PNO - Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), có đến một nửa dân số thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Hiện nay, tình trạng thiếu nước sạch đang diễn ra khắp nơi. Tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân phải mua nước sạch sử dụng cho sinh hoạt.
Từ đầu năm đến nay, Tây Nguyên và Nam Bộ gần như không có mưa. Các chuyên gia dự báo lượng mưa sẽ rất ít hoặc không có mưa ở các vùng này cho đến hết tháng Năm. Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm nay, nắng nóng tại Nam Bộ xuất hiện ở miền Đông từ nửa cuối tháng Hai và mở rộng dần sang miền Tây trong tháng Ba đến nửa đầu tháng Năm. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) đánh giá, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến biến động nguồn nước và hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm tại TPHCM và các vùng lân cận.
Nhân viên ngành nước giám sát chất lượng nước đầu vào cũng như đầu ra chặt chẽ - Ảnh: Đinh Bích
Trước tình hình này, ngành cấp nước TPHCM đã chuẩn bị nhiều phương án ngắn hạn và dài hạn để bảo đảm cấp nước ổn định và liên tục. Ngay từ trước mùa khô 2024, SAWACO đã xây dựng sẵn các kịch bản khi nguồn nước bị xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía tây, tây bắc thành phố), sông Đồng Nai (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía đông, đông bắc và phía nam thành phố) với các mức độ nhiễm mặn khác nhau.
Đại diện SAWACO cho biết, tổng công ty yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo cấp nước được ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân thành phố. Các đơn vị không để xảy ra sự cố lớn, gây yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước. Bên cạnh đó, các đơn vị cần ứng phó và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước thành phố. Đồng thời tập trung giải quyết, không để thiếu nước nghiêm trọng tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước nhưng áp lực nước yếu, ưu tiên biện pháp dự phòng cho các cơ sở và địa bàn trọng yếu. Các đơn vị tiếp tục triển khai kế hoạch cấp nước an toàn, trong đó chuẩn bị giải pháp sẵn sàng ứng phó với các sự cố trên mạng lưới, đặc biệt là sự cố trên các tuyến ống chuyển tải chính, chuẩn bị nguồn dự phòng từ các nguồn nước khác, kiểm soát chất lượng nước trên mạng.
Các nhà máy nước tại TPHCM luôn sẵn sàng vận hành với công suất tối đa - Ảnh: Đinh Bích
Để đảm bảo kế hoạch trên, SAWACO yêu cầu tất cả nhà máy nước (như cụm Nhà máy nước Thủ Đức, cụm Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước ngầm Tân Phú…), các trạm cấp nước luôn sẵn sàng vận hành với công suất tối đa theo yêu cầu. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành điện lực nhằm đảm bảo nguồn điện cấp cho các nhà máy nước vận hành liên tục. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để bảo đảm chất lượng nước nguồn tại trạm bơm nước thô và nhà máy xử lý nước; bảo đảm chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và của SAWACO.
Kêu gọi người dân tiết kiệm nước sạch
Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định, ngành cấp nước thành phố đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như: thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Đối với mạng lưới cấp nước, SAWACO lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố xảy ra, bảo đảm khả năng cấp nước cho TPHCM ở mức nhiều nhất có thể.
Đại diện lãnh đạo SAWACO cho biết, đơn vị cũng đã có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm trên toàn thành phố. Từ đó, đảm bảo cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân với khoảng 5 lít nước/người/ngày. Ngoài ra, SAWACO cũng có các phương án điều phối công suất cấp nước của các nhà máy nước phù hợp. Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An để vận hành xả nước đẩy mặn và sẵn sàng vận hành các trạm cấp nước dự phòng, các giải pháp cấp nước tạm thời, như cấp nước bằng xe bồn cũng được triển khai. Thời gian qua, ngành cấp nước thành phố cũng theo dõi thường xuyên diễn biến độ mặn nước sông qua hệ thống giám sát chất lượng nước trực tuyến.
SAWACO cho hay, đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ vận hành và bảo trì bảo dưỡng các công trình cấp nước bên trong nhà máy nước. Tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên mạng lưới cấp nước (áp lực, lưu lượng, chất lượng nước…), tình hình hoạt động của các thiết bị trên mạng nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đối với các trạm cấp nước dự phòng phải định kỳ vận hành bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo khi xảy ra sự cố có thể vận hành lại an toàn. Đơn vị cũng có kế hoạch bố trí lịch trực 24/24 trong những ngày lễ, tết và ngày nghỉ, xử lý kịp thời sự cố trên hệ thống cấp nước thành phố.
Theo đại diện SAWACO, hiện nay, hệ thống cấp nước từ nguồn đến mạng chưa đảm bảo khả năng điều tiết nước 100%, nếu một trong số các nhà máy nước hoặc một tuyến ống truyền tải chính bị sự cố có thể ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của thành phố. Bên cạnh đó, việc thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch hạn chế khai thác nước ngầm (các trạm nước ngầm, nhà máy nước ngầm Tân Phú, Bình Hưng sẽ giảm sản lượng khai thác nước ngầm theo lộ trình), tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu sử dụng nước của khách hàng cao đều ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của SAWACO. Vì vậy, ngành nước thành phố vẫn tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm với thông điệp “tiết kiệm nước sạch chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình”.
Dự kiến xây dựng các bể chứa ngầm dự trữ nguồn nước sạch
Dù chưa đối mặt với sự căng thẳng về nguồn nước nhưng nguy cơ về tình trạng này đối với TPHCM là rất cao. Để có phương án ứng phó về lâu dài, SAWACO đã phối hợp Sở Xây dựng đề xuất và được UBND TPHCM chấp thuận thông qua “Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050, và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn nước ngầm TPHCM giai đoạn 2020-2030”. Trong đó, có các giải pháp căn cơ như xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn. Các hồ chứa này vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, vừa bảo đảm trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, ngành cấp nước thành phố dự kiến sẽ xây dựng các bể chứa ngầm trong thành phố là nơi bảo đảm ổn định áp lực cho toàn hệ thống, đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để bảo đảm an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra sự cố tại các nhà máy xử lý nước. Ngoài ra, với các thủy đài đã được xây dựng và hoàn thành từ những năm 1970 mà không có các hồ sơ pháp lý để đưa vào sử dụng, SAWACO cũng đã kiến nghị lên UBND thành phố sẽ sử dụng lại các mặt bằng này để làm nơi cấp nước an toàn cho thành phố. Ngành nước có thể xây bể chứa ngầm hoặc làm trạm bơm tăng áp, nơi điều hòa mạng lưới cấp nước tại đây.