Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết, đầu tiên, phụ huynh cần quan tâm đến việc cơ sở giữ trẻ có được cấp phép hay không. Bản thân giáo viên dạy con mình có chứng chỉ và bằng cấp sư phạm không. Quan trọng, cha mẹ phải bỏ ngay khái niệm “trông trẻ”, cứ suy nghĩ rằng chỉ cần là con người thì ai cũng trông được con mình.
Phóng viên: Cụ thể hơn, phụ huynh nên lưu ý gì khi chọn trường mầm non cho con?
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam: Dạy mầm non không phải trông trẻ mà là khoa học giáo dục và giáo dục sớm, có rất nhiều yêu cầu với giáo viên. Để dạy trẻ nhất là đối với trẻ dưới 24 tháng phải có rất nhiều kiến thức, kỹ năng. Tôi lấy ví dụ như giáo viên phải có kiến thức về tâm lý, phải hiểu những đứa trẻ chưa biết nói có thể đánh người chăm sóc nhưng đó không phải đứa trẻ hư theo cách nhìn của người lớn, mà là do đứa trẻ đang lo lắng và muốn người chăm sóc chú ý đến mình hơn.
|
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam |
Hay đứa trẻ có thể lè nhè cả ngày khi có điều gì đó thất vọng như mệt, đói, ướt quần, đau đớn trong cơ thể. Thế nhưng vì chưa biết nói, chưa có ngôn ngữ nên trẻ không nói ra được, buộc phải dùng hành động. Người chăm sóc nào không có kiến thức sẽ nghĩ rằng đó là hành vi hư và phải đánh theo kiểu cho roi, cho vọt thì rất nguy hại.
Thực tế nữa là hiện nay chúng ta chưa coi trọng giáo dục mầm non trong khi giáo viên mầm non phải là người biết đủ thứ từ dinh dưỡng, sơ cứu, chăm sóc, có tinh thần yêu thương trẻ. Thế nhưng, chúng ta không cân nhắc những yếu tố đó khi tuyển dụng, đó là chưa kể lương giáo viên mầm non hiện nay cũng thấp nhất.
Hiện nay, có những người làm giáo viên mầm non nhưng không có bằng cấp, với nhóm này phụ huynh nên tránh xa và tuyệt đối không gửi con.
Như vậy, chọn trường mầm non cho con, phụ huynh phải có sự nhìn nhận đội ngũ giáo viên chăm sóc con mình có đủ tiêu chuẩn không. Bản thân cha mẹ phải có kiến thức để phát hiện sớm những dấu hiệu bị bạo hành của trẻ khi con chưa nói được và can thiệp kịp thời.
* Cách nào phát hiện con bị bạo hành, thưa ông?
- Tất cả dấu hiệu liên quan đến cảm xúc, hành vi của trẻ như trẻ trở nên lo lắng sợ hãi thì cha mẹ nên lưu ý. Ngoài ra, nếu bị bạo hành chắc chắn sẽ có những dấu vết để lại trên cơ thể trẻ. Thực tế là có một số phụ huynh không để tâm vào con nên không nhận ra sự thay đổi mà bất kỳ người bình thường nào cũng có thể thấy. Vì thế, con ở độ tuổi đi học, thứ cần nhất là cha mẹ cần phải chú ý đến cơ thể, hành vi của con thay đổi mỗi ngày ra sao.
Ngoài ra, cha mẹ cũng phải có kiến thức về sự phát triển của trẻ. Ví dụ, đứa trẻ dưới 18 tháng chưa nói được nhưng ở giai đoạn này cha mẹ cũng cần có kỹ năng hiểu con qua những hành vi, cử chỉ, dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý. Khi đứa trẻ hoạt bát bỗng trở nên thu mình hay quấy khóc cũng là dấu hiệu.
Trong vụ việc bé 17 tháng tử vong tôi thấy chúng ta đang rất vô trách nhiệm. Phía chính quyền địa phương từng 2 lần xử phạt cơ sở không phép nhưng lại không kiên quyết đóng cửa cơ sở và vẫn để nó hoạt động...
* Vậy làm thế nào để chữa những tổn thương tâm lý cho những đứa trẻ bị cô giáo bạo hành?
- Đã bị bạo hành và bị tổn thương ở giai đoạn sớm thì không chữa được mà trở thành vết sẹo tâm lý. Cái mà chúng ta có thể làm được là giảm nhẹ đến mức tối đa những hệ quả của những đứa trẻ bằng cách tách ngay đứa trẻ ra khỏi không gian mất an toàn. Ngoài ra, phải giám sát con 24/7.
Hiện nay, chúng ta có 13 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cho đến nay tôi thấy việc bảo vệ trẻ em vẫn thực sự chưa có hiệu quả, làm cho những người trong lĩnh vực khoa học bảo vệ trẻ em như chúng tôi rất nản lòng.
|
Chọn trường mầm non cho con phụ huynh cần căn cứ vào trình độ của giáo viên để đảm bảo con có môi trường học tập tốt nhất (ảnh minh họa Hồng Ân, chụp tại Trường mầm non Blue Star, Hà Nội) |
Là một người mẹ gửi con đến trường mầm non từ khi 15 tháng tuổi, chị Lại Thị Phúc (Hà Nội) đã có chia sẻ về cách chọn trường cho con:
Trước khi quyết định cho con đi học ở trường mầm non, tôi đã tìm hiểu trường đó trên mạng xem các phụ huynh “review”, hỏi qua người quen. Sau đó, đến trường trò chuyện trực tiếp với nhà trường để hiểu hơn về cái tâm, tầm của những người chăm sóc dạy dỗ con mình sắp tới.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị được xem các giấy phép hoạt động của trường, cơ sở vật chất, đặc biệt là có camera giám sát không, điều này đặc biệt quan trọng khi con còn rất bé chưa thể trò chuyện, chia sẻ với cha mẹ và không có sức mạnh để phản kháng. Sau đó, mới đến chương trình học có phù hợp với con và gia đình không.
Tôi cũng thường rất để ý khi con đi học về, xem tinh thần con có bình thường không, vui vẻ hay sợ sệt, hoảng loạn, trên thân thể của con có dấu vết gì không... Nếu có bất cứ dấu hiệu gì bất thường tôi sẽ hỏi giáo viên phụ trách, xem lại camera.
Trong trường hợp phát hiện con bị bạo hành, tôi sẽ ngừng cho con đi học, thu thập lại bằng chứng để tố cáo nhà trường và giáo viên đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Khi trẻ bị bạo hành, tôi nghĩ chúng ta cần nhờ đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có được những hướng dẫn cần thiết, khoa học hỗ trợ con kịp thời. Đặc biệt cần phải luôn bên cạnh con, trò chuyện, yêu thương vỗ về và trấn an con, cho con ra ngoài chơi, tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè, gia đình… tránh mắng chửi, cau có… khiến con càng sợ hãi.
Hồng Ân (thực hiện)