Sau vụ mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức: Bệnh nhân truyền nhau cách chống 'mổ nhầm'

22/07/2016 - 06:11

PNO - Trước khi vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân đã làm đủ mọi cách để thoát khỏi ám ảnh "mồ nhầm" như người đàn ông ở Bệnh viện Việt Đức.

Tự "nhắc khéo" bác sĩ...

Chiều ngày 21/7, tại một số bệnh viện ở TP. Hà Nội có rất đông người dân chờ thân nhân thực hiện phẫu thuật ở bên trong. Câu chuyện về tình trạng "mổ nhầm" tại các bệnh viện từ Trung ương cho tới địa phương mấy ngày vừa qua trở thành đề tài bàn tán của rất nhiều người.

Theo tìm hiểu của PV, đa phần đều cho rằng tình trạng mổ nhầm là trường hợp hy hữu, không ai mong muốn nên "rơi vào ai thì người đó khổ" nhưng không phải vì thế mà phải chấp nhận phó mặc cho may rủi, để người thân có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự cố "mổ nhầm".

Ông Phạm Thanh Hải (56 tuổi, quê huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: "Trước khi đưa con trai phẫu thuật lại cánh tay, chính tôi đã phải dặn con "nhắc khéo" bác sĩ phẫu thuật của mình về tình trạng bệnh tật trước khi vào phòng mổ. Đó là, con phải chủ động nói trước với bác sĩ về chiếc tay đau, rồi dần xoay sang hỏi khi phẫu thuật xong thì mất khoảng bao lâu có thể trở lại được bình thường... Có như thế mới hạn chế bị mổ nhầm như ở Bệnh viện Việt Đức".

Sau vu mo nham chan o Benh vien Viet Duc: Benh nhan truyen nhau cach chong 'mo nham'
Người nhà bệnh nhân trò chuyện trong lúc chờ người thân phẫu thuật ở bên trong (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chiều ngày 21/7).

Ông Hải cho hay, bác sĩ điều trị khác với bác sĩ phẫu thuật. Trong quy trình mổ, bác sĩ phẫu thuật chắc chắn phải đọc qua bệnh án và xem phim chụp X-Quang nhưng dù sao thì "mình chủ động nhắc" vẫn hơn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo (45 tuổi, quê Nghệ An, chồng đang điều trị ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thì lại có cách khác. Chồng bà bị tật ở gân tay bên trái, phải mổ để sắp xếp lại. Nhưng thời gian vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy có nhiều sự việc nhầm lẫn đến từ các bác sĩ phẫu thuật khiến cho vợ chồng bà Thảo không yên tâm.

Sáng ngày 21/7, trước khi đưa chồng vào phòng phẫu thuật, bà Thảo đã chủ động yêu cầu chồng phải lấy bút đánh dấu vào chiếc tay cần phải phẫu thuật. Rồi trong quá trình đi vào phòng mổ, bằng cách nào đó chồng bà Thảo phải trò chuyện với bác sĩ để họ thấy được khu vực mình đã đánh dấu cần phẫu thuật.

"Tôi cũng sợ nếu như nhắc tới chuyện mổ nhầm sẽ gây tâm lý không tốt cho cả ê-kíp mổ nhưng khi theo dõi thông tin trong mấy ngày qua từ việc mổ nhầm chân ở Hà Nội và Long An thì mình chủ động nhắc vẫn hơn. Một tay đã bị tật rồi, tay kĩa lỡ bị nữa thì sao?" - bà Thảo chia sẻ.

Đến dặn kỹ người nhà

Không giống như 2 trường hợp trên, người nhà của chị Phạm Thanh Hương (28 tuổi, ngụ TP. Hà Nội) lại có phương án khác để tránh việc mổ nhầm của bác sĩ. Chồng chị Hương vốn mắc bệnh nam khoa, đang phải điều trị tại một bệnh viện chuyên về hiếm muộn ở TP. Hà Nội. "Trước khi anh vào phòng mổ đã dặn tôi rất kỹ về chỗ mổ mà bác sĩ chỉ định mổ. Để khi lúc đưa ra khỏi phòng mổ, anh có mê man thì tôi vẫn nhận ra mà xác định là không có chuyện mổ nhầm" - chị Hương kể.

Sau vu mo nham chan o Benh vien Viet Duc: Benh nhan truyen nhau cach chong 'mo nham'
Người dân phải tự chủ động quan tâm đến bệnh của mình chứ không thể phó mặc hết cho bác sĩ.

Theo chị Hương, để tránh người thân rơi vào bi kịch mổ nhầm của bác sĩ thì trong quá trình chăm sóc người nhà bệnh nhân cần phải chủ động tìm hiễu kỹ lưỡng về căn bệnh và cách điều trị để có thể chủ động hơn. "Đã đến viện là phải tin tưởng bác sĩ, tuy nhiên với cường độ làm việc dày đặc của các bác sĩ phẫu thuật thì thật khó đòi hỏi họ phải tỉnh táo, chuẩn xác 100%, mọi sự có có thể xảy ra nên mình phải chủ động phòng tránh" - chị Hương đưa ra lời khuyên.

Anh Trần Văn Thanh (ngụ huyện Lương Sơn, Hòa Bình) đang chăm người nhà ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì cho rằng, trong các sự việc mổ nhầm cũng có một phần lỗi đến từ bệnh nhân và người nhà đã không trao đổi trước tình trạng bệnh tật với các bác sĩ.

Anh Thanh nói: "Có thể bệnh nhân và người nhà đã quá tin tưởng bác sĩ hoặc họ thờ ơ với chính bệnh tật của mình nên mới xảy ra chuyện đó. Nếu như cả bệnh nhân và bác sĩ chủ động trao đổi thông tin trước khi phẫu thuật thì không thể có chuyện phẫu thuật nhầm xảy ra. Trong trường hợp bệnh nhân vì bệnh quá nặng, thì người nhà phải chủ động trao đổi thông tin về tình trạng bệnh của người thân với bác sĩ".

Ngày 21/7, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bác sĩ Phan Văn Hậu, phẫu thuật viên chính mổ nhầm chân bệnh nhân Trần Văn Thảo, nhiều năm cầm dao mổ và rất giỏi chuyên môn. 

"Sự việc mổ nhầm chân cho bệnh nhân Thảo là trường hợp hy hữu đối với bệnh viện và cả với chính bác sĩ Hậu", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Sau sự việc, bác sĩ Hậu đã xin lỗi bệnh nhân. Tường trình của bác sĩ Hậu với lãnh đạo bệnh viện cho thấy khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân và phủ vải chỉ chừa chân mổ nên bác sĩ tiến hành thao tác phẫu thuật mà không kiểm tra bệnh án.

Mặc dù bị mổ nhầm, hai chân phải băng bó và đang chịu đau, bệnh nhân Thảo vẫn chia sẻ rủi ro nghề nghiệp với bác sĩ Hậu.

"Đây là sai sót y khoa không mong muốn, bệnh viện và bác sĩ đã nhận lỗi. Tôi cũng không trách móc gì thêm, chỉ mong bệnh nhanh khỏi để về nhà. Mong lãnh đạo bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật nhẹ nhất để bác sĩ có cơ hội cống hiến cho ngành y”, cả bệnh nhân Thảo lẫn người thân đều cho biết.

Đoàn Văn

ay
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI