Saudi Arabia-Iran xung đột leo thang; Nga-Mỹ tấn công chống IS

03/01/2016 - 07:35

PNO - Trung Đông đang hình thành 2 nhóm chống khủng bố do Nga và Mỹ đứng đầu, và càng phức tạp khi Saudi Arabia tử hình một giáo sĩ người Shia.

Saudi Arabia - Iran đang rất căng thẳng

Saudi Arabia đã xử tử 47 người bị cáo buộc hoạt động khủng bố vào ngày 1/1. Sự việc vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của Iraq, Iran.

Việc Saudi Arabia xử tử một giáo sĩ người Shia có ảnh hưởng trong số 47 đối tượng bị cáo buộc “khủng bố” vấp phải sự chỉ trích của một số nước như Iraq, Iran. Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc Saudi Arabia có hành vi ủng hộ khủng bố khi tử hình đối phương.

Saudi Arabia-Iran xung dot leo thang; Nga-My tan cong chong IS
Người biểu tình cầm ảnh phản đối tử hình giáo sĩ al-Nimr. Ảnh: Reuters

“Họ ủng hộ những kẻ khủng bố và các phần tử cực đoan người Sunni, trong khi tiến hành đàn áp những người chỉ trích ở bên trong đất nước”, người phát ngôn Hossein Jaber Ansari nói.

Một nhân vật nổi bật trong số các tử tù là giáo sĩ người Shia Nimr al-Nimr. Ông là người thường xuyên chỉ trích hoàng tộc Saudi rất gay gắt. Ông bị buộc tội kích động xung đột sắc tộc.

Reuters cho biết, phần lớn những người bị hành hình là các đối tượng đã tham gia hàng loạt vụ tấn công do al-Qaeda tổ chức nhằm vào Saudi Arabia từ năm 2003, bao gồm một vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Jeddah năm 2004.

Ngoài ra, một số người thuộc nhóm người Shia thiểu số đã tham gia tấn công cảnh sát trong những vụ biểu tình năm 2011 - 2013.

Việc xử tử al-Nimr có thể gây ra căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Năm ngoái, Tehran từng cảnh báo vương quốc Arab rằng, Saudi Arabia sẽ tổn thất đáng kể nếu hành hình ông al-Nimr. Sau vụ việc, Iran đã triệu tập đại diện ngoại giao của Saudi Arabia tại Tehran để phản đối.

Cựu thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki nói ông “lên án mạnh mẽ” hành động của chính quyền Saudi Arabia khi tử hình giáo sĩ al-Nimr. “Chính quyền Saudi sẽ sụp đổ vì tội ác này”.

Nghị sĩ Mohammed al-Sayhud thuộc liên minh cầm quyền Shia ở Iraq lo ngại việc ông al-Nimr bị hành quyết sẽ thổi bùng lên những mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia, dấy lên cuộc chiến sắc tộc trong khu vực.

Nhiều cuộc tuần hành phản đối chính quyền Saudi Arabia cũng diễn ra ở một số quốc gia. Tại Bahrain, cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để ngăn cản dòng người biểu tình. Trong khi đó, tại Saudi Arabia, hàng chục người Shia đã tuần hành ở quận Qatif để phản đối việc giáo sĩ al-Nimr bị hành quyết.

Phân chia nhóm chống IS do Nga - Mỹ đứng đầu

Như vậy tình hình chính sự tại Trung Đông vốn đang nóng với cuộc chiến IS càng trở nên nóng bỏng hơn. Cùng thực hiện mục tiêu chung tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS nhưng sự phân chia các nhóm, liên minh càng trở nên rõ ràng hơn.

Saudi Arabia-Iran xung dot leo thang; Nga-My tan cong chong IS
Các tay súng IS

Đội quân chống IS do Nga đứng đầu bao gồm Syria và Iran đang không kích, tấn công rất mạnh mẽ thể hiện hiệu quả rõ ràng. Quân đội các nước này tấn công dồn dập, từng bước thu hồi lại địa bàn từ tay IS, phá hủy nhiều căn cứ quân sự, tiêu diệt nhiều tay súng, Nga còn nhằm vào mục tiêu chặn đứng đường dầu lậu, cắt đứt nguồn tài chính của IS.

Còn Liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu lại bị đánh giá hoạt động kém hiệu quả hơn Nga, mặc dù kinh phí chi cho chiến tranh lớn hơn rất nhiều. Trong lực lượng chống IS dưới sự đứng đầu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mập mờ trong hành động chống IS, thậm chí không ít lần nước này đã bị Nga, Syria, Iraq cáo buộc việc hỗ trợ, mua dầu lậu của IS.

Giới chức lãnh đạo Mỹ sẽ phải nỗ lực thuyết phục những nhân tố chính liên quan, đặc biệt là cộng đồng người Sunni ở Iraq, đánh đuổi IS khỏi các thị trấn và thành phố của họ. Còn tại Syria, Mỹ vẫn cần thêm nhiều sự ủng hộ để có thể hối thúc các bên có liên quan nhất trí cho một lộ trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Do sự bất đồng trong quan điểm chống IS của Nga - Mỹ về sự tồn tại của Tổng thống Syria nên Nga giữ vững quan điểm, bảo vệ ông Assad và độc lập đánh IS mà không cần sự hợp tác của Mỹ.

Thế giới có thể chưa thể loại bỏ được IS trong năm 2016 vì có quá nhiều vấn đề phức tạp liên quan. Tuy nhiên, nếu Mỹ và Nga không sớm tìm được tiếng nói chung cho vấn đề Syria, cũng như cần phải sớm có sự hỗ trợ để quân đội Iraq ổn định lại tình hình trong nước, IS có thể tiếp tục phát triển thành một trong những nhóm khủng bố đáng sợ nhất của thế kỉ 21.

Hoàng Trang (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI