gia căng thẳng về nước vì không có tài nguyên thiên nhiên, không đủ đất để xây dựng hồ dự trữ nước nhưng lại có nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao.
Chính vì vậy, Chính phủ Singapore phải tăng cường năng lực chống chịu cho hệ thống cấp nước, thông qua các giải pháp để tiết kiệm từng giọt nước. Điển hình như: Xây dựng nguồn nước thô đa dạng và không bị chi phối bởi các điều kiện thời tiết thông qua kế hoạch tổng thể “4 vòi nước quốc gia”: Trữ nước, tái chế, khử muối và nhập khẩu. Bên cạnh đó là thực hiện quản lý nhu cầu sử dụng nước, nguồn cung cấp nước và ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và tối ưu hóa vận hành, phân tích dữ liệu lớn, tăng hiệu suất lao động của nguồn nhân lực.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cũng dẫn chứng thêm hoạt động cung ứng nước sạch tại thủ đô Hà Nội. Hà Nội đã đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải để giảm ô nhiễm nước thải độc hại đổ vào hồ: Trúc Bạch, Hồ Tây, Kim Liên, Yên Sở, Bảy Mẫu… Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời hay dùng thực vật để xử lý nước thải. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường học hỏi các kinh nghiệm quốc tế để có thể đưa ra những giải pháp mới trong việc tối ưu hóa khai thác sử dụng nước sạch để đảm bảo cấp nước sạch bền vững cho Hà Nội.
Giải pháp đảm bảo cung ứng nước sạch cho TPHCM
Để đảm bảo cấp nước phục vụ cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế xã hội của TP với mục tiêu phát triển cấp nước an toàn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, TS. Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch thường trực Hội cấp thoát nước Việt Nam - cho rằng: SAWACO cần chủ động nghiên cứu đề xuất, xây dựng các nội dung bảo vệ nguồn nước để tham mưu cho TP phối kết hợp với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quản lý, kiểm soát các nguồn xả thải gây ô nhiêm theo lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai.
Mặt khác, SAWACO cần tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện Quy hoạch chuyên ngành cấp nước sau khi đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2060 được phê duyệt; đề xuất các cơ chế chính sách tạo nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển Hệ thống cấp nước của TP theo các giai đoạn…
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - nhận định: “Hội thảo hôm nay là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, là cơ hội quý báu để các chuyên gia, nhà quản lý, và đơn vị cấp nước trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và giải pháp hiệu quả… góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, hướng tới mục tiêu cung cấp nước sạch an toàn, bền vững không chỉ cho TPHCM mà còn cho các đô thị trên cả nước và khu vực”.
Thiên Ân