Theo báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) năm 2016, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có số lượng người di cư lao động ra nước ngoài cao nhất Việt Nam. Cụ thể, Nghệ An có 62.839 người, Thanh Hóa có 47.732 người và Hà Tĩnh có 34.464 người.
Nguyên lý đẩy và hút
Sau năm 1986, lượng người ra nước ngoài lao động tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước mỗi năm một tăng, trong đó có ba địa phương trên.
Năm 1990, khi Nghệ An và Hà Tĩnh chưa tách ra, đã có 11.531 người ít nhất một lần di chuyển từ huyện này sang huyện khác với mục đích sinh kế.
Theo một tiểu luận trong cuốn Migration: The Asian Experience (Di cư: Kinh nghiệm châu Á) xuất bản năm 1994, chỉ trong năm 1990, khoảng 3.000 người đã rời khỏi Nghệ Tĩnh.
Gần 30 năm qua, không chỉ di cư nội địa, luồng di cư ra nước ngoài cũng tăng dần theo thời gian.
Phần lớn các nghiên cứu về di dân tại Việt Nam thường dựa vào mô hình truyền thống “đẩy” (push) và “hút” (pull) để tìm hiểu nguyên nhân di cư.
Về yếu tố “đẩy”, Nghệ An, Hà Tĩnh là hai tỉnh nghèo khó, mức thu nhập thấp, luôn chịu bão lũ do nằm ven biển, việc canh tác nông nghiệp không thuận lợi do thời tiết và thiên tại khắc nghiệt.
|
Người dân Anh thắp nến tưởng niệm 39 người tử vong trong xe container |
Các nghiên cứu về di cư nội địa tại Việt Nam chỉ ra, những nơi thường có thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với tại quê nhà của họ chính là yếu tố “hút” những người di cư đến đó.
Đi làm kiếm tiền tại nơi xa và gửi tiền về quê đã giúp cải thiện đời sống của hộ gia đình, như một hình thức bảo hiểm để đối phó với sự không chắc chắn về kinh tế. Dù quá trình di cư là của cá nhân, nhưng quyết định di cư của họ luôn chịu sự tác động từ gia đình hay những người phụ thuộc.
Việc lựa chọn địa điểm di cư cũng phụ thuộc vào mạng lưới xã hội của chính người di cư, đó thường là những nơi mà người thân hay những người cùng quê từng đến.
Thông thường, các gia đình sẽ lựa chọn ai là người di cư và người đó sẽ đi đâu, vì di cư được xem như một chiến lược sinh kế của hộ gia đình.
Điều này cho thấy, di cư là một quyết định mang tính chiến lược của tập thể để giúp gia đình sống sót, giảm thiểu rủi ro và cải thiện chất lượng cuộc sống, nó còn là cách để các gia đình nghèo ở Việt Nam thoát nghèo.
Bảo đảm “di cư an toàn”
Tại nhiều nước châu Á, các nhóm và tổ chức môi giới lao động ra nước ngoài hoạt động rất sôi động. Các nhóm và tổ chức này ngày càng mở rộng dần quy mô, hoạt động.
Để ra nước ngoài lao động, đa số người lao động phải trả một khoản tiền rất lớn. Một điều tra trong cuốn Transnational Labour Migration, Remittances and the Changing Family in Asia (Di cư lao động xuyên quốc gia, kiều hối và sự thay đổi của gia đình ở châu Á) do Lan Anh Hoàng và Brenda S. A. Yeoh biên soạn vào năm 2015 cắt nghĩa: “Nếu nhà nước quản lý kém đối với thị trường lao động, khi mà nguồn cung lao động luôn vượt qua nhu cầu, người lao động phải chịu sự bóc lột của những kẻ môi giới”.
Tại châu Á, từ thập niên 1970-1980, phí môi giới và phí di chuyển người lao động ra nước ngoài luôn là gánh nặng rất lớn đối với người lao động.
Các nhóm và tổ chức môi giới lao động cạnh tranh với nhau, nên ưu tiên giảm chi phí cho người sử dụng lao động. Vì vậy, các nhóm và tổ chức môi giới lao động sẽ mặc cả tiền lương, quyền lợi của người lao động.
Những người di cư lao động ở Việt Nam thường phải vay các khoản nợ rất cao để chi trả cho việc ra nước ngoài làm việc.
Khảo sát vào năm 2010 của Viện Khoa học lao động và xã hội cho thấy, những người có mong muốn làm việc ở nước ngoài đã phải vay tiền từ nhiều nguồn, bao gồm cả ngân hàng và các nguồn cá nhân khác, thường với lãi suất cao.
Chỉ riêng phí đặt chỗ đã chiếm tới 80% tổng chi phí, trong khi các chi phí còn lại dành cho đào tạo, tài liệu về di chuyển và phí hoa hồng cho người môi giới trung gian.
Hợp đồng đối với người lao động ở nước ngoài chỉ từ 2-3 năm, người ra nước ngoài làm việc chịu áp lực lớn do phải trả những khoản nợ lãi suất cao trong thời gian lao động ngắn như vậy.
Vì thế, đa phần người lao động Việt Nam ở nước ngoài thường bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng hay hợp đồng sắp hết hạn, có trường hợp vừa đến nơi đã bỏ trốn để không phải trả thêm chi phí nếu được thuê lại lần nữa.
Điều này làm cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài dễ bị tổn thương. Việt Nam cũng phải đối mặt với nguy cơ cấm xuất khẩu lao động sang một số quốc gia hoặc giảm số lượng lao động xuất khẩu sang quốc gia đó.
Thị trường lao động ở nước ngoài vẫn có sức hút đối với người lao động Việt Nam tại các vùng quê nghèo như Nghệ An và Hà Tĩnh.
Mặc dù xảy ra vụ 39 người chết trong thùng container tại Essex (Anh) chấn động dư luận, nhưng họ có thể tiếp tục lựa chọn ra đi và không có dấu hiệu ngừng lại khi chính họ thấy không còn lựa chọn nào khác tại quê nhà để thoát nghèo.
Người ta vẫn sẵn sàng tham gia cuộc di dân lao động không an toàn như đang dấn thân vào một canh bạc đầy rủi ro.
Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Việt Nam không chỉ bắt buộc phải quản lý người lao động ra nước ngoài thông qua các nhóm và tổ chức môi giới lao động, mà còn phải kết hợp truyền tải thông điệp về “di cư an toàn” của Tổ chức Di cư quốc tế đối với những khu vực có khả năng là đối tượng của việc di cư lao động ra nước ngoài không an toàn. Rất khó để thay đổi suy nghĩ của người dân, nhưng đây là bước khởi đầu để giảm thiểu những rủi ro do việc di cư không an toàn gây ra.
Anh từng tài trợ cho Việt Nam đối phó di cư lao động chui Từ năm 2001-2015, Vương quốc Anh từng tài trợ cho Việt Nam 481 triệu bảng Anh để xây dựng hệ thống giảm di cư lao động chui vào Anh, đầu tư vào các dự án chống buôn người từ Việt Nam qua Anh, gồm xây nhà tạm trú cho các nạn nhân bị buôn bán để trở về Việt Nam, đào tạo nguồn lực cho cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam về chống buôn người. Cuối năm 2018, Việt Nam và Vương quốc Anh tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người, cho phép chia sẻ nhiều hơn về thông tin tình báo, hỗ trợ nạn nhân và công tác phòng chống buôn bán người. Tuy nhiên, có vẻ, những nỗ lực này bất thành, khi tỷ lệ lao động chui ngày càng có dấu hiệu tăng lên. Vụ 39 người Việt chết trên đường nhập cư trái phép vào Anh là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. |
Hưng Thịnh